Sữa đề nghị tăng giá theo xăng
- Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2012 | 8:22:16 AM
Sau 4 ngày giá xăng tăng thêm 900 đồng, lên 23.800 đồng/lít, nhiều nhà cung cấp hàng hóa tại các siêu thị đã đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, nhiều siêu thị cho biết, họ còn phải xem xét đề nghị tăng giá có hợp lý hay không.
Các hãng sữa đề nghị tăng giá 5-7%.
|
Khảo sát của PV ngày 24/4 tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Big C, Intimex, Fivimart… cho thấy, về cơ bản, giá cả hàng hóa tại các siêu thị này vẫn ổn định. Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, một số nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá sau khi giá xăng tăng lên 900 đồng/lít.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, mặc dù không xảy ra tình trạng các nhà cung cấp đề nghị tăng giá ồ ạt như những năm trước, nhưng hiện có một số nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá, như: sữa (đề nghị tăng 5-7%), đồ dùng gia đình, tạp phẩm, giấy ăn có thể tăng giá trong vài ngày tới.
“Hiện chúng tôi đã nhận được thông báo đề nghị tăng giá của một số hãng sữa với mức tăng từ 10 - 15 nghìn đồng/hộp (tương đương 5-7%). Một số mặt hàng khác như giấy ăn, tạp phẩm, đồ dùng gia đình cũng được nhà cung cấp đề nghị tăng giá”, ông Phú cho biết.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phú, về cơ bản, giá cả hàng hóa sẽ ổn định từ nay đến đầu quý III/2012. Lý do là hiện hàng tồn kho đang chiếm một tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng 30-60%. Do đó, các nhà sản xuất sẽ phải giải quyết hết số hàng tồn kho này, sau đó nếu có tăng giá thì mới có thể tăng.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang rất hạn chế, do đó lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp bán lẻ cũng theo đó mà giảm đáng kể. “Ngay cả giá cả vẫn giữ nguyên như hiện nay mà người dân cũng rất hạn chế mua sắm. Nếu tăng giá nữa thì ai mua? Nhà sản xuất và các đơn vị bán lẻ muốn bán được hàng thì không còn cách nào khác là phải giảm lợi nhuận, giữ nguyên giá bán và hạn chế một cách tối đa các chi phí đầu vào” - ông Phú lý giải.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) cho biết, do hệ thống siêu thị này đã ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp, nên việc tăng giá ngay tức khắc là không thể diễn ra, mà luôn có độ trễ nhất định (thông thường là sau 1 tháng).
Sở dĩ có độ trễ này là vì một mặt hàng nào đó mà nhà cung cấp muốn tăng giá phải làm đề xuất, giải thích lý do tăng giá. Căn cứ vào đề xuất này, siêu thị sẽ xem xét xem đề xuất tăng giá, với mức đề nghị tăng cụ thể đó có hợp lý hay không. Những thủ tục này nếu được chấp thuận phải mất ít nhất 30 ngày.
Đại diện siêu thị BigC cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tăng giá phải xét tới lợi ích của cả 3 bên (nhà sản xuất, nhà bán lẻ - siêu thị và người tiêu dùng). Nếu nhà sản xuất tăng giá thời điểm này thì lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ giảm, như thế sẽ xảy ra tình trạng tồn kho. Doanh thu bán hàng của các nhà bán lẻ cũng vì thế giảm theo và người tiêu dùng cũng không có lợi.
“Không phải đề nghị tăng giá nào cũng được chúng tôi chấp thuận. Chúng tôi phải xem xét rất kĩ trước quyết định có tăng giá bán hay không. Nếu mức đề nghị tăng giá của nhà cung cấp là không hợp lý so với chi phí đầu vào, chúng tôi sẽ không chấp thuận. Với một mặt hàng cụ thể nào đó mà chúng tôi thấy rằng giá thành đẩy lên do chi phí đầu vào (giá xăng) tăng thì chúng tôi sẽ chấp thuận tăng ở mức hợp lý”, bà Huyền cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ không gây ra tình trạng tăng giá đột biến theo kiểu “té nước theo mưa” như trước đây, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Vì hiện nay rau xanh đang bước vào mùa vụ thu hoạch chính, nguồn cung các loại thực phẩm cũng khá dồi dào, người tiêu dùng cũng đã quen với việc chi tiêu tiết kiệm…
Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng thì không khỏi lo lắng vì cho rằng sau mỗi lần tăng giá xăng, tăng lương thì giá cả nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo. “Tôi thấy mỗi lần tăng lương hay tăng giá xăng dầu thì giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng theo. Vừa ngày 23/4 tôi mới nhận được thông báo của bảo vệ là sẽ tăng giá gửi xe thêm 20.000đ từ 1/5, lên 120.000đ/tháng đối với xe máy. Mỗi thứ tăng một tí như thế, hỏi lương tăng có bù đắp được tăng giá hay không?” - bà Nguyễn Thị Mơ, ở Láng Hạ cho biết.
(Theo LĐO)
Các tin khác
Đó là dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra sau khi có báo cáo đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 24-4.
Trước việc chi phí đầu vào tăng liên tục trong tháng qua, ngày 24-4, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam cho biết, giá thuốc chữa bệnh cho người cũng tăng theo.
YBĐT - Ngòi Đong - làng “thủy tổ” của nghề làm miến ở xã Giới Phiên đang được chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục đề nghị thành phố và tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề sản xuất miến.