Phúc An tìm hướng đi trong phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2012 | 3:12:02 PM

YBĐT - Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn xã Phúc An, huyện Yên Bình những năm gần đây đã và đang có bước khởi sắc.

Xã khuyến khích nhân dân phát triển nghề đan rọ tôm.
Xã khuyến khích nhân dân phát triển nghề đan rọ tôm.

 Dẫu vậy, để vực dậy nền kinh tế thuần nông ở xã còn nhiều khó khăn này vẫn đang là điều trăn trở của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.

Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, xã Phúc An có 683 hộ với trên 3.000 nhân khẩu gồm 4 dân tộc anh em cùng chung sống là: Kinh, Tày, Dao và Cao Lan, trong đó đồng bào Dao chiếm 49%.

Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn Phúc An những năm gần đây đã và đang có bước khởi sắc. Đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, nhiều thôn đã bỏ xa cái đói cái nghèo. Dẫu vậy, để vực dậy nền kinh tế thuần nông ở một xã còn nhiều khó khăn như Phúc An vẫn đang là điều trăn trở của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Vấn khẳng định: “Cũng nhờ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ mà hệ thống cơ sở vật chất điện - đường - trường - trạm của xã đến nay đã được đầu tư khá cơ bản. Hoạt động giao thương nhờ đó phát triển hơn trước đã kích thích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng bào đã tính đến chuyện nuôi thêm nhiều con lợn, con gà, con cá không chỉ để ăn mà còn để bán. Song, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương, đặc biệt là các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã vẫn còn rất manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu tự cung tự cấp...”.

Điều này đã được chứng minh ở phiên chợ đông nhất trong năm của Phúc An. Ngoài bánh, mứt kẹo và những mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu trong ngày tết, phải rất đắn đo, cân nhắc các bà, các chị mới dám mua một vài thứ hàng loại bình dân...

Xã Phúc An có trên 70 số hộ sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, song trình độ canh tác thấp, thiếu kỹ thuật, thiếu đầu tư, mặc dù mỗi năm địa phương đã chủ động phối hợp mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân.

Nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà là nguồn sống chính của trên 20% số hộ còn lại, song việc đánh bắt và tận thu theo kiểu hủy diệt của cư dân nơi đây nhiều năm qua đã khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt.

Một số thôn, bản khó khăn, chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống như: Ba Chãng, Khe Tam, Đồng Tha, Đồng Tý... dân cư thưa thớt, một số hộ nằm sâu trong các thung lũng hẻo lánh và rải rác trên các đảo hồ Thác Bà cách xa trung tâm xã từ 5 – 7km, giao thông cách trở, chủ yếu bằng đường thuỷ luôn đặt ra những khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp. Hiện nay, xã Phúc An còn 39% hộ nghèo, khoảng 15% hộ thuộc diện cận nghèo.

Đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỉ lại vào Nhà nước của người dân, phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương để vực dậy nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, Đảng uỷ, chính quyền xã đã và đang tích cực chỉ đạo nhân dân chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh lúa, ngô và cây màu các loại; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, khai thác hiệu quả lợi thế mặt nước hồ Thác Bà để phát triển nghề nuôi cá lồng, khuyến khích phát triển nghề đan rọ tôm.

Đến nay, toàn xã đã có 40 lồng cá, tăng 5 lồng so với năm 2010 và 7,5ha mặt nước ao, đập nuôi thả cá cho hiệu quả kinh tế ổn định; 2 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá đã triển khai thực hiện trong dân...

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Vấn cho rằng: các nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số là vô cùng quý giá và đặc biệt cần thiết. Đó thực sự là nền tảng thúc đẩy mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương phát triển.

Tuy nhiên, những người dân ở các địa phương được hưởng lợi từ chính sách ưu việt này cũng cần phải vận động, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, chủ động thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo. Có vậy những khó khăn của kinh tế địa phương mới mong được đẩy lùi. 

 Phạm Minh

Các tin khác
Mặt bằng “sạch” là điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công hoàn thành tiến độ công trình.

YBĐT - Hiện nay, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái (dài trên 80 km qua 3 huyện, thành phố) đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bộ NN-PTNT ngày 27.3 cho biết đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho tạm dừng “Dự án sử dụng vắc xin nhằm khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao, giai đoạn 2011-2012” tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên và một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ.

Vàng miếng trong nước sáng nay (28-3)đã rẻ đi 300.000 đồng/lượng so với mức đỉnh của sáng qua, giá USD tự do cũng hạ thêm 30 đồng. Trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng giá trở lại đang tạo sức ép khiến vàng giảm giá sau khi tiếp cận mốc 1.700 USD/oz.

Techcombank

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank đã chính thức được tạp chí Global Finance bình chọn là Ngân hàng tốt nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại Châu Á (Best Emerging Market Banks 2012 in Asia) vào ngày 20/3 vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục