Yên Bái tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/3/2012 | 9:03:24 AM
YBĐT - Chiều 29/3, tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, quản lý lâm sản, khoáng sản năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012.
Tới dự có đại diện các ngành thành viên Ban chỉ đạo 127/ĐP, lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố, Xí nghiệp Vận tải hành khách Yên Lào...
Năm 2011, Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể chỉ đạo các ngành trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè "bẩn”; tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra 2.271 vụ vi phạm, trong đó: xử lý hành chính 1.788 vụ, xử phạt gần 7 tỷ đồng, truy thu thuế trên 486 triệu đồng, bán hàng tịch thu trên 6,5 tỷ đồng. Tổng giá trị thực hiện đạt trên 14 tỷ đồng.
Công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các lực lượng chức năng đẩy mạnh. Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ làm giả nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi sinh, môi trường; thường xuyên phối hợp với các đơn vị chủ thể quyền để xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đã xử lý 129 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 250 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa trị giá trên 722 triệu đồng.
Trong lĩnh vực quản lý lâm sản, khoáng sản và quản lý thuế, Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh đã xử lý gần 400 vụ, phạt hành chính trên 4,3 tỷ đồng với các hàng hóa thu giữ như gỗ pơmu 45.000kg, quặng sắt - đồng 1.001 tấn, quặng antimon 30.000kg, quặng chì kẽm trên 368 tấn, đá quý, đá vôi có hoa văn và nhiều hàng hóa khác. Ngoài ra, đã xử lý 1.072 vụ vi phạm trong các lĩnh vực: đo lường chất lượng, niêm yết giá, đăng ký giá, thông tin truyền thông, kinh doanh văn hóa phẩm và gian lận thương mại khác.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và quản lý lâm sản, khoáng sản cũng còn nhiều khó khăn. Trên khâu lưu thông, các đối tượng thường sử dụng hóa đơn quay vòng, viết hóa đơn để hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, lợi dụng chính sách cư dân biên giới để lách luật nên kiểm tra, xử lý một vụ việc phải xác minh nhiều nơi gây mất thời gian.
Trên địa bàn cố định phần lớn các hộ kinh doanh thực hiện thuế khoán, khi lực lượng chức năng kiểm tra, đơn vị xuất trình hoá đơn đầu vào từ nhiều năm trước.
Công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn do nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa cao; nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức chủ động trong phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm kém chất lượng của đơn vị; chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát; nguồn kinh phí phục vụ công tác điều tra, xác minh, giám định sản phẩm cao; chế tài xử phạt tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP quá cao so với khả năng tài chính và quy mô kinh doanh của các hộ kinh doanh miền núi..
Nhân dịp này, 2 tập thể và 2 cá nhân đã được nhận bằng khen của Ban chỉ đạo 127/TƯ vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2011.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong cuộc họp bàn giải pháp dập dịch lợn tai xanh được tổ chức chiều 29/3.
YBĐT - Tính đến thời điểm này, ở tất cả 7/7 xã, phường trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã xuất hiện dịch bệnh tai xanh. Gần 500 con lợn của 138 hộ dân ở 30 thôn bản đã bị mắc bệnh.
YBĐT - Công ty TNHH đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam là doanh nghiệp FDI có 100% vốn Ấn Độ sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.
YBĐT - Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), tuy nhiên không phải là không có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà cái chính là người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.