Doanh nghiệp ngành giao thông vận tải Yên Bái: “Cái khó bó cái khôn”
- Cập nhật: Thứ tư, 21/3/2012 | 3:29:07 PM
YBĐT - Khó khăn của doanh nghiệp càng chồng chất hơn khi hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều là "con nợ" của ngân hàng, mỗi tháng đều phải trả lãi ngân hàng với con số không nhỏ trong khi đó, số nợ của tỉnh và Trung ương đối với các doanh nghiệp, các dự án thi công đã hoàn thành từ năm 2011 trở về trước là rất lớn (180 tỷ đồng).
Các phương tiện máy móc thi công cũng được nằm kho vì không có việc làm.
|
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động xây lắp đã cho 40% cán bộ, người lao động nghỉ việc, tiền lương và chi phí quản lý tại đó cũng giảm đi nhiều. Cụ thể như tại Công ty cổ phần Tư vấn XDGT Yên Bái cắt giảm đến 50% nhân lực. Công ty cổ phần XDGT vừa cho khoảng 60% lao động nghỉ việc, nghỉ luân phiên lại vừa phải vận động cán bộ, kỹ sư bộ phận quản lý nghỉ tự túc hay nghỉ chế độ.
Chưa bao giờ tình hình thực hiện các dự án, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tư vấn, khảo sát giao thông lại khó khăn như hiện nay, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Yên Bái Đỗ Văn Dự thừa nhận. Nguyên nhân do chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thắt chặt, việc cắt giảm nguồn vốn từ Trung ương và địa phương đầu tư cho lĩnh vực GTVT để cho các công trình trọng điểm... đã ảnh hưởng lớn tiến độ nhiều công trình giao thông cũng như đời sống, việc làm của doanh nghiệp và người lao động.
Ông Đỗ Văn Dự nêu ra dẫn chứng, đối với nguồn vốn Trung ương, cụ thể như dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 32 giai đoạn 2, tổng nhu cầu vốn là 600 tỷ đồng nhưng 2 năm 2012 và 2013 Bộ GTVT mới dự kiến bố trí 116 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2012 mới bố trí được 45 tỷ đồng. Đối với dự án nâng cấp QL 37 và 32C mặc dù Chính phủ đã chấp thuận đầu tư nhưng do Bộ GTVT chưa bố trí được vốn nên cũng phải chờ có kinh phí mới triển khai.
Vốn Trung ương đã vậy, nguồn vốn địa phương cũng trong tình trạng tương tự. Không có vốn đầu tư dẫn đến không có dự án triển khai, tất yếu dẫn đến không có việc làm . Ông Lại Đức Thành - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông (XDGT) Yên Bái cho biết: "Với 210 lao động và nhiều phương tiện máy móc tổng giá trị trên 20 tỷ đồng, năng lực sản xuất của Công ty đạt sản lượng 200 tỷ đồng/năm. Hiện nay, việc làm rất ít, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với các dự án chuyển tiếp".
Cũng như Công ty cổ phần XDGT Yên Bái, mặc dù là một doanh nghiệp nhiều năm có tiếng là luôn làm ăn có hiệu quả, với sức cạnh tranh vào loại khá trong khu vực, vậy mà thời điểm hiện tại ông Lê Đức Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn XDGT Yên Bái cũng phải khẳng định: "Năm nay tình hình công ăn việc làm rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn 2011 nhiều. Trong khi đó, năm 2011, giá trị sản lượng đã sụt giảm tới 50% so với năm 2010".
Vì là doanh nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng nên dù không khó khăn về việc làm như hai đơn vị trên nhưng Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Xây dựng đường bộ II cũng gặp rất nhiều khó khăn do đơn giá sửa chữa thấp, chi phí lại tăng.
Ông Ninh Thanh Tạo - Giám đốc Công ty cho biết: “Chi phí quản lý bảo dưỡng đường quốc lộ là 40 triệu đồng/km, tỉnh lộ 23 triệu đồng/km. Tuy nhiên, với nhiều loại đường khác nhau (loại mới bàn giao quản lý, loại đang chờ bàn giao giải phóng mặt bằng thi công - PV) thì nhiều tuyến mức giao khoán chỉ đạt 16,8 triệu đồng, trong đó có nhiều tuyến chỉ 10 triệu đồng (chưa trừ chi phí quản lý và thuế) trung bình chỉ 1 triệu đồng/km đường/tháng thì không đủ chi phí giữ đường, trong khi đó các tuyến đường trong tỉnh đều đã xuống cấp. Với mức đầu tư như vậy, nhiều tuyến người lao động đi làm chỉ đủ tiền để đóng bảo hiểm xã hội và tiền công đoàn”.
Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT:
Đối với các công trình đang triển khai, Sở chỉ đạo làm theo kế hoạch vốn bố trí. Đối với công trình do Sở làm chủ đầu tư, Sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu trong tỉnh, tuy nhiên các nhà thầu này phải có khả năng và năng lực thực hiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền để người lao động hiểu những khó khăn chung và cùng tháo gỡ, năng động hơn trong việc tìm kiếm việc làm, có kế hoạch sắp xếp cho lao động nghỉ luân phiên tránh thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động. Đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần bố trí ưu tiên hơn, ngành sẽ phát động các phong trào thi đua, có các biện pháp cụ thể giúp đỡ hỗ trợ khó khăn đối với họ. |
Trong khi đó, nhiều dự án mặc dù đã hoàn thành vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán lên đến 30 tỷ đồng. Cụ thể như dự án thảm QL 32 giai đoạn 2 (vốn trái phiếu Chính phủ), mặc dù thực hiện từ năm 2010 nhưng vẫn nợ Công ty 10 tỷ đồng, đường nội thị trấn Cổ Phúc thi công từ 2009 nợ 5 tỷ đồng; đường Km 5 - Yên Bình (nay là đường Nguyễn Tất Thành) nợ 2 tỷ đồng, dự án cải tạo nâng cấp QL 70 nợ 2 tỷ đồng, đường Khánh Hoà - Minh Xuân nợ 1 tỷ đồng...
Khó khăn về việc làm và nợ đọng sâu, lãi suất ngân hàng và môi trường đầu tư cũng là điều doanh nghiệp băn khoăn. Ông Lại Đức Thành cho biết thêm, mặc dù việc huy động vốn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay không khó nhưng do lãi suất ngân hàng hiện nay quá cao sẽ dẫn đến kinh doanh không hiệu quả.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư lĩnh vực này chưa thật thông thoáng, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một công trình mà có tới bốn, năm đơn vị quản lý nhưng không có ai có trách nhiệm chính để tháo gỡ khó khăn, cụ thể như chính sách bù giá, giải phóng mặt bằng... cho nhà thầu thi công dẫn đến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Thị xã Nghĩa Lộ bê tông hóa đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Quang Thiều)
Trước những khó khăn đang đặt ra, giải pháp đầu tiên mà các doanh nghiệp thực hiện sẽ cho lao động nghỉ chờ việc. Vì vậy, tính toán đến thời điểm hiện nay theo, đánh giá hầu hết các doanh nghiệp hoạt động xây lắp đã cho 40% cán bộ, người lao động nghỉ việc, tiền lương và chi phí quản lý tại đó cũng giảm đi nhiều. Cụ thể như tại Công ty cổ phần Tư vấn XDGT Yên Bái cắt giảm đến 50% nhân lực. Công ty cổ phần XDGT vừa cho khoảng 60% lao động nghỉ việc, nghỉ luân phiên lại vừa phải vận động cán bộ, kỹ sư bộ phận quản lý nghỉ tự túc hay nghỉ chế độ. Không có việc làm, người lao động chỉ còn cách tự thân vận động để mưu sinh.
Anh Nguyễn Văn Dung - công nhân lái xe lu, Công ty cổ phần Tư vấn XDGT tâm sự: “Mấy tháng nay tôi đã tự mình đi kiếm việc làm thuê ở ngoài, tuy cũng đủ sống như lo lắng nhất là vấn đề đóng các loại bảo hiểm vì không được nợ”. Tâm trạng của anh Dung cũng là tâm trạng chung của hàng trăm lao động ngành GTVT hiện đang làm những công việc ở ngoài như buôn bán, chạy chợ, phu hồ... để đảm bảo cuộc sống và quyền lợi lâu dài.
Được biết, giai đoạn 2012 - 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, thị trường vốn và mức lạm phát tiếp tục lớn... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của khối xây dựng cơ bản ngành giao thông. Chính vì vậy để hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ngành GTVT, Trung ương và tỉnh cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đó là việc thanh toán trả nợ đọng các dự án đã hoàn tất đối với các doanh nghiệp (hiện nay là 180 tỷ đồng). Đối với doanh nghiệp phải xem xét tới tính tới việc cơ cấu lại hoạt động, đặc biệt là với những doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn, tới 200 - 300 người, tỉ lệ lao động gián tiếp lớn.
Thực tế cho thấy, chỉ những doanh nghiệp có thương hiệu, vừa năng động trong tìm kiếm công việc vừa có bộ máy quản lý gọn nhẹ, sử dụng lao động linh hoạt, an toàn tài chính khi kí kết thực hiện dự án thì mới có thể tồn tại trong hoàn cảnh “cáI khó bó cái khôn”.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Huyện Lục Yên (Yên Bái) vừa triển khai Dự án trồng măng mai bản địa tại 4 xã là: Mai Sơn, Tân Lĩnh, Tô Mậu và An Lạc.
YBĐT - Bằng huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng huy động sự đóng góp của dân để tham gia xây dựng, chỉ tính từ năm 2009 đến nay, thành phố đã kiên cố hóa được 51 km đường giao thông nông thôn.
Chính phủ vừa đồng ý với đề án lập quỹ tiết kiệm nhà ở và giao cho Bộ Xây dựng lấy ý kiến hoàn thiện thêm. Theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), việc lập quỹ này là cần thiết, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn.
Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á lọt vào nhóm 50 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới do hãng tin Bloomberg thực hiện.