Nông dân Văn Yên: Chờ sắn lên giá
- Cập nhật: Thứ hai, 16/1/2012 | 3:30:21 PM
YBĐT - Đang là giữa vụ sắn nhưng nhiều nông dân trồng sắn ở Văn Yên vẫn chưa muốn nhổ. Hiện giá sắn tươi mua tại nhà máy chỉ dao động 1.000 đồng đến 1.200 đồng/kg. Giá sắn khô thì có khá hơn, dao động ở mức 3.300 đồng/kg. So với năm ngoái vụ sắn năm nay giá rớt 40%.
Dây chuyền sản xuất tinh bột của Nhà máy Sắn Văn Yên.
|
Dường như đã thành quy luật, từ năm 2003 đến nay giá sắn được năm lên cao thì năm sau sẽ lại giảm. Dẫu biết là thế nhưng sắn vẫn loại cây công nghiệp ngắn mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào vùng cao khó khăn.
Từ thị trấn Mậu A, ngược lên các xã vùng thượng huyện như: Quang Minh, An Bình, Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng... là những nương sắn trùng điệp xen lẫn những cánh rừng phòng hộ. Còn nhớ năm 2003, cây sắn cao sản đã nhanh chóng được người dân Văn Yên chấp nhận, với năng suất vượt trội, sắn cao sản đã đem lại giá trị kinh tế mà khó có loại cây trồng nào theo kịp. Có năm trung bình một ha đất trồng sắn có thể cho thu nhập đến 35 triệu đồng, còn khi sắn mất giá như năm nay thì người dân lấy công làm lãi vẫn có thể thu 17 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Ông Nguyễn Ngọc Toản, xã An Bình - một hộ dân sở hữu đến 5 ha sắn, trong đó có một nửa diện tích là trồng sau khi đã thu hoạch cây keo, còn lại phần lớn là chuyển đổi từ diện tích rừng khoanh nuôi. Ông Toản cho biết, mặc dù diện tích sắn của gia đình năm nay khá lớn nhưng không như nhiều người, ông đã hạn chế thấp nhất việc phá bỏ các khu rừng trồng đang thời kỳ phát triển. Phần lớn diện tích sắn của ông đều được trồng sau khi vườn cây đã cho thu hoạch nên đã tránh được sự lãng phí rất lớn, đặc biệt là khi có biến động bất lợi về giá bán.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Bình thì có được sự tính toán như ông Toản ở địa phương này là rất hiếm. Phần lớn, thấy nguồn lợi trước mắt, mọi người sẵn sàng hy sinh kể cả những thành quả đã trông thấy để đầu tư cho trồng sắn, vụ sắn 2011, có hàng chục hộ dân trồng từ 5 ha sắn trở lên nâng tổng diện tích sắn của xã An Bình đã tăng lên 400 ha. Sắn rớt giá theo đó lợi nhuận của người dân cũng giảm.
Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Với giá bán như hiện nay thì mỗi ha sắn người dân có thể thu được 25 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư chỉ còn lãi 15 triệu đến 17 triệu đồng, giảm gần một nửa so với vụ trước".
Trong vài năm trở lại đây khi mà giá sắn liên tục tăng cao, nông dân đua nhau trồng sắn, diện tích sắn tăng nhanh khó kiểm soát. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện & PTNT huyện Văn Yên, năm 2011 toàn huyện có gần 6.500 ha sắn cao sản, tăng gần gấp đôi so với năm 2005.
Bên ngoài nhà máy sắn rất ít nông dân đến giao dịch.
Hiện nay huyện Văn Yên đang quy hoạch vùng sắn ở mức 8.000 ha, tuy nhiên diện tích thực tế có thể còn lớn hơn nhiều do có nhiều xã số diện tích sắn hiện đã tăng gấp 2 lần so với số diện tích báo cáo. Hệ lụy của việc phát triển cây sắn quá nhanh đã được trả lời qua nhiều vụ thu hoạch. Dường như đối với người trồng sắn thì mỗi vụ như một canh bạc.
Được giá thì lời to, mất giá cùng lắm là hòa chứ nhất định không lỗ. Và năm 2011, hy vọng tràn trề của người trồng sắn gần một năm chăm sóc bỗng nhiên hẫng hụt. Từ giá bán ngất ngưởng trên 2.200 đồng/kg sắn tươi của vụ thu hoạch 2010, giá sắn vụ 2011 hiện mới chỉ đạt bình quân 1.100 đồng/kg. Do đó nhiều người vẫn chưa muốn nhổ để chờ giá lên, nhà máy và các cơ sở chế biến cũng sản xuất cầm chừng, "nghe ngóng" thị trường, chưa dám ký hợp đồng lớn.
So với nhiều cây trồng khác thì cây sắn cho nguồn thu nhập khá. Nhà nào trồng với diện tích lớn thu được cả trăm triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa. Mặc dù không phải là cây trồng được khuyến khích nhưng diện tích sắn vẫn được bà con chú trọng phát triển và xem như một loại cây trồng chủ lực. Tuy nhiên làm sao để quản lý tốt diện tích theo quy hoạch, tránh việc người dân xâm lấn vào đất rừng phòng hộ là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.
Anh Dũng - Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến ngày 16/1, toàn tỉnh Yên Bái đã có 104 con gia súc bị chết rét. Trong đó, huyện Mù Cang Chải 81 con, huyện Văn Chấn 14 con, huyện Yên Bình 2 con, huyện Văn Yên 7 con.
YBĐT - Năm 2011, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã tổ chức được 1.550 lớp tập huấn kỹ thuật cho 65.240 lượt hộng nông dân với các nội dung về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp...
YBĐT - Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Yên Bái đã xây dựng nhiều mô hình dự án nuôi trồng thủy sản thu được những kết quả đáng khích lệ trong đó phải kể đến mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ghép cá chép lai trong ao.