Yên Bái cần chủ động hơn trong phòng chống dịch cúm gia cầm

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2012 | 9:32:42 AM

YBĐT - Từ đầu năm 2012 trở lại đây, dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại trên khắp các vùng miền trong cả nước và đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Người dân không nên buôn, bán và mua gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc.
Người dân không nên buôn, bán và mua gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thì hết ngày 21/2/2012 cả nước có 14 tỉnh, thành có dịch cúm gia cầm có vi rút H5N1, làm hàng chục ngàn con gia cầm nhiễm và ghi nhận 2 người mắc cúm A/H5N1 ở Kiên Giang và Sóc Trăng đều đã tử vong.

Đáng lo ngại hơn là đã có hiện tượng vi rút cúm A/H5N1 lưu hành trong các đàn vịt, ngan tại một số địa phương. Trước tình hình đó, Yên Bái đã có nhiều biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Theo ông Phạm Văn Lái - Giám đốc Sở NN&PTNT đến hết ngày 22/2 trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thấy có dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 trên người, nhưng tỉnh đã có nhiều giải pháp và chủ động phòng chống dịch. Trong suốt mấy ngày qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các địa phương đã đi cơ sở kiểm tra đôn đốc phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã về các triệu chứng, dấu hiệu của dịch bệnh và cách phòng chống dịch. Vận động các thôn, bản, hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ đến chăn nuôi lớn thường xuyên tiêu trùng khử độc tại nơi chăn nuôi, khu vực công cộng và những nơi có nguy cơ cao với hàng ngàn mét vuông. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm, gia súc từ ngoại tỉnh vào địa bàn, nhất là trên các tuyến đường trọng yếu.

Tất cả gia súc, gia cầm khi đưa vào địa bàn đều qua kiểm dịch và phải có nguồn gốc xuất xứ cũng như có giấy chứng nhận của cơ quan thú y. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ khâu giết mổ tại các chợ đầu mối, nhất là khu vực thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ. Ngành thú y vừa làm nhiệm vụ kiểm soát tình hình dịch bệnh vừa truy nguyên tại các ổ dịch trước đây xem còn vi rút không và vi rút tồn tại thuộc chủng nào để có biện pháp khống chế khi bùng phát dịch.

Các địa phương có ổ dịch trước đây phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ khi thấy có gia cầm chết phải báo cho ngành thú y và khoanh vùng khống chế dịch. Nghiêm cấm ăn gia cầm chết và giấu dịch, nơi nào giấu dịch thì lãnh đạo địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Do địa bàn rộng lại chưa có điểm giết mổ tập trung, kinh phí cho công tác phòng chống dịch hạn chế, do đó, cần giám sát chặt chẽ những “điểm nóng” nguy cơ phát dịch cao. Đồng thời chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có dịch.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống dịch, song, theo quan sát của chúng tôi tại các điểm chợ và các hộ chăn nuôi vẫn rất thờ ơ với dịch cúm gia cầm H5N1. Trên địa bàn các chợ của thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên vẫn còn có những điểm buôn bán, giết mổ gia cầm mà không hề qua kiểm dịch. Nhất là từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng buôn bán giết mổ gia cầm diễn ra khá thoải mái, nhất là tại các điểm chợ trong khu vực thành phố Yên Bái. Tại chợ Km 6 phường Yên Thịnh, chợ Đồng Tâm, cảnh tượng buôn bán gia cầm nhộn nhịp, người mua kẻ bán cứ tay trần bắt, giết gia cầm sống thoải mái.

Tiếng mời chào gia cầm “sạch” đấy, “gà quê”, “gà mò” anh chị mua đi! Yên tâm đi, có mổ không chị mổ luôn cho nhé!... được phát ra từ những người bán gia cầm. Điều ngạc nhiên hơn là chỉ có số ít gia cầm đã mổ sẵn là có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, còn phần lớn lại là không có dấu kiểm định.

Tình trạng như vậy không riêng ở chợ Km 6 Yên Thịnh, mà chợ Đồng Tâm, chợ ga Yên Bái cảnh tượng buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra tương tự.

Trên các tuyến đường, những bu gà, ngan, vịt vẫn được bán rong ở mọi ngõ ngách, phố phường mà chẳng thấy ai kiểm soát,ai có thể dám chắc những lồng gà, ngan, vịt kia không có mầm bệnh và có thì đó chẳng phải là cách phát tán dịch bệnh nhanh nhất hay sao?

Để công tác phòng chống, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát, thiết nghĩ chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường buôn bán gia cầm. Xử lý thật nghiêm những người không chấp hành, cố tình vi phạm về quy định trong phòng chống dịch bệnh. Mỗi người dân hãy ý thức hơn trong việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm. Chúng ta chỉ buôn bán, giết mổ gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch.

Các hộ chăn nuôi khi thấy gia cầm có biểu hiện chết cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xét nghiệm, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm đã chết, mắc bệnh. Nếu không làm tốt công tác này thì nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn là điều khó tránh khỏi.

Thanh Phúc

Các tin khác

Sau gần 10 năm đàm phán, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm năm trôi qua, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập? Đây chính là chủ đề hội thảo do VCCI tổ chức với sự hỗ trợ của Mutrap, diễn ra ngày 29/2 tại Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cuộc Tổng điều tra trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

YBĐT - Ngày 29/2, Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản (NTNN&TS) tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra NTNN&TS năm 2011.

Đồng bào Dao xã Nậm Búng vận chuyển cây cao su phục vụ trồng rừng.

YBĐT - Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có tổng diện tích tự nhiên trên 139.145 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 122.010 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 5.039 ha và diện tích đất chưa sử dụng 12.103 ha.

Thứ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu David O’Sullivan.

Mặc dù đang gặp phải nhiều vấn đề tại khu vực đồng Euro, song Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho riêng Việt Nam trong năm 2012 này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục