Để cây sắn ở Văn Yên phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/3/2012 | 2:59:46 PM
YBĐT - Đã bước vào niên vụ trồng sắn mới nhưng những ngày này người trồng sắn của Văn Yên (Yên Bái) lòng như lửa đốt vì giá sắn rẻ chỉ bằng một nửa năm trước. Giá rẻ, không có thị trường tiêu thụ, nhiều diện tích sắn của dân vẫn nằm trên đồi. >>Nỗi niềm người trồng sắn Văn Yên
Phát triển sắn tràn lan phá vỡ quy hoạch.
|
Sắn rớt giá - nhà nhà “méo mặt”
Cùng thời điểm này, năm 2011, giá sắn nguyên liệu cao ngất ngưởng với mức 2.300 đồng/kg. Giá sắn nguyên liệu tăng cao, nhà nông Văn Yên đổ xô lên đồi trồng sắn với ước mơ đổi đời. Thế nhưng niềm vui chưa lâu đã phải dừng lại khi mà giá sắn niên vụ này giảm liên tục.
Đầu vụ, giá 1.400 đồng/kg nhưng nhiều gia đình chưa bán còn giữ sắn chờ giá lên. Nhưng càng cuối vụ, giá không những không tăng mà còn giảm xuống còn 1.200 đồng/kg. Nhiều diện tích sắn trồng ở xa vẫn đang nằm im trên đồi vì giá quá rẻ, tiền bán sắn không đủ chi phí vận chuyển.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở xã Đông Cuông, nhà có hơn 1 ha sắn, cho biết: “Nếu giá sắn cứ như hiện nay thì nông dân trồng sắn chỉ có mà chết đói. Ở đây còn nhiều hộ dân không dám thu hoạch, vì chỉ tính tiền thu hoạch và chi phí vận chuyển bán cho nhà máy thì đã lỗ rồi, đấy là chưa kể tiền giống, phân bón, công trồng, công chăm sóc”.
Mậu Đông là một trong những xã có diện tích trồng sắn lớn của huyện Văn Yên, mỗi năm trồng từ 450-500ha sắn. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mậu Đông cho biết: “Thời điểm hiện tại giá sắn củ mới chỉ 1.200 đồng/kg. Như mọi năm giờ bà con trong xã đã thu hoạch hết và trồng mới nhưng năm nay giá sắn thấp, nhiều hộ dân chờ giá lên nên vẫn còn nhiều diện tích bà con chưa dỡ làm ảnh hưởng đến kế hoạch trồng mới. Chủ trương của xã là ổn định diện tích hiện có không mở rộng diện tích sắn, vận động bà con trồng cây khác vào cải tạo đất và thực hiện canh tác sắn bền vững”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai có hơn một vạn gốc sắn ngao ngán: “Giá sắn rẻ mà cũng không có người mua. Nhà tôi chủ yếu băm sắn phơi để chăn nuôi. Nhiều hộ trong xã chỉ mong thanh toán hết món sắn này để tính bài khác chứ cũng không trông chờ giá lên”.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, năm 2011, toàn huyện trồng trên 6.644ha sắn, năng suất bình quân 24 tấn/ha, sản lượng sắn đạt trên 161.914tấn. Việc phát triển diện tích sắn ồ ạt trong năm qua dẫn đến việc quá thừa nguyên liệu ở năm nay. Trong khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu thụ khoảng 400 tấn sắn củ tươi một ngày, tức khoảng 35-40% sản lượng sắn của Văn Yên, nghĩa là 60% sản lượng còn lại trông chờ vào các lò sấy sắn thủ công và phụ thuộc vào các tư thương. Nhưng vì thị trường sắn khô thấp nên nên không chỉ các hộ trồng sắn thất thu mà ngay cả các chủ lò sắn chế biến thủ công cũng đang méo mặt.
Dọc tuyến đường từ trung tâm huyện lên các xã Mậu Đông, Đông Cuông có đến cả trăm cơ sở chế biến sắn thủ công những vụ trước nhộn nhịp là vậy nhưng giờ tất cả đều “đóng băng” vì rơi vào cảnh thua lỗ. Có những chủ lò mua sắn non từ đầu vụ với giá 1.400 đồng/kg, nhưng giá sắn khô cũng rớt thảm hại khiến thua lỗ cả trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn 5, xã Mậu Đông cho biết: “Nếu giá sắn khô hiện nay là 3.500đồng/kg thì chỉ hòa vốn vì giá than lên cao. Những hộ đã mua than rồi thì tiếp tục sấy để chờ giá lên chứ còn đa số các lò đều nằm đắp chiếu”.
