Sẽ ra quy định giá sàn để chống phá giá cước di động
- Cập nhật: Thứ tư, 8/2/2012 | 8:27:39 AM
Đây sẽ là cơ sở để xác định “ngưỡng” phá giá thị trường của các gói cước viễn thông.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng Thông tư về quản lý giá cước để “dẹp yên” tình trạng “loạn cước” như hiện nay.
Còn tiếp diễn tình trạng phá giá
Tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước tháng 1/2012 của Bộ TT&TT diễn ra sáng 6/2, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết thời gian qua,một số doanh nghiệp nhỏ như Beeline vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình, gói cước có dấu hiệu phá giá thị trường. Theo nhận định của Beeline, nếu họ không tiếp tục phá giá một chút thì khó có được thuê bao trong bối cảnh thị trường thuê bao di động đã tiến dần đến mức bão hòa.
Dự đoán thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ sẽ vẫn tiếp tục phá giá, nên ông Hải kiến nghị Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp kiên quyết đảm bảo xử lý nghiêm minh các vi phạm, trên cơ sở đó giữ vững sự phát triển của thị trường.
Nếu để doanh nghiệp tiếp tục phá giá thì sẽ dẫn tới hệ lụy là nhiều doanh nghiệp khác cũng phá giá theo (chẳng hạn như khi gói cước Tỷ phú của Beeline không bị “tuýt còi”, một số nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone cũng rục rịch khuyến mại kiểu phá giá), khi đó, thị trường sẽ rất khó phát triển bền vững.
Đồng quan điểm phải xử phạt nghiêm hoạt động phá giá thị trường, ông Lê Hữu Phương – Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cũng đặc biệt nhấn mạnh trường hợp của Beeline với gói cước Tỷ phú có giá trị tính cước chưa đến 10 đồng/phút gọi nội mạng.
Theo ông Phương, hiện các doanh nghiệp lớn đều đang áp dụng mức cước 500 – 600 đồng/phút. Nếu cấp phép cho Beeline được lưu hành gói cước khoảng 10 đồng/phút (2.700 đồng gọi 110 phút) sẽ gây áp lực cho lực lượng thanh tra.
Nếu không xử nghiêm Beeline và những “ông nhỏ” đang sốt ruột chinh phục thị trường bằng nhiều chiêu trò khác nhau (chẳng hạn, không áp dụng phổ thông các gói khuyến mãi, chỉ “bắn” vào những thuê bao có dấu hiệu rời mạng những chương trình ưu đãi như nhắn tin khoảng 20.000 – 30.000 đồng thì được gọi 30 phút; hoặc miễn phí một số phút nhất định tính ra khoảng 100.0000 đồng) thì các “ông lớn” không “tâm phục khẩu phục” khi bị xử phạt, và cũng sẽ không thể “ngồi yên” nhìn các gói cước khuyến mãi khủng của các đối thủ cạnh tranh. Khi đó rất có thể dẫn tới hệ lụy vỡ thị trường viễn thông.
Cần xác định giá sàn
Các nhà quản lý đều cho rằng Beeline đang “phá giá” thị trường, song vướng mắc hiện giờ là chưa có quy định chính thức về định lượng mức giá thế nào bị coi là “phá giá”.
Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông đã định tính thế nào là “phá giá” nhưng chưa định lượng giảm bao nhiêu phần trăm so với mức giá trung bình của thị trường sẽ là “phá giá thị trường”.
Pháp lệnh Giá thì chỉ quy định bán quá mức dưới mức trung bình của thị trường là phá giá nhưng không nói rõ quá mức bao nhiêu phần trăm, việc xác định “ngưỡng” của “phá giá” tùy thuộc mức độ nhạy cảm của từng ngành, lĩnh vực.
Được biết trong lĩnh vực thanh toán điện thoại quốc tế đã quy định rõ bán với mức giá thấp hơn 15% so với giá trung bình của thị trường thì bị coi là phá giá, nhưng trong lĩnh vực thông tin di động, hiện cũng chỉ đang ước lượng nếu hạ xuống 20 – 30% so với giá trung bình trên thị trường thì được phép xác định là phá giá.
Bởi vậy, tại cuộc họp sáng nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng Thông tư về quản lý giá cước, trong đó có quy định về “giá sàn” để làm cơ sở xác định “ngưỡng” phá giá thị trường của các gói cước viễn thông.
(Theo VOV)
Các tin khác
UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định chi hơn 96 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Thành phố năm 2012 để đầu tư xây dựng 2 cầu vượt tại nút Láng Hạ - Thái Hà và nút giao Chùa Bộc - Thái Hà để chống tắc đường.
Sáng nay 7-2, giá vàng trong nước giảm nhẹ theo giá vàng thế giới. Lúc 9g30, vàng SJC, SBJ và PNJ đều giảm 200.000 đồng/lượng so với giá sáng qua.
YBĐT - Thành công điển hình ở Trạm Tấu (Yên Bái) là việc chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ trên 9.000 tấn năm 2008 lên trên 15.000 tấn cuối năm 2011.
Ngày 6-2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh thành, các bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm.