Suối Bu cần nhiều nỗ lực xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2012 | 2:50:19 PM
YBĐT - Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), tuy nhiên không phải là không có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà cái chính là người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trước thực trạng đó, từ Đại hội khóa V, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân phát huy nội lực, đưa những khó khăn của địa phương trở thành những lợi thế để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo đó, Đảng bộ, chính quyền xã Suối Bu đã vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao vào gieo cấy nên 63 ha lúa nước đã được gieo cấy bằng giống lúa lai Nhị ưu 838, Khang Dân 18. Đây là hai loại giống được cho là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đất đai địa phương và cũng đã được kiểm chứng qua nhiều vụ.
Không dừng lại ở đó, bà con trong xã còn chú ý tới mùa vụ, đầu tư chăm bón, nhờ vậy năng suất đã được nâng lên. Nếu như năm 2010 năng suất lúa mới đạt 75-80 tạ/ha, thì nay năng suất đã đạt 90 tạ/ha.
Ngoài trồng lúa, hàng năm nhân dân còn biết tận dụng đất đai gieo trồng trên 200 ha ngô, 70 ha sắn, 39 ha đậu đỗ, lạc và chăm sóc khai thác hiệu quả 145 ha chè. Những kết quả đó thật đáng ghi nhận ở một xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Suối Bu, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì Suối Bu là một trong những xã có tỷ lệ hộ đói, nghèo cao tới 70%.
Suối Bu là xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, ít đất lâm nghiệp và ruộng nước nhưng không phải là không có những lợi thế để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cái chính là trình độ canh tác của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông còn nhiều hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến năng suất lúa, ngô đạt rất thấp.
Để Suối Bu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, cần vận động nhân dân đưa các giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất nhưng phải tập trung đầu tư phân bón cũng như phòng trừ sâu bệnh để đưa năng suất lên cao để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Với 63 ha lúa mà đưa năng suất đạt 100 tạ/ha thì mỗi năm sản lượng thóc cũng đạt 630 tấn, cùng với 200 ha ngô đưa năng suất đạt 35 tạ/ha thì xã đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Đặc biệt là vận động nhân dân xóa bỏ 20 ha lúa nương mộ sang trồng ngô theo hướng hàng hóa vừa được sự hỗ trợ của Nhà nước vừa cho hiệu quả kinh tế lại cao vừa bảo vệ được môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, xã còn có lợi thế phát triển cây chè Shan rất tốt, đó là một đặc sản không phải nơi nào cũng có nếu khai thác tốt lợi thế này thì mỗi năm cũng đem về cho người dân hàng tỷ đồng. Vấn đề hiện nay là diện tích chè 164 ha trồng phân tán, thiếu đầu tư trong khi khai thác lại không đúng quy trình dẫn tới năng suất ngày một thấp nên cần vận động nhân dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt Nhà máy chè Suối Bu cũng cần hỗ trợ hơn nữa cho nhân dân vùng chè để chăm sóc và nâng năng suất.
Song song với đó là bảo vệ tốt 1.406 ha rừng phòng hộ bởi tiền khoán bảo vệ rừng cũng đã được nâng lên, người dân cũng có nguồn thu từ khai thác lâm sản phụ. Một lợi thế nữa là Suối Bu có khí hậu cũng như đất đai rất phù hợp với trồng rau xanh. Nếu biết phát triển lợi thế này để sản xuất rau hàng hóa chắc chắn sẽ rất hiệu quả.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Vào lúc 16 giờ 45 phút ngày 28-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các nhà thầu, đơn vị thi công đã đưa tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 chính thức hòa lưới điện quốc gia sau gần 20 ngày chạy không tải.
Tính đến 11h30 sáng nay, 29-3, giá vàng trong nước giảm 310.000 đồng/lượng so với giá cuối chiều 28/3, ở mức 43,94 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) hay còn gọi là bệnh lợn tai xanh đang diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Đây là loại dịch rất nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh. >> Văn Chấn quyết tâm khống chế dịch tai xanh
YBĐT - “Cơn bão tai xanh" đang bùng phát mạnh tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn đứng trên bờ vực phá sản. Cùng với đó là những hiệu ứng của "tai xanh" khiến cho người dân “xanh mặt”. >> Văn Chấn quyết tâm khống chế dịch tai xanh