Năm 2012, huyện Văn Yên có kế hoạch trồng mới 8.000 ha sắn. Đây là thời điểm giải phóng đất để trồng vụ mới, nhưng hiện vẫn còn trên 500 ha sắn chưa thu hoạch. Hiện nay, toàn huyện mới trồng được 667 ha sắn, nếu giá sắn giảm như hiện nay e rằng Nhà máy sắn khó giữ được vùng nguyên liệu bởi cái vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt bỏ chắc chắn sẽ lại xảy ra. Khi đó, người nông dân quay lưng lại với cây sắn cũng là điều dễ hiểu. Điều này cũng đã từng được cảnh báo từ năm trước không chỉ với riêng huyện Văn Yên.
Cần quy hoạch sắn theo hướng bền vững
Thu hoạch sắn ở xã Châu Quế Thượng (Văn Yên).
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, đến hết năm 2011, diện tích trồng sắn của Văn Yên là 6.476 ha, tăng gấp 2 lần năm 2005. Đó là con số các xã báo cáo còn thực tế diện tích này cao hơn nhiều.
Sở dĩ, diện tích sắn tăng mạnh là do ở nhiều địa phương bà con lấn chiếm đất rừng để trồng sắn. Sắn lấn át một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp hơn, đặc biệt sau mỗi vụ giá sắn lên cao là người dân lại đổ xô đi trồng. Nhưng vấn đề đáng báo động ở đây là việc trồng sắn ồ ạt không chỉ phá vỡ quy hoạch và lấn át tập đoàn cây trồng khác mà nó còn khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất do bà con không chịu đầu tư thâm canh.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên cho biết: “Với kiểu canh tác sắn như hiện nay thì cứ 1 ha sắn canh tác trên đất dốc sẽ rửa trôi 70 tấn đất bề mặt. Thực tế những đồi sắn trồng từ 3-5 năm không được bón phân năng suất giảm 40%”.
Chẳng thế mà có nhiều người lo ngại, với tốc độ trồng sắn như hiện nay thì sau 10 năm nữa ở nhiều địa phương sẽ chỉ còn đất trống đồi núi trọc. Bên cạnh đó, việc trồng sắn tràn lan, thị trường lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên đã không ít lần người trồng sắn phải ngậm ngùi khi giá sắn xuống thấp hơn giá đầu tư chăm sóc.
Không thể phủ nhận những giá trị của cây sắn trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Song, nếu không có kế hoạch phát triển phù hợp thì đây sẽ là cây trồng nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất nhất, chưa kể đến thị trường tiêu thụ. Cùng với kế hoạch trồng mới 8.000ha sắn, huyện sẽ thực hiện các biện pháp cải tạo canh tác sắn bền vững trên đất dốc. Để việc quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định thì các xã cần làm tốt việc quản lý diện tích sắn.
Theo đó, cần đưa vào sản xuất nhiều giống sắn có năng suất cao cũng như đầu tư thâm canh, xen canh các loại cây ngắn ngày khác mà không độc canh cây sắn. Về lâu dài, để cây sắn phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, người trồng sắn vẫn phải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình bởi thị trường bấp bênh sẽ kéo theo hàng nghìn hộ nông dân phải lao đao khốn khó. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến sinh học nên chủ động xây dựng vùng nguyên liệu liên kết chặt chẽ với người trồng sắn để các nhà máy có đủ nguyên liệu và đời sống người trồng sắn được cải thiện.
Ngoài ra, Nhà máy chế biến cũng cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn theo hình thức cung ứng trước bằng vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công tác khuyến nông; xây dựng các khung giá mua hợp lý và có sự thoả thuận giữa nhà máy và các hộ dân, thu mua hết sản phẩm cho dân. Các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch diện tích trồng ở xã mình và phải có chế tài quản lý, gắn vùng trồng sắn với vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp để đảm bảo đời sống nhân dân.
Ngoài ra, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ngành chức năng để có định hướng canh tác cây sắn bền vững, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến, chính quyền địa phương và nông dân. Có như vậy, mới cây sắn Văn Yên mới phát triển bền vững.
Văn Thông
Các tin khác
Điều này khẳng định thương hiệu “trí tuệ Việt” đã đến với các nước, góp phần đẩy mạnh sản xuất ngành CNTT, trọng tâm là phần mềm và nội dung số.
Theo tính toán từ Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 - 5 tỷ USD/năm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước dù có mặt bằng đất đắc địa nhưng lại không sử dụng hết vào mục đích kinh doanh.
YBĐT - Ngay từ những ngày đầu năm mới, Chi cục Thuế huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực triển khai công tác thu thuế môn bài (TMB) năm 2012.