Văn Chấn: Tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến chè
- Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2012 | 3:58:29 PM
YBĐT - Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 02 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè diễn ra ngày 13/3 tại huyện Văn Chấn.
Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng công ty Chè Việt Nam đã tới dự.
Hiện nay, huyện Văn Chấn có tổng diện tích chè là 4.354 ha, tăng 193 ha so với năm 2006 và bằng 106 % so với mục tiêu đề ra; trong đó chè kinh doanh là 3.854 ha, bằng 98,8%; chè kiến thiết cơ bản 500 ha, bằng 250 %; sản lượng chè búp tươi đạt 41.700 tấn; năng suất bình quân đạt trên 97 tạ/ha, tăng 27 tạ/ha so với năm 2006, bằng 108 % mục tiêu đề ra; tổng sản lượng chè búp tươi năm 2011 đạt trên 150 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 2,5 vạn lao động và đảm bảo đời sống cho trên 7 vạn nhân khẩu của huyện. Chương trình trồng mới, cải tạo chè được triển khai đồng bộ và có hiệu quả bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Shan tuyết…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm vùng nguyên liệu chè tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn.
Trong 5 năm (2006 - 2011), diện tích chè trồng mới và trồng cải tạo trên địa bàn huyện đạt 1.175 ha, bằng 84% mục tiêu đề ra. Công tác chăm sóc, thâm canh, thu hái được các doanh nghiệp, các hộ dân chú trọng đầu tư đồng bộ, nhiều tiến bộ KHKT được áp dụng vào sản xuất như: trồng mới, cải tạo bằng chè giâm cành, thu hái chè bằng máy… Mối quan hệ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè được cải thiện, có sự ràng buộc chặt chẽ hơn. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào vùng nguyên liệu bằng phương thức ứng trước vật tư, phân bón, hỗ trợ mua máy hái chè, đốn chè cho các hộ trồng chè giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả lao động, đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy.
Về chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, tính đến hết năm 2011, toàn huyện có 60 nhà máy, cơ sở tham gia chế biến chè, bao gồm 23 doanh nghiệp tư nhân, 18 HTX, 6 công ty cổ phần và 13 công ty TNHH. Tổng công suất thiết kế của các đơn vị sản xuất, chế biến chè đạt trên 740 tấn chè búp tươi/ ngày, gấp 3,5 lần so với khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến, trao đổi với nông dân Văn Chấn về kỹ thuật thu hái chè
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở chế biến tiêu thụ chè đều sử dụng công nghệ, dây chuyền thiết bị cũ và lạc hậu, thiếu đồng bộ, qui mô nhỏ, manh mún, sản xuất thủ công, cơ sở vật chất nghèo nàn chưa đảm bảo vệ sinh công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm chế biến chủ yếu là chè đen bán thành phẩm giá thành thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, huyện Văn Chấn đề ra mục tiêu, phướng hướng, nhiệm vụ và các giáp pháp chủ yếu về phát triển nâng cao, chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2015. Phấn đấu đến năm 2015, tổng diện tích chè của huyện đạt 4.500 ha, sản lượng đạt 45.000 tấn; diện tích chè trồng mới, trồng cải tạo đạt trên 12.000 tấn. Tổng sản lượng chè khô chế biến đạt trên 12.000 tấn, xuất khẩu trực tiếp đạt trên 50% sản lượng chè chế biến; giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 triệu USD.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình vườn ươm chè giống tại huyện Văn Chấn
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn huyện Văn Chấn cũng đã nêu lên một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh chè đó là việc qui hoạch, hình thành vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khó khăn trong vay vốn kinh doanh và tổ chức sản xuất; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng…; sự canh tranh mua bán nguyên liệu và sản phẩm thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè. Các cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất, chế biến kinh doanh chè còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến của giá vật tư, lãi suất vốn vay, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm và thực hiện tốt việc liên kết giữa "4 nhà"…; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao chất sản phẩm và để người trồng chè yên tâm gắn bó, sống với nghề chè.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà huyện Văn Chấn đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trong những năm qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh và chỉ ra một số định hướng lớn mà cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn cần tập trung thực hiện đó là: cần tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến một cách hiệu quả và bền vững, rà soát đối với các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến chè trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị
Chú trọng đầu tư thâm canh, thay thế chè già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng và chế biến các sản phẩm chè có chất lượng cao, phục vụ cho xuất khẩu trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh việc xây dựng quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè Yên Bái và đặc biệt là sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng… Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh, cần tập trung rà soát việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến chè nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè và nâng cao thu nhâp cho người trồng chè.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 12/2011 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác quản lý chống thất thu, nợ đọng đối với các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách Nhà nước, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các bộ phận chuyên môn triển khai công tác chống thất thu đối với các cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý.
Không tiết lộ thời điểm đề xuất, song lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, cơ quan này đang tính toán thông số đầu vào cơ bản để xin tăng giá điện.
Đó là thông tin được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vào ngày 12-3.
YBĐT - Lợi thế của tỉnh Yên Bái là có nền sản xuất nông - lâm nghiệp tương đối hoàn thiện, từ năm 2004-2005, tỉnh và ngành nông nghiệp đã quy hoạch và định hướng phát triển, sản xuất theo hướng thị trường. >>Chiến lược mới trong sản xuất nông nghiệp / Thành công từ mô hình sản xuất lúa giống