Khởi sắc bức tranh kinh tế Yên Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2012 | 2:33:05 PM
YBĐT - Năm 2011 là năm đầu tiên huyện Yên Bình (Yên Bái) thực hiện đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào cuộc sống.
Cánh đồng lúa xã Cảm Ân, huyện Yên Bình.
|
Đây cũng là năm huyện Yên Bình gặp nhiều khó khăn do giá cả các loại hàng hóa tăng cao, diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc xảy ra vào thời điểm đầu năm…
Bên cạnh những khó khăn, huyện Yên Bình cũng có nhiều thuận lợi. Yếu tố thuận lợi đầu tiên phải kể đến trong năm 2011 là hàng loạt các chính sách an sinh xã hội như Chương trình 134, 135, chương trình xóa nhà dột nát cho hộ nghèo và các chính sách kích cầu đầu tư hỗ trợ sản xuất… đã giúp người dân được hưởng lợi, yên tâm lao động sản xuất, đồng thời giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất có hiệu quả.
Yên Bình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đặc biệt là sự đồng lòng nhất trí cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện nên kinh tế Yên Bình vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trên lĩnh vực phát triển kinh tế vẫn cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhóm nông lâm nghiệp đạt 43%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,5 %, thương mại và dịch vụ chiếm 30,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,7 triệu đồng/năm, tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2010.
Năm 2011, Yên Bình đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và vượt kế hoạch được giao với tổng thu trên 63 tỷ đồng, đạt 146,8% kế hoạch tỉnh giao và 112,5% kế hoạch huyện, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có nhiều xã, thị trấn đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thu ngân sách ngay từ tháng 10, tháng 11 của năm như các xã: Văn Lãng, Bạch Hà, Bảo Ái, Hán Đà…
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản và giao thông, năm 2011 cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng khá, giá trị sản lượng đạt 310 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè, mây tre đan và khai thác khoáng sản. Các công trình, dự án trọng tâm được triển khai thực hiện như xây dựng đường Hoàng Thi, xây dựng khu công nghiệp Thịnh Hưng…
Một điểm nhấn không thể không nhắc tới trong năm 2011 của Yên Bình đó là Đề án Xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện đã chọn Vĩnh Kiên làm xã điểm thực hiện xây dựng NTM và triển khai nhân rộng ra các xã thị trấn trong toàn huyện. Đến nay, các xã thị trấn của huyện Yên Bình đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM và đang tiếp tục hoàn thành đồ án xây dựng NTM trình UBND huyện phê duyệt. Đây sẽ là nguồn lực và sức mạnh to lớn để huyện Yên Bình ngày càng phát triển.
Trên lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, với phương châm phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển kinh tế theo các chương trình trọng điểm như đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng cánh đồng có thu nhập cao, phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc và phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà. Để thực hiện thành công các chương trình này, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hăng say lao động sản xuất với phương châm: “tấc đất, tấc vàng”, “không cho đất nghỉ”.
Đồng thời, để giúp người dân có vốn và kiến thức đầu tư vào thâm canh sản xuất có hiệu quả, huyện Yên Bình đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Trong năm đã tổ chức 449 lớp tập huấn kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho 15.600 lượt người dân. Có vốn, có kiến thức nên nông dân Yên Bình đã đầu tư thâm canh sản xuất có hiệu quả, đem lại thắng lợi trên cả ba mặt diện tích, năng suất và sản lượng.
Chăn nuôi trâu sinh sản ở xã Mông Sơn (huyện Yên Bình). (Ảnh: H.N)
Với 4.494 ha lúa nước đã đem về cho nông dân Yên Bình trên 21 nghìn 780 tấn thóc. Bên cạnh đó, các loại cây màu khác như: ngô, lạc, đậu tương, sắn, khoai các loại cũng được người dân Yên Bình trồng và chăm sóc chu đáo mang lại hiệu quả cao. Cùng với sản xuất nông nghiệp, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng cũng được Yên Bình chú trọng. Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân kiến thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, huyện còn tiến hành khai thác trên 102 nghìn 400m3 gỗ mang về nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Đi đôi với khai thác gỗ rừng trồng, năm 2011, nhân dân Yên Bình đã trồng mới trên 2.900 ha rừng, nâng độ che phủ rừng của toàn huyện lên 66%. Song song với phát triển nông - lâm - nghiệp, tận dụng diện tích hồ Thác Bà và diện tích mặt nước ao, đầm, huyện Yên Bình đã vận động nhân dân tích cực nuôi trồng thủy sản với sản lượng đánh bắt thủy sản năm 2011 là 1.700 tấn mang về hàng chục tỷ đồng cho nhân dân.
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen như vậy, nền kinh tế Yên Bình vẫn tạo nên sức bật đáng khích lệ. Nguyên nhân của những thành tích đó thì có nhiều nhưng điểm nổi bật nhất phải khẳng định là sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ và sự đồng lòng nhất trí phát huy mọi nguồn lực của cán bộ và nhân dân huyện Yên Bình.
Năm 2011 đã đi qua, những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế sẽ là bước đệm để năm 2012 và những năm tiếp theo huyện Yên Bình sẽ có những bước tiến vượt bậc hơn nữa trên lĩnh vực phát triển kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra, đưa Yên Bình trở thành huyện phát triển toàn diện.
Hồng Giang
Các tin khác
YBĐT - Tết này ở Chế Tạo vui hơn dù chưa có điện lưới nhưng có đường liên bản mới mở, xe máy của trai Mông đưa người thân xuống chợ thay con ngựa thồ thuận lợi và nhanh hơn nhiều.
Ngày 1-2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) công bố kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý 1-2012 đạt mức 56 điểm, tăng 4 điểm so với đợt khảo sát gần nhất hồi quý 4-2011.
YBĐT - Xã Bản Mù có diện tích đất tự nhiên trên 12 nghìn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 4.700 ha, rừng trồng gần 1.400 ha.