Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2012 | 8:46:04 AM
YBĐT - Nói đến sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải hiện giờ là người ta nhớ đến hai thứ cây lương thực trọng điểm đang được địa phương chỉ đạo, vận động thực hiện quyết liệt, làm thay đổi căn bản cơ cấu cây trồng của huyện.
Mùa vàng Mù Cang Chải.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
|
Từ một huyện hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực thì đến nay, Mù Cang Chải đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực và có không ít xã, không ít hộ gia đình bắt đầu sản xuất lúa, ngô theo hướng hàng hoá thị trường. Những thành công đó có sự nỗ lực chỉ đạo hiệu quả từ huyện đến xã trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng cố gắng không mệt mỏi của nhân dân các dân tộc nơi đây.
Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng Mù Cang Chải lại có nhiều tiềm năng về đất đai, lao động. Tuy nhiên, do hạ tầng nông thôn vừa thiếu vừa không đồng bộ, người dân chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng đạt thấp, hàng năm địa phương thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực. Bảo đảm an ninh lương thực, tiến tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá thị trường luôn là đòi hỏi cấp bách đối với mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây.
Đích thân đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cùng các đoàn công tác, cán bộ, kỹ sư nông nghiệp và các phòng, ban của huyện đã rất nhiều lần đến từng xã, thôn, bản để nghiên cứu, khảo sát, tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn tới năng suất, chất lượng cây trồng thấp, đặc biệt đối với cây lúa là do nông dân chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giống chủ yếu là giống địa phương, mức đầu tư thâm canh gần như không có.
Bên cạnh đó, nhân dân vẫn không sản xuất vụ xuân vì cho rằng rét, thiếu nước