Cây cao su vươn mình trên đất mới
- Cập nhật: Thứ hai, 5/12/2011 | 2:49:38 PM
YBĐT - Tuy mới gia nhập vào tập đoàn cây công nghiệp nhưng dự án phát triển cây cao su ở Văn Yên đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao này.
Công nhân Công ty cao su Yên Bái chăm sóc, làm cỏ vườn cao su.
|
Từ thành phố Yên Bái, vượt qua quãng đường hơn 60 cây số đến xã An Bình (huyện Văn Yên), men theo con đường đất đỏ chừng 3km nữa chúng tôi đến với Đội cao su An Bình. Dọc hai bên đường mới mở là những rừng cây cao su vươn cao quá đầu người chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Dưới tán cao su xanh ngắt là ngôi nhà xây khang trang rộng hơn trăm mét vuông dành cho cán bộ công nhân của Đội.
Cách đây 3 năm, khi đó Dự án phát triển cây cao su ở Yên Bái vẫn nằm trên giấy, chúng tôi ngược đường Tây Bắc đến huyện Thuận Châu và đến tận Đội cao su Ít Ong ở Mường La, Sơn La để được tận mắt nhìn những cây cao su bén rễ ở nơi đây. Hôm nay, đến thăm những đồi cao su ở Đội cao su An Bình tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển và được quy hoạch bài bản đến thế. Hàng cách hàng, cây cách cây cứ tăm tắp hiên ngang vươn lên như thách thức với đất trời. Tuy mới được trồng tái canh sau rét được gần 1 năm nhưng cây cao su ở An Bình đang phát triển rất tốt, những đồi cây trồng bầu đã cao gần 3m, cây trồng tum cũng quá đầu người.
Đội trưởng đội cao su An Bình - Đặng Tiến Chung dẫn chúng tôi đi thăm đồi, vừa đi anh vừa say mê nói chuyện cao su. Là người Nghệ An, tốt nghiệp Trường đại học Lâm nghiệp Xuân Mai với tấm bằng kỹ sư loại ưu, Chung được nhận vào làm việc ở Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam. Khi Công ty cổ phần cao su Yên Bái được thành lập, Chung đã hăng hái lên nhận công tác ở An Bình để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su cho các công nhân người địa phương.
“Trồng cao su có nhiều cái lợi, nó không chỉ đơn thuần lợi về kinh tế, phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà cây cao su là cây “đa mục tiêu”. Trước đây vùng đất này là đất trống, đồi núi trọc, một phần dân trồng ngô, trồng lúa nương và trồng rừng kinh tế nhưng không hiệu quả. Nay trồng cao su theo đúng quy trình, giống tốt và cây rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển nhanh, đúng chu kỳ, cứ đà này chỉ 4-5 năm nữa là 108 ha cao su này sẽ cho sản phẩm” - anh Chung nói.
Thực hiện Dự án phát triển cây cao su của tỉnh, tuy thời gian triển khai chưa lâu nhưng đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, bà con nhân dân các xã của huyện Văn Yên, do đó vụ xuân 2010 đã trồng được 186 ha. Tuy mới gia nhập vào tập đoàn cây công nghiệp nhưng dự án phát triển cây cao su đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao này.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Nguyễn Hồng Thắng cùng cán bộ, kỹ sư Công ty kiểm tra quy trình phát triển cây cao su.
Chị Phan Thị Vân đang cùng các công nhân đang làm cỏ và phủ nilon chống rét cho cây cho biết: “Trước đây tôi là công nhân ở Lâm trường Văn Yên nhưng công việc không đều, thu nhập thấp, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Đang nghỉ tự túc thì tháng 3 vừa rồi, Công ty Cao Su Yên Bái tổ chức tuyển công nhân tôi đã nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm từ tháng tư. Tuy là giống cây mới nhưng được hướng dẫn kỹ thuật và vừa học vừa làm nên cũng không gặp khó khăn gì. Công việc chính là trồng, chăm sóc cao su, với mức lương bình quân từ 2,5 triệu-2,7 triệu đồng/tháng. Với mức lương như hiện nay cuộc sống gia đình cũng tạm ổn”.
Cũng như chị Vân, chị Hạnh cũng đã được tuyển vào làm công nhân Công ty, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, tuy chưa phải là cao nhưng so với ngày làm ở lâm trường thì đó là điều mơ ước bởi mức lương ổn định và còn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được trang bị bảo hộ lao động và các chế độ đãi ngộ chung của Tập đoàn cao su Việt Nam. Buổi đầu đi làm tôi cũng không có mấy niềm tin vào cây cao su đâu nhưng rồi cây sinh trưởng và phát triển tốt, các anh thấy đấy chưa đầy 1 năm tuổi mà có cây đã cao gần 3m rồi. Mình cố gắng chăm sóc tốt 3 ha được giao để vài ba năm nữa cây cho thu sản phẩm còn được chia lợi nhuận nhiều hơn. Chị Hạnh cười lạc quan khoe hàm răng trắng xóa.
Vâng! Phải dăm ba năm nữa những cây cao su đầu tiên này mới cho sản phẩm nhưng ngay từ bây giờ có gần 200 lao động là người dân tộc địa phương đã được vào làm công nhân Công ty và được hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội, y tế và hưởng các chế độ của người lao động... góp phần đem lại ấm no cho người dân vùng dự án. Cây cao su từ miền Nam xa xôi vượt qua những gian khó ban đầu nay đã phủ một màu xanh bạt ngàn trên khắp các triền đồi, triền núi từ Gia Hội, Nậm Búng, Sơn Lương huyện Văn Chấn đến An Bình, Lâm Giang, Lang Thíp huyện Văn Yên mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng cao Yên Bái.
Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thắng đứng trên đỉnh đồi cao su ở Đội An Bình chỉ tay về phía UBND xã An Bình và nói: “Hiện Công ty đang tiến hành lập dự án, khảo sát xây dựng một tuyến đường dài hơn chục km để nối từ trung tâm xã vào các đồi cao su. Tại mỗi đội, chúng tôi đã xây dựng một nhà làm việc và nghỉ ngơi cho công nhân cùng với các thiết chế văn hoá đầy đủ. Như các anh biết đấy, cây cao su đã vươn mình thẳng tắp, ngay cả tôi cũng không ngờ nó lại hợp đất, hợp người Yên Bái đến vậy”. 350 ha cao su được trồng trong năm qua, nay đã vươn lá xanh tươi và cứ đà này chỉ 4-5 năm nữa sẽ cho những giọt nhựa trắng đầu tiên, cũng là lúc Yên Bái có thêm một mỏ “vàng” trắng trên núi rừng.
Nhà làm việc của Đội cao su An Bình đang được gấp rút hoàn thiện phục vụ cán bộ, công nhân công ty.
Để tiếp tục dự án, hiện nay Công ty đã chuẩn bị được 300 ngàn gốc cao su giống để đủ trồng 500 ha vào mùa xuân 2012 và đến năm 2016 sẽ trồng hoàn thành trên 10 ngàn ha cao su đại điền và xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su tại Văn Yên và Văn Chấn. Song song với việc trồng và chăm sóc cao su, Công ty còn tích cực xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân giỏi chuyên môn, vững vàng bản lĩnh chính trị đảm bảo cho phát triển lâu dài. Thường xuyên quan tâm, tạo việc làm, chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ, định hướng cho bà con, công nhân trồng xen các loại cây trồng ngắn ngày như lạc, đỗ tương, cỏ trong vườn cao su khi chưa khép tán.
Cây cao su lên xanh và sinh trưởng phát triển đúng chu kỳ đã và đang góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện vật chất, tinh thần ở vùng cao là điều ai cũng nhận thấy. Dẫu vẫn còn phải chờ thêm bốn đến năm năm nữa dòng “vàng” trắng mới cho thu hoạch nhưng nhìn những đồi cao su đang vươn mình thẳng tắp hôm nay càng cho chúng ta thêm niềm tin, niềm lạc quan.
Thanh Anh
Các tin khác
Theo kế hoạch, lượng hàng dự trữ tăng 20-30% so với năm ngoái, hàng sản xuất trong nước tiếp tục được ưu tiên khi chiếm 90-95% các mặt hàng kinh doanh mùa tết.
Giá vàng trong nước sáng nay (5-12) vẫn ổn định trên mức 45,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới đầu tuần chưa có biến động đáng kể.
YBĐT - Vừa qua, tại Hà Nội, đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh đại diện cho tỉnh Yên Bái và ongTomoyukooo Kimura - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ký hiệp định vay vốn xây dựng đường giao thông với tổng giá trị trên 11 triệu USD.
YBĐT - Những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn nước rút hiện nay, việc tăng cường chống thất thu ngân sách Nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng mà ngành thuế tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai.