Phát triển khu bảo tồn loài và sinh cảnh
- Cập nhật: Thứ năm, 10/5/2012 | 9:14:03 AM
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 513/2006 thành lập Khu bảo tồn và Ban quản lý Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải với mục đích cùng với các khu bảo tồn và vườn quốc gia trong cả nước tham gia bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quí hiếm và đặc hữu.
Cán bộ kiểm lâm vùng cao trên đường tuần tra. (Ảnh: Hùng Cường)
|
Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích 20.291 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích là 15.128 ha, khu phục hồi sinh thái là 5.164 ha, diện tích này thuộc đất lâm nghiệp phòng hộ của các xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) và vùng đệm 94.325 ha.
Trong khu bảo tồn có những khu vực rừng gần như còn nguyên sinh, ít bị tác động bởi bàn tay con người, là nơi sinh sống của trên 42 loài động vật quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có 28 loài ở mức độ đe dọa toàn cầu, đặc biệt có 4 loài là: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen tuyền, voọc xám đang có nguy cơ bị đe dọa. Đối với loài vượn đen tuyền, theo các nhà động vật học, tại khu bảo tồn Mù Cang Chải và một số vùng đệm vào thời điểm tháng 4 năm 2010 có khoảng 27 đàn, bầy và ít nhất có khoảng 80 cá thể.
Nhận rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động thực vật quí hiếm tại khu vực này, UBND tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 513/2006 thành lập Khu bảo tồn và Ban quản lý Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải với mục đích cùng với các khu bảo tồn và vườn quốc gia trong cả nước tham gia bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quí hiếm và đặc hữu.
Với những cố gắng quyết tâm của lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt và sự phối hợp của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt nam (VCF), tổ chức Bảo vệ động vật (FFI Việt Nam) và tổ chức Con người và Thiên nhiên (Fannatare) đã đem lại hiệu quả khả quan.
Vừa qua, sau khi có chuyến thăm và khảo sát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh ở Chế Tạo, Mù Cang Chải, ông John Parr - Giám đốc FFI Việt Nam đã đánh giá cao cộng đồng tham gia quản lý bảo tồn nơi đây. Theo ông, đây là mô hình rất hay có thể nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, giảm các mối xung đột do cộng đồng tác động lên thiên nhiên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở đây chưa thực sự bền vững vì người dân sống trong khu bảo tồn hiện nay 100% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất còn lạc hậu, nhiều nơi còn thường xuyên thả rông gia súc, sản xuất nương rẫy du canh, quảng canh còn khá phổ biến, chưa đầu tư phát triển nông nghiệp, việc khai thác gỗ chưa đúng theo đúng qui định của Nhà nước và sử dụng đất chưa tiết kiệm còn nhiều lãng phí...
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng phá rừng, cháy rừng làm suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên rừng. Do đời sống khó khăn một số người dân địa phương nơi có rừng hoặc gần rừng đã tận thu, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép cho các đầu nậu, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng giáp ranh với tỉnh Sơn La, Lai Châu...
Hai đối tượng vận chuyển voọc xám này đã bị bắt ngày 14/3/2012 tại thị xã Nghĩa Lộ.
Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Chế Tạo, Mù Cang Chải thực sự bền vững đòi hỏi các ngành chức năng cần thường thường xuyên tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, chính quyền các cấp cần có chính sách mở mang điện - đường - trường - trạm, xây dựng các làng bản mới, tập trung đầu tư xây dựng một số khu chăn nuôi gia súc tập trung, nghiên cứu vấn đề thủy lợi để khai hoang làm lúa nước.
Bên cạnh đó, phát triển tiểu thu công nghiệp (mây đan, dệt quần áo thổ cẩm...), quảng bá dịch vụ du lịch sinh thái, đầu tư phát triển mạnh về trồng rừng và bảo vệ rừng để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân phương… có như vậy mới giảm thiểu được mức thấp nhất áp lực đối với tài nguyên rừng, đồng thời thực hiện nghiêm chính sách dân số để việc tăng trưởng dân số luôn ổn định, nhằm giảm sức ép của tăng trưởng dân số đối với đời sống - việc làm, dẫn đến gây áp lực đối với tài nguyên động - thực vật rừng.
Đặc biệt, các cấp, các ngành cần phối hợp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên cả ba khâu nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản dưới luật để các cấp, các ngành và mọi người trong khu vực hiểu được những điều cơ bản nhất pháp luật về rừng và lợi ích của rừng đối với cuộc sống con người, để mọi thành viên trong cộng đồng có trách nhiệm và nghĩa vụ cùng với chính quyền thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Chính quyền địa phương các cấp nhất là cấp xã cần nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm trước cấp trên về quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Mù Cang Chải cần tiến hành qui hoạch lại vùng sản xuất nương rẫy hướng dẫn nhân dân làm nương cố định thâm canh và kết hợp sản xuất nông lâm kết hợp.
Đối với những diện tích khoanh nuôi những năm trước đây không thành rừng hoặc những diện tích trồng rừng phòng hộ kém hiệu quả của các lâm trường cần xem xét tiến hành giao ổn định lâu dài cho nhân dân... Có như vậy mới xây dựng, quản lý tốt được vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ loài đặc hữu tại các khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh đã xây dựng.
Quang Thiều
Các tin khác
Bắt đầu từ 22 giờ tối 9/5, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm kết hợp với khôi phục một phần thuế. Đây là quyết định được Bộ Tài chính đưa ra vào tối cùng ngày sau khi giá xăng dầu trên thế giới đã giảm.
YBĐT - Đó là yêu cầu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2012 tổ chức chiều 9/5.
YBĐT - Ngày 9/5, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tiếp tục triển khai nhiệm vụ bàn giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh chè năm 2012. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Nằm ở khu vực Đông Nam của huyện Lục Yên(Yên Bái), Phan Thanh là địa bàn sinh sống của 2.331 khẩu thuộc dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh...