Người chăn nuôi giữ vai trò quyết định trong phòng chống dịch cúm gia cầm

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/2/2012 | 3:23:04 PM

YBĐT - Ở Yên Bái, mặc dù các cơ quan chức năng đã bắt tay ngay vào việc phòng chống dịch nhưng bên cạnh lực lượng cán bộ thú y mỏng, thiếu nguồn kinh phí phòng dịch kịp thời thì người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Trang trại chăn nuôi gà của bà Phạm Thị Nhung thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) cho thu nhập kinh tế cao.
Trang trại chăn nuôi gà của bà Phạm Thị Nhung thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) cho thu nhập kinh tế cao.

Trang trại của gia đình bà Phạm Thị Nhung (thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái) thường xuyên nuôi từ 1.000 con gà trở nên, trước thông tin về dịch cúm gia cầm, gia đình bà Nhung đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Bà cho biết: “Phòng trừ dịch bệnh là khâu sống còn đối với chăn nuôi. Nếu không may để xảy ra dịch bệnh, chúng tôi sẽ là người trắng tay trong phút chốc bởi tất cả tài sản của gia đình đều đặt vào những lứa gà.

 Là người chăn nuôi tôi suy nghĩ đơn giản, gia cầm muốn khỏe mạnh, ngoài cho ăn đầy đủ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh như Niu – cat - xơn, tụ huyết trùng, cho thêm gà uống nước tỏi, nước gừng, ngửi khói bồ kết để tăng cường sức đề kháng, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi”. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn có quy mô hàng nghìn con, việc phòng bệnh được các chủ trang trại thực hiện tương đối tốt mối lo dịch bệnh lại nằm trong chính những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vài chục con, theo kiểu “tự cung, tự cấp”.

Thời điểm tháng 2 và tháng 3 là thời gian dễ xảy ra dịch bệnh nhất vì điều kiện thời tiết bất lợi, nhiệt độ môi trường lạnh kết hợp với độ ẩm cao cực kỳ thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển. Thêm nữa, đây lại là thời điểm nhập giống tái đàn sau tết Nguyên đán của nhiều hộ chăn nuôi. Với lượng lớn giống gia cầm nhập từ các địa phương khác như hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, cơ cấu giống địa phương mới chiếm 40%, còn lại là giống ngoại nhập nuôi công nghiệp hoặc giống lai với giống địa phương. Quy mô sản xuất của các giống địa phương chủ yếu nuôi phát tán trong dân, quy mô nhỏ lẻ trong các nông hộ theo phương thức quảng canh. Chính vì vậy, việc sản xuất và cung ứng con giống chủ yếu là tự sản, tự tiêu.

Đối với giống nhập nội công nghiệp phần lớn phải nhập từ ngoại tỉnh như: Bắc Giang, Hà Tây, Hải Dương và Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương... Theo quy định, khi nhập giống, người chăn nuôi cần báo với cơ quan thú y về nguồn gốc, xuất xứ của con giống, nhưng rất ít hộ chăn nuôi thực hiện quy định này, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Hiện chưa xảy ra ổ dịch nào nhưng công tác phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Cơ quan thú y đã tiến hành tiêm phòng dịch theo yêu cầu của hộ chăn nuôi, đồng thời phun tiêu độc khử trùng tại các điểm chăn nuôi lớn và có nguy cơ bùng phát dịch cao. Trong tháng 2, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp 2 tấn thuốc khử trùng tiêu độc và tiến hành phun tại 68 chợ, 38 điểm bán, 440 cơ sở giết mổ gia cầm.

Bà Đỗ Thị Phương - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Đã 6 năm nay, Yên Bái không xuất hiện dịch cúm gia cầm nên người dân cũng có phần chủ quan, cho rằng dịch vẫn còn ở xa, chưa thể tới ngay được. Cơ quan thú y khuyến cáo người dân khi có gia cầm ốm chết và có các biểu hiện như xuất huyết ở cẳng chân, mào, mặt mũi tím tái thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y xã.

Bên cạnh những cố gắng của cơ quan chức năng, người dân cần có ý thức chăn nuôi an toàn, đối với những cơ sở không tự cung cấp được giống phải nhập giống từ bên ngoài cần trình báo với các cơ quan thú ý về nguồn gốc, xuất xứ của con giống. Đây là một loại bệnh có thể lây sang người nên người dân cần biết tự bảo vệ mình, không ăn thịt gia cầm ốm chết, không ăn tiết canh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi”.

Với tổng đàn gia cầm trong toàn tỉnh trên 3 triệu con, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch để tự bảo vệ mình và bảo vệ đàn gia cầm, phát triển chăn nuôi bền vững với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”.

 Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Nhà máy Giấy Văn Chấn nằm trên địa bàn xã Minh An (Văn Chấn), chuyên sản xuất mặt hàng giấy đế. Với năng lực sản xuất khoảng 2.800 tấn sản phẩm/năm, mỗi năm nhà máy tiêu thụ cho nông dân khoảng 8.000 tấn nguyên liệu, đồng nghĩa với việc hàng năm nhà máy chuyển hàng tỷ đồng tới tay người nông dân thông qua việc thu mua nguyên liệu.

Sau vụ việc ở Tiên Lãng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

Trong tháng 3 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập một số đoàn kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2008 đến nửa đầu năm 2011, cả nước phải chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên 11.300 ha để khai thác khoáng sản.

Giờ Trái Đất năm 2012 - sự kiện thường niên kêu gọi ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng sẽ diễn ra từ 20h30 - 21h30 vào thứ 7, ngày 31/3 tới được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ tăng 20% tiết kiệm điện so với năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục