Bộ trưởng Huệ: Quản lý giá cả là trọng tâm 2012
- Cập nhật: Chủ nhật, 25/12/2011 | 9:14:06 AM
Bộ Tài chính vừa đề ra nhiệm vụ cho năm 2012, trong đó, quản lý giá cả thị trường sẽ là một trong những nội dung trọng tâm hàng đầu.
Ảnh chỉ có tính minh hoạ.
|
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, năm 2012 dự báo tình hình trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn. Bởi thế, việc thắt chặt các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát vẫn vô cùng cần thiết.
Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cũng đánh giá, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 sẽ giảm so với 2011.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong năm tới, nếu không quản lý giá tốt, tình hình giá cả tiềm ẩn nhiều dấu hiệu dễ dẫn đến bùng phát trở lại.
Do vậy, Bộ trưởng Huệ khẳng định cần kiên trì thực hiện nguyên tắc giá thị trường nhất là với một số lĩnh vực như điện, than, xăng dầu và dịch vụ công.
Theo Bộ Tài chính, trong năm tới, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ở mức kiềm chế theo hướng tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn treo lại chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ với hộ nghèo, hộ trung bình sẽ được tính đến khi điều chỉnh.
Ngoài ra, phía cơ quan chức năng cũng sẽ đòi hỏi EVN tiết giảm chi phí, thoái vốn khỏi ngành bên ngoài để tập trung phát triển ngành điện mà trước mắt là lưới điện để đồng bộ các khâu thông suốt, đảm bảo giá cả và nhu cầu người dân.
Việc điều hành giá xăng dầu, trước mắt tạm thời chưa để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tự quy định giá như quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ. Khi giá thế giới giảm sẽ khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và khi đó sẽ giao doanh nghiệp tự quy định giá trong biên độ cho phép.
Hơn thế, theo Bộ trưởng, những biện pháp điều hành, thanh tra, kiểm tra giá sẽ là nội dung được quan tâm sát sao.
Nhấn mạnh việc thanh tra, kiểm tra giá cả, Bộ trưởng Huệ cho rằng, năm tới, việc thanh tra, kiểm toán sẽ nhắm tới một số tập đoàn, tổng công ty trong đó có các lĩnh vực quan trọng như điện lực, xăng dầu…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, cần tiếp tục xoá bỏ sự bảo hộ, bao cấp, bù chéo bất hợp lý về giá, chống độc quyền về giá.
Để làm được điều này, theo Thứ trưởng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá nhằm kiểm soát chặt chẽ, chống cạnh tranh không lành mạnh và chuyển giá nội bộ.
Hơn thế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để áp dụng các biện pháp điều tiết cung-cầu và bình ổn thị trường.
Ngoài việc siết chặt quản lý giá cả, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra nhiệm vụ chung cho lĩnh vực tài chính-ngân sách năm tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng thu, giảm chi để kiềm chế lạm phát.
Nói về việc tăng thu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục rà soát để đốc thu thuế liên quan tới lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vương Đình Huệ chú ý tới tầm quan trọng việc triển khai hai Luật mới từ năm 2012 đó là Luật sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế bảo vệ môi trường để đảm bảo thu ngân sách.
Về việc thực hiện chi tiêu ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương chủ động sắp xếp bố trí trong phạm vi dự toán đã giao để xử lý các nhiệm vụ phát sinh, không bổ sung ngân sách ngoài dự toán.
“Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi ngân sách Nhà nước, các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, địa phương...,” Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Theo kế hoạch của Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái, trên 247.000 con trâu bò, lợn sẽ được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng.
YBĐT - Ngày 23/12, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh lần thứ 11, Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 8 (khoá III), đánh giá kết quả hoạt động năm 2011 và đề ra phương hướng năm 2012.
YBĐT - Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn thịt (quy mô 100 con/lứa) và 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn nái (quy mô 20 con) cho toàn tỉnh mà không tính tới cơ cấu vùng miền đã không còn hợp lý. Theo nhiều ý kiến, chính sách hỗ trợ cần thay đổi để phù hợp với từng vùng sản xuất.
Ngày 22-12, tại Hội nghị cộng tác viên về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Cục ATVSTP ( Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 15-12, toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.533 người mắc, 3.562 người đi viện và 25 trường hợp tử vong.