Thành quả liên kết "4 nhà"
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/4/2012 | 9:38:46 AM
YBĐT - Một nhà máy mọc lên giữa đại ngàn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp. Hàng trăm ngàn tấn lá quế trước đây chỉ bỏ đi nay đã được nhân dân thu gom lại và bán cho nhà máy với giá cao đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng cao.
Cành và lá quế khô nay đã đưa vào chế biến tinh dầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
|
Và kia nữa, hàng trăm ha quế mới được quy hoạch, trồng mới tạo vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, đó là tiền đề để các xã vùng thượng huyện Văn Chấn vươn lên làm giàu!
Văn Chấn không phải là "thủ phủ" của cây quế nhưng quế đã được trồng khá nhiều, nhất là ở các xã vùng thượng huyện với diện tích gần 4 ngàn ha do nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, cây quế sinh trưởng phát triển tốt và cho hàm lượng tinh dầu cao không kém gì quế Văn Yên.
Tuy nhiên, những năm trước đây do công nghệ chế biến lạc hậu cùng với diện tích còn khiêm tốn dẫn tới sản phẩm chính từ cây quế chủ yếu khai thác vỏ khô, quế bào cung cấp cho thị trường, còn thân, cành và lá quế thì vứt bỏ. Trước thực trạng đó từ năm 2010, huyện Văn Chấn đã liên kết, phối hợp với Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến tinh dầu quế tại xã Sơn Lương với công suất 60 tấn tinh dầu/năm. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nhà máy Chế biến tinh dầu quế đã được gấp rút đầu tư thi công và đi vào hoạt động.
Giai đoạn đầu đi vào chiết xuất tinh dầu với nguyên liệu đầu vào gồm: vỏ quế thanh, cành và lá; giai đoạn tiếp theo sẽ lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ quế. Nhà máy đi vào hoạt động đã thu hút và tạo việc làm cho trên 100 lao động là người dân quanh vùng với mức lương bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng và cũng là lúc bà con nhân dân các xã vùng quế có nguồn thu từ việc bán cành và lá quế cho Nhà máy. Giá thu mua của Nhà máy vào thời điểm hiện tại từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg cành lá khô tuỳ từng vùng. Tuy mới bắt đầu đi vào sản xuất nhưng Nhà máy đã thu mua được hàng ngàn tấn cành và lá quế để đưa vào chế biến.
Anh Triệu Tài Phúc, thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành đang chở cành và lá quế đi bán phấn khởi nói: "Do không có phương tiện vận chuyển cùng với đường sá đi lại khó khăn nên chúng tôi phải chở cành, lá quế bằng xe máy để bán cho Nhà máy. Bình quân mỗi ngày chở được 3 chuyến, mỗi chuyến 40 kg lá bán với giá 2.000 đồng/kg cũng thu được 240 ngàn đồng. Nhà trồng được 1,5 ha quế, để cây sinh trưởng và phát triển tốt mỗi năm phải tổ chức tỉa thưa cành và lá từ 4-5 đợt. Trước đây chưa có Nhà máy, toàn bộ cành lá sau khi tỉa thưa đều gom lại và đốt bỏ đi, giờ có Nhà máy thu mua tuy giá chưa cao nhưng nếu chịu khó nhặt nhạnh thì cũng đủ tiền mua mớ rau, con cá cải thiện cuộc sống gia đình và có tiền đầu tư phân bón cho sản xuất nông nghiệp".
Quả thực, số tiền thu gom cành lá quế đối với một hộ gia đình là không lớn nhưng với diện tích trên 4 ngàn ha quế và toàn bộ số cành và lá quế thu gom qua tỉa thưa được bán hết cho Nhà máy chẳng những đạt vài tỷ đồng mỗi năm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần làm sạch môi trường.
Để có đủ nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh dầu, huyện Văn Chấn và Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái phối hợp xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu quế giai đoạn 2011-2015 với diện tích mở rộng thêm 2.000 ha quế, đưa tổng diện tích quế toàn huyện lên trên 6.000 ha, tập trung ở 9 xã vùng thượng huyện và vùng cao. Mở rộng diện tích quế không chỉ đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho Nhà máy mà còn thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã vùng cao.
Tổng vốn đầu tư cho Đề án là trên 27 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái hỗ trợ 3.650 triệu đồng bằng việc hỗ trợ 100% giống, kỹ thuật cho các hộ trồng quế; hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong quá trình thu hoạch và khai thác với giá thị trường tại thời điểm thu mua. Ngay trong năm 2011, các xã nằm trong vùng dự án đã trồng được 400 ha (Suối Quyền 100 ha, Sùng Đô 55 ha, Suối Bu 16 ha, Nậm Mười 55 ha, An Lương 65 ha, Nậm Lành 63 ha...). Toàn bộ diện tích quế đã trồng đều là các giống quế mới có thời gian sinh trưởng ngắn, hàm lượng tinh dầu cao, bà con trồng đều đảm bảo đúng kỹ thuật cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2012 này, Văn Chấn sẽ trồng 650 ha, đến nay đã gieo ươm được 1. 625 triệu bầu và phấn đấu trồng xong trong tháng 9. Anh Đặng Phúc Chu - thôn Bó Siu, xã Nậm Mười đang trồng quế do Nhà máy cung cấp giống, hồ hởi cho biết: "Toàn xã có hơn trăm ha quế, trước đây cứ phải 8-10 năm quế mới cho khai thác vỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Nay có Nhà máy thu mua cành, lá quế thì năm nào các hộ trồng quế cũng có nguồn thu. Hơn nữa là được huyện, Nhà máy giao đất, cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa thưa và thu hoạch chúng tôi phấn khởi lắm. Trong năm 2011, gia đình đã trồng được 0,5 ha và năm nay lại đăng ký trồng 1 ha nữa đưa tổng diện tích quế của gia đình lên 4 ha".
Rõ ràng dự án Nhà máy Chế biến tinh dầu quế mới đi vào hoạt động nhưng đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt ở các xã vùng cao Văn Chấn. Đó là thành quả của mối liên kết "4 nhà".
Ngọc Trúc
Các tin khác
Tòa tháp The One cao 240 mét lấy biểu tượng đôi rồng vươn lên bầu trời TP HCM sẽ khởi công xây dựng tại khu tứ giác vàng ở trung tâm thành phố, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
Trước việc dư luận cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng trong bối cảnh giá thế giới giảm, chiều 26-4, Bộ Tài chính đã phát đi thông tin lý giải về việc này.
YBĐT - Hiện tại, mọi hoạt động sản xuất ở Nhà máy xi măng của Công ty cổ phần xi măng Yên Bình tiếp tục diễn ra bình thường. Nhưng trước đó, trong quý I năm 2012, nhà máy đã từng phải dừng hoạt động trong gần một tháng bởi khó khăn vốn đã kéo dài từ năm 2011. >>Thắt chặt tài khóa, giảm đầu tư công: Doanh nghiệp Yên Bái gặp khó
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 3.000 hầm biogas được xây dựng và đưa vào sử dụng.