Sức xuân Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2012 | 3:49:18 PM
YBĐT - Hòa cùng không khí tươi vui trong ngày tết của người Mông, dọc theo con đường lên phố huyện và những xã gần kề trung tâm như: Trạm Tấu, Pá Hu, Hát Lừu, Bản Công, Bản Mù... là nhịp độ lao động khẩn trương như biến cả một vùng quê núi thành đại công trường.
Bê tông hóa đường từ trung tâm huyện Trạm Tấu lên xã Bản Mù.
|
Tết của đồng bào Mông diễn ra trong khoảng một tuần bắt đầu từ ngày kết thúc năm dương lịch. Dịp này, bà con thường tụ tập vui chơi trên những khu đất trống nơi đầu bản hoặc nô nức kéo nhau về chơi phố huyện và đi thăm người thân, bạn bè ở các xã, huyện liền kề.
Tết Mông ở Trạm Tấu năm nay, bà con xuống phố huyện và đi thăm bạn bè nơi xa đông vui hơn trước. Đồng bào xuống phố nhiều hơn vì đường xuống huyện đã tốt hơn và hầu hết là đi bằng xe máy. Thêm nữa, con đường mới nối từ Trạm Tấu sang huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã khai thông nên người Mông bên ấy cũng rủ nhau sang Trạm Tấu và về Nghĩa Lộ vui chơi.
Hòa cùng không khí tươi vui trong ngày tết của người Mông, dọc theo con đường lên phố huyện và những xã gần kề trung tâm như: Trạm Tấu, Pá Hu, Hát Lừu, Bản Công, Bản Mù... là nhịp độ lao động khẩn trương như biến cả một vùng quê núi thành đại công trường.
Nhiều ngôi nhà cao tầng nơi phố huyện cũng gấp rút hoàn thiện trước tết nguyên đán. Công trình cầu treo bắc qua suối Tung Hát nối vào khu chợ thị trấn, kè đôi bờ của dòng suối này cùng với công trình thủy điện Trạm Tấu cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công khi mùa mưa và lũ lớn không còn cách bao xa.
Trụ sở xã Pá Hu được rời lên cao để bảo đảm vị trí trung tâm xã cũng mới hoàn thành. Con đường dẫn lên trụ sở được mở rộng hơn, lượn vòng quanh lưng núi vẫn tươi nguyên màu đất đỏ. Đường từ trung tâm huyện lên xã Bản Mù dài hơn chục cây số và trong những ngày cuối năm luôn hối hả những đoàn xe chở đá, cát sỏi, xi măng để bê tông hóa nền đường. Bà con người Mông đi chơi qua đây, ai nấy đều dừng lại và háo hức ngắm nhìn những cỗ máy to lớn làm việc bằng cả sức hàng trăm người cộng lại.
Bên cạnh công trường, trên những cánh đồng của bản Hát, bản Lừu là những cánh đồng chủ lực về lương thực của huyện Trạm Tấu, bà con người Thái đang khẩn trương làm đất gieo cấy vụ chiêm xuân. Nói át cả tiếng rền vang của bầy "trâu sắt", Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu phấn khởi khoe: "Năm nay, việc làm đất nhanh hơn vì cả xã hiện đã có tới hơn 70 chiếc máy cày bừa mi ni, rất phù hợp với đặc thù đồng ruộng vùng cao".
Điều thú vị hơn nữa là trên những công trường và ruộng đồng Trạm Tấu, góp mặt rất nhiều cán bộ chủ chốt của huyện mà tuổi đời còn rất trẻ như: Phó bí thư Huyện ủy Giàng A Câu mới 35 tuổi, Mùa A Páo - Phó chủ tịch UBND xã Trạm Tấu chưa đến 30 tuổi; kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện và kĩ sư giao thông Hoàng Đức Nghinh - Phó ban Quản lí Dự án Đầu tư & Xây dựng cũng mới ngoài 30 tuổi...
Ở họ, điều chung nhất dễ nhận thấy là sự năng động, nhiệt tình bởi được đào tạo bài bản và đang sát cánh cùng nhau, cùng đội ngũ cán bộ huyện đưa Trạm Tấu từng bước chuyển mình. Tất cả những gì đang diễn ra nơi vùng cao Trạm Tấu đã minh chứng thuyết phục cho tâm sự của Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh.
Được phân công công tác tại Trạm Tấu đã ngót 5 năm, từ Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện và nay là Bí thư Huyện ủy, bước chân của anh đã từng đặt tới đỉnh núi cột cờ cao nhất Trạm Tấu: hơn 2.200m so với mực nước biển trong một đợt công tác nắm tình hình chống tái trồng cây thuốc phiện. Anh Khánh cũng đã đi khắp các làng, bản nên dân bản thấy anh là biết ngay "ông Khánh" lãnh đạo huyện.
Bí thư Khánh thổ lộ: "Quan tâm đến người dân vùng cao là phải quan tâm đến những điều thiết thực nhất và điều trước hết là phải lo cho người dân no bụng. No bụng là phải hướng dẫn đồng bào cách làm ăn cũng như chăm lo sự học để nâng cao dân trí, tiếp đến là lo về hạ tầng cơ sở... Những cái lo lớn nhất ấy mà tháo gỡ tốt thì nhất định sẽ tạo được sự đồng thuận vững bền giữa lòng dân với Đảng".
Cây cầu treo mới hoàn thành bắc qua suối Tung Hát.
Với bước đi như thế, Trạm Tấu đã và đang mở ra những chuyển biến khả quan trong đời sống kinh tế, xã hội. Từ một địa phương thiếu đói trầm trọng thì năm 2011, bình quân lương thực đã đạt 544,5 kg/người. Tất cả các xã đều làm được vụ chiêm xuân nếu nơi ấy có đủ nguồn nước tưới. Riêng vụ chiêm năm 2012, huyện sẽ gieo cấy 500ha trên diện tích hơn 700ha bằng giống lúa đặc sản ĐS1.
Giống lúa này đạt năng suất hai vụ gần 11 tấn/ha và giá thóc khoảng 12.000 đồng/kg. Nỗi lo của người dân về gia súc thường bị chết rét vào mùa đông đã được huyện đưa khuyến nông về cơ sở chỉ đạo quyết liệt việc trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét; hướng dẫn cách che ấm chuồng trại và vận động những hộ chăn nuôi phải làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc.
Giải quyết nỗi lo trẻ em mùa giáp hạt bỏ học nhiều, Trạm Tấu đã xây dựng được mô hình kho thóc khuyến học, giúp nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt từ 93% - 98%. Đặc biệt, tuy là huyện vùng cao khó khăn về nguồn thu nhưng mấy năm nay, Trạm Tấu đều hoàn thành tốt nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, năm 2011 đạt trên 7,5 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch giao.
Những thành công này chính là điểm nhấn và là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu mau chóng đi đến đích của công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái vừa tổ chức tiêu huỷ một lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... bị tịch thu năm 2011, giá trị tương đương với hàng thật khoảng 200 triệu đồng.
YBĐT - Hiện nay, toàn huyện Lục Yên (Yên Bái) có trên 70 ha cam, tập trung ở các xã Khánh Hòa, Mường Lai và thị trấn Yên Thế.
YBĐT - Đang là giữa vụ sắn nhưng nhiều nông dân trồng sắn ở Văn Yên vẫn chưa muốn nhổ. Hiện giá sắn tươi mua tại nhà máy chỉ dao động 1.000 đồng đến 1.200 đồng/kg. Giá sắn khô thì có khá hơn, dao động ở mức 3.300 đồng/kg. So với năm ngoái vụ sắn năm nay giá rớt 40%.