Chế Tạo không xa
- Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2012 | 8:50:35 AM
YBĐT - Tết này ở Chế Tạo vui hơn dù chưa có điện lưới nhưng có đường liên bản mới mở, xe máy của trai Mông đưa người thân xuống chợ thay con ngựa thồ thuận lợi và nhanh hơn nhiều.
Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).
(Ảnh:Thanh Miền)
|
Chế Tạo, vùng đất xa ngái nằm tít hút, tận cùng của huyện Mù Cang Chải (yên Bái)hôm nay vui hẳn lên bởi có nữ Phó chủ tịch UBND huyện về thăm. Xa bởi giao thông cách trở, chỉ tính thời gian từ trung tâm huyện lỵ vào xã tương ứng với thời gian từ trung tâm huyện về thành phố Yên Bái dài hơn 180km rồi phải vượt qua các đỉnh: Kim Nọi, Háng Giàng, Chế Tạo, mỗi đỉnh đều cao trên 1.700m, có đoạn đi hàng chục ki-lô-mét không có một mái nhà dân. Xa bởi vùng này đất rộng người thưa, còn giữ được khu rừng nguyên sinh được đánh giá là đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc và liều như cánh nhà báo không phải ai cũng dám một mình đặt chân lên đây nếu không có người dẫn đường.
Bí thư Đảng ủy xã Chế Tạo Giàng Pằng Tủa bảo: “Nhà báo đừng chê xã nghèo nhé! Dù nhà làm việc của Ủy ban chưa được xây dựng mới, cán bộ xã chen nhau làm việc trong căn nhà gỗ bốn gian này nhưng lòng người Mông thì luôn rộng mở”. Từ trung tâm xã đi bản Háng Tày 23km, đến bản Kể Cả 23km, bản Pú Vá 13km, vậy nên cán bộ xã trước khi bầu cử cũng phải "chia" đều ở các bản, vừa tránh cục bộ vừa nắm được tình hình cơ sở để lãnh đạo.
Với 235km2 song chỉ có hơn 1.700 khẩu người Mông sinh sống ở 7 bản, mật độ bình quân 7 người/km2, Chế Tạo được coi là "ốc đảo" được rừng bao quanh. Không có điện lưới, ô tô chỉ vào được mùa khô, đời sống của đồng bào vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp khép kín, do vậy tỷ lệ nghèo đói ở mức cao.
Thế mạnh của xã là rừng mà rừng ở đây là Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Mù Cang Chải có diện tích hơn 20.000ha, trong đó có trên 17.450ha thuộc địa bàn xã Chế Tạo quản lý, bảo vệ. Theo Tổ chức Bảo tồn động, thực vật Quốc tế (FFI), tại đây, có gần 790 loài thực vật bậc cao, trong đó hơn 30 loài thuộc diện quí hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới, hai loài thuộc cấp nguy cấp, bốn loài thuộc cấp bị đe dọa nguy cấp, bảy loài thuộc cấp quí hiếm. Về động vật còn hơn 240 loài, hơn 70 họ, hơn 20 bộ động vật xương sống. Đặc biệt, có hơn 40 loài động vật quí hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và 28 loài đang bị đe dọa toàn cầu. Hiện tại, nơi đây còn khoảng 100 con vượn (voọc) đen tuyền là loài duy nhất còn tồn sót ở nước ta.
Xác định người dân là cán bộ kiểm lâm tốt nhất trong bảo vệ rừng, UBND xã đã bình chọn, xét duyệt, giao khoán 17.454ha rừng cho từng hộ quản lý, bảo vệ với mức khoán bảo vệ 200.000 đồng/ha/năm. Người dân có thu nhập, sống ổn định từ rừng, không còn tình trạng người người phá rừng như trước. Đặc biệt, do làm tốt việc khoán gắn với trách nhiệm người dân bản, 6 năm liên tục gần đây, Chế Tạo không để xảy ra một vụ cháy rừng nào, hai đàn vượn đen được bảo vệ không bị săn bắn, nhiều diện tích cây thảo quả được trồng dưới tán rừng già phát triển tốt, góp thêm thu nhập cho người dân nơi này.
Sùng A Khua ở bản Kể Cả với đôi chân chắc khỏe, có ngày lội bộ gần 50km thăm ba đứa con đang theo học trung học phổ thông tại thị trấn Mù Cang Chải, năm nay chỉ mổ con lợn bé hơn 60kg ăn tết. Để nuôi ba con theo học hết cấp ba, ngoài nguồn thu nhập 1 triệu đồng/tháng từ kiểm lâm viên bảo vệ Khu bảo tồn, vợ chồng A Khua trồng thêm ngô trên đất dốc, vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua dê, trâu về chăn thả với mong muốn các con biết nhiều kiến thức làm ăn thoát nghèo khổ.
Thầy giáo Giàng A Sở - Hiệu trưởng Trường THCS Chế Tạo phấn khởi bảo: “Cái sự học ở đây nhất toàn huyện đấy. 100% trẻ trong độ tuổi đều đến trường học, 40 thầy cô giáo dạy ở đây chủ yếu là con em đồng bào Mông của xã nên việc vận động trẻ đến lớp thuận lợi nhiều. Nhờ có học và được đào tạo cơ bản, lớp cán bộ của xã Chế Tạo đều trẻ và nhiệt tình với công việc được phân công. Nhiều con em trong xã sau khi tốt nghiệp đại học tham gia làm cán bộ của Trung ương, của tỉnh, của huyện là niềm tự hào của vùng núi cao cách mạng này”.
Tết này ở Chế Tạo vui hơn dù chưa có điện lưới nhưng có đường liên bản mới mở, xe máy của trai Mông đưa người thân xuống chợ thay con ngựa thồ thuận lợi và nhanh hơn nhiều. Từ các bản Kể Cả, Pú Vá, Tà Xung về trung tâm xã trước đi bộ mất nửa ngày, nay có đường xe máy chỉ mất ngót hai giờ đồng hồ mới thấy hết sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã nhà ở bản Háng Tày kể lại câu chuyện làm đường giao thông vùng cao rất độc đáo. Chả là khi làm đường đi qua khu vực rừng nguyên sinh có bầy vượn đen sinh sống, không được phép đánh mìn phá đá, sau nhiều tuần loay hoay tìm cách phá đá cứng có một già làng hiến kế lấy củi bên rừng đốt đá cứng thành đá vôi mà thông đường.
Rồi từ các nguồn vốn có mục tiêu, xã đã mở đường liên thông sang xã Hủa Trai, huyện Mường La (Sơn La), đoạn tuyệt với cảnh độc đạo và biệt lập từ ngàn năm nay. Đến nay, các bản xa nhất xã có đường về giúp trẻ đến lớp thuận lợi; dân trong bản đi xe máy chở quả thảo quả, dược liệu cùng gà đen, lợn "cắp nách" xuống chợ trao đổi lấy muối, vải hoa, dầu hỏa... về ăn tết thật là vui.
Tiềm năng mới đang mở ra cho vùng núi cao này, nhiều nhà đầu tư tìm đến xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ, bởi đây là đầu nguồn của hệ thống sông Đà có suối nhiều nước, độ dốc cao, chi phí đền bù nhỏ. Tin rằng, điện lưới sẽ về bừng sáng Chế Tạo, xóa nhanh cái nghèo bám đuổi bấy lâu nay trong đồng bào Mông.
Mỹ Sinh
Các tin khác
Ngày 1-2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) công bố kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý 1-2012 đạt mức 56 điểm, tăng 4 điểm so với đợt khảo sát gần nhất hồi quý 4-2011.
YBĐT - Xã Bản Mù có diện tích đất tự nhiên trên 12 nghìn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 4.700 ha, rừng trồng gần 1.400 ha.
YBĐT - Cùng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh, ngày 30/1/2012, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tổ chức lễ phát động ra quân trồng cây đầu xuân Nhâm Thìn 2012 tại khu vực đất quốc phòng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái và doanh trại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
Kể từ ngày 1/2, giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm đến 42 nghìn đồng/bình 12 kg, lên mức 425 nghìn đồng/bình do chịu tác động của giá thế giới. Đây được xem là mức tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây.