Đánh thức cây quế Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2012 | 2:48:53 PM
YBĐT - Văn Chấn hiện có khoảng 4.000 ha quế và là địa phương có nhiều quế nhất sau huyện Văn Yên. Dẫu vậy, cây quế ở đây vẫn chưa phát huy được hiệu quả kinh tế.
Toàn cảnh Nhà máy Chế biến tinh dầu quế Văn Chấn.
|
Tuy nhiên, cơ hội để người dân làm giàu từ quế đang mở ra trước mắt khi Nhà máy Chế biến tinh dầu quế Văn Chấn đi vào hoạt động từ quý III năm 2011.
Nhà máy này được đặt tại địa bàn xã Sơn Lương với công suất chế biến 60 tấn tinh dầu/năm. Qua một quý đi vào sản xuất, 15 tấn sản phẩm đã ra lò với giá trị tiêu thụ 650 triệu đồng/tấn. Phía sau những tấn sản phẩm đầu tiên ấy, hàng nghìn tấn cành lá quế khô rơi rụng hoặc bỏ đi sau mỗi vụ khai thác trước đây luôn tiềm ẩn đầy nguy cơ cháy rừng đã được đưa về Nhà máy làm nguyên liệu.
Ông Phạm Viết Thú - Giám đốc Nhà máy cho biết: "Nếu chúng tôi chỉ mua cành lá quế khô của người dân Văn Chấn thì không đủ cho sản xuất mà phải thu mua cả ở một số xã của huyện Văn Yên chở về theo đường Mỏ Vàng - Gia Hội và các xã: Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca, Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội... của huyện Trấn Yên. Thời điểm cuối năm 2011, giá mỗi ki lô gam nguyên liệu được thu mua bình quân 2.700 đồng".
Lên thăm bản Tặc Tè, xã Nậm Lành, chúng tôi gặp vợ chồng anh Lý Văn Thắng, Lý Thị Lai đang tỉa lá quế bán cho Nhà máy. Chị Lai phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi có mấy nghìn mét vuông đất trồng quế và mới tỉa sơ sơ một đợt mà đã kiếm được mấy triệu đồng rồi đấy! Tết này nhà tôi sẽ ăn tết khá hơn nhờ mua sắm thêm được nhiều thứ từ bán cành lá quế khô cho Nhà máy". Chồng chị Lai còn cho biết thêm, ở bản Sòng Pành, Nậm Kịp... có những nhà trồng từ 4 - 5 ha quế như ông San, ông Quân cũng thu được khá nhiều tiền từ tỉa cành.
Vào thăm Nhà máy Chế biến tinh dầu, thấy có khá đông công nhân nói tiếng dân tộc Thái - Anh Lường Văn Tới ở bản Lầm, xã Sơn Lương cho biết, xã anh có khoảng 30 người hầu hết là dân tộc Thái được vào làm trong Nhà máy với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào dân tộc.
Được biết, người Thái ở đây không có truyền thống trồng quế nhưng nhà nào cũng có đất nương đồi. Từ khi làm lúa ruộng bằng giống năng suất cao đã đủ gạo ăn thì việc làm nương cũng ít được chú ý. Bây giờ có nhà máy quế ở đây khiến rất nhiều nhà có ý định chuyển đất nương sang trồng quế. Tuy nhiên, những điều được thấy, được nghe chỉ là những lợi ích kinh tế có tính trước mắt.
Để Nhà máy thực sự khai thác hết tiềm năng kinh tế từ cây quế và xây dựng được hình ảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi thì giữa doanh nghiệp và địa phương đã có một chiến lược phát triển lâu dài đối với cây quế.
Vợ chồng anh Lý Văn Thắng ở bản Tặc Tè, xã Nậm Lành khai thác cành quế bán cho Nhà máy.
Đề án phát triển cây quế ở Văn Chấn giai đoạn 2011 - 2015 đang được triển khai mạnh mẽ để có được 6.000 ha quế nguyên liệu. Các địa phương trong vùng phát triển nguyên liệu của Đề án gồm các xã: Nậm Búng, Gia Hội, Nậm Mười, Nậm Lành, Sơn Lương, Sùng Đô, Suối Quyền, An Lương, Suối Giàng, Sơn Thịnh, Đồng Khê và một số xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn… đều là những xã mà đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng khí hậu, thổ nhưỡng lại rất hợp với chất lượng và sinh trưởng của cây quế nên được Ban chỉ đạo Đề án chú trọng triển khai sớm hơn. N
gười dân ở những nơi được triển khai Đề án khá hào hứng với việc phát triển cây quế vì đã hiểu rõ cây quế là một loại cây đa dạng về lợi ích cũng như tăng độ tàn che phủ cho đất rừng.
Về tiềm năng thị trường thì hiện nay nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. Trong khi đó, cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á như: Srilanka, Lào... nhưng sản lượng tập trung lớn nhất lại là Việt Nam mà ở Việt Nam thì chỉ có một số huyện của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Yên Bái trồng nhiều nhất. Điều đó cho thấy, đầu ra với sản phẩm tinh dầu quế không khi nào trở thành vấn đề đáng quan ngại.
Với những yếu tố khả thi đó, sự hiện diện của Nhà máy Chế biến tinh dầu quế Văn Chấn sẽ là một nhân tố quan trọng để khơi dậy tiềm năng kinh tế của cây quế ở đất này. Rồi đây, bao người dân sẽ có việc làm từ trồng quế và có cơ hội nâng cao đời sống, nhiều chàng trai, cô gái các dân tộc sẽ trở thành công nhân, quản lí nhà máy những đoàn xe nối đuôi nhau chở nguyên liệu vào nhà máy chắc chắn sẽ là những hình ảnh đẹp trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi ở Văn Chấn.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Chiều 12/1, Sở GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác trọng tâm năm 2012. Đồng chí Tạ Văn Long - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Nhằm đảm bảo những mục tiêu về bình ổn giá, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh vận động các doanh nghiệp trên đại bàn chuẩn bị nguồn hàng nhằm tăng thêm mặt hàng thực phẩm cung ứng cho người dân.
YBĐT - Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 12/1, toàn tỉnh Yên Bái có 80 con gia súc bị chết rét, tăng hơn gấp đôi so với số 35 gia súc chết công bố ngày 10/1, trong đó: huyện Mù Cang Chải đã lên 61 con, Văn Chấn 14 con, Văn Yên 3 con, Yên Bình 2 con.
Ngày 12-1, Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết một khoản vay dành cho các nước có thu nhập trung bình (IBRD) và bốn khoản tín dụng cho các nước nghèo (IDA) với tổng trị giá 973,5 triệu USD.