“Cú hích” cho ngành chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2011 | 9:21:26 AM
YBĐT - Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn thịt (quy mô 100 con/lứa) và 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn nái (quy mô 20 con) cho toàn tỉnh mà không tính tới cơ cấu vùng miền đã không còn hợp lý. Theo nhiều ý kiến, chính sách hỗ trợ cần thay đổi để phù hợp với từng vùng sản xuất.
Khu chăn nuôi lợn thịt của Công ty Hòa Bình Minh.
|
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trang trại.
Đặc biệt, sau khi Quyết định số 09/2008 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 24/2010/ của HĐND tỉnh về một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành tạo “cú hích” cho ngành chăn nuôi phát triển.
Sau 4 năm triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi hàng hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 651 trang trại với nhiều giống vật nuôi khác nhau. Trong đó, cơ sở chăn nuôi lợn thịt là 231, chăn nuôi lợn nái là 145 và 155 cơ sở chăn nuôi gia cầm, còn lại là các cơ sở chăn nuôi baba, nhím và thỏ.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên, người chăn nuôi còn được hỗ trợ vốn ban đầu theo các chương trình, dự án của Nhà nước và được các ban, ngành, đoàn thể đứng ra tín chấp vay vốn cho hội viên phát triển kinh tế.
Từ những điều kiện thuận lợi trên, chăn nuôi Yên Bái đã có bước đột phá mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở có quy mô lớn, tập trung, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: trang trại của bà Nguyễn Thị Tuyết ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), trang trại của anh Nguyễn Tất Thắng ở xã Phú Thịnh (Yên Bình), Tổng Công ty Hoà Bình Minh (thành phố Yên Bái), bà Lưu Thị Thanh Bắc, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên)…
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đã tạo “cú hích” thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên phát triển chăn nuôi được Yên Bái xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu nông-lâm nghiệp. Do vậy, việc điều chỉnh cơ chế cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, tình hình lạm phát, dịch bệnh tăng như hiện nay… |
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh đã tạo “cú hích” thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên phát triển chăn nuôi được Yên Bái xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu nông-lâm nghiệp. Do vậy, việc điều chỉnh cơ chế cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, tình hình lạm phát, dịch bệnh tăng như hiện nay...
Thời gian qua, ngành chăn nuôi tỉnh ta đã vấp phải rất nhiều khó khăn, khiến đầu đàn gia súc chính giảm gần 8% so với cùng kỳ.
Cụ thể như sự trượt giá của đồng tiền khiến chi phí đầu tư xây dựng một cơ sở chăn nuôi hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Theo tính toán, để xây dựng một cơ sở nuôi lợn thịt (quy mô 100 con/lứa) như hiện nay, người dân phải bỏ ra gần 300 triệu đồng, số tiền này cao gấp đôi so với thời điểm năm 2008. Hoặc để xây dựng một trang trại nuôi gia cầm (quy mô 1.000 con/lứa) người dân cũng phải có trong tay gần 200 triệu đồng.
Trong khi đó, các chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 35,5% so với thời điểm cách đây một năm. Đặc biệt, tình trạng dịch bệnh và khan hiếm về giống lợn đã đẩy giá con giống lên rất cao trong thời gian qua. Nhiều trang trại và cơ sở chăn nuôi phải ngừng sản xuất.
Trong khi đó các tổ chức cho vay vốn đến hạn thu hồi đều không muốn cho vay tiếp, do vậy nhiều cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp không có vốn để khôi phục, duy trì sản xuất. Thực tế trên cho thấy, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn thịt (quy mô 100 con/lứa) và 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn nái (quy mô 20 con) cho toàn tỉnh mà không tính tới cơ cấu vùng miền đã không còn hợp lý.
Theo nhiều ý kiến, chính sách hỗ trợ cần thay đổi để phù hợp với từng vùng sản xuất. Cụ thể, đối với các huyện vùng cao, do đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn để chăn nuôi lớn còn hạn chế thì cần khuyến khích mô hình với quy mô vừa phải để phù hợp với thực tế địa phương mức hỗ trợ nên ở mức 30 triệu đồng/cơ sở quy mô 50 lợn thịt hoặc 10 lợn nái và 10 triệu đồng/cơ sở quy mô 500 gia cầm là phù hợp. Còn tại các vùng sản xuất hàng hóa, mặc dù người dân có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất nhưng thực tế sự phát triển này không bền vững.
Đặc biệt, trước sự leo thang của các chi phí đầu vào và sự hoành hành của dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi đã không thể tái đàn, thậm chí phá sản, do vậy mức hỗ trợ có thể điều chỉnh ở mức 20 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi quy mô 50 lợn thịt hoặc 10 lợn nái.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2011, chính sách hỗ trợ đã có sự điều chỉnh từ 10 lên 15 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con và sự điều chỉnh này đã tạo được hiệu ứng tích cực, giúp người chăn nuôi được hưởng lợi từ chính sách hơn, trong khi đó tổng giá trị chăn nuôi hàng hóa trong khu vực sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Chính sách hỗ trợ chăn nuôi đã tạo đà cho ngành chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển thực sự bền vững, chính sách này cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế và quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường.
Hùng Cường
Các tin khác
Ngày 22-12, tại Hội nghị cộng tác viên về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Cục ATVSTP ( Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 15-12, toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.533 người mắc, 3.562 người đi viện và 25 trường hợp tử vong.
YBĐT - Chiều ngày 22/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Chương trình ký kết công tác phối hợp tuyên truyền chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hà Đức Hoan, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ.
YBĐT - Ngày 22/12, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu đã lên thăm, làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng Tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Năm nay, giá bán 1 kg củ đao riềng ở thời điểm giữa vụ đang là 1,3 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi sào đao riềng sau khoảng 9 tháng cho nhà nông khoản thu gần 5 triệu đồng nhưng trước khi thu hoạch đao riềng, nhà nông đã thu được trên dưới 1 triệu đồng từ ngô trồng xen khi đao riềng mới mọc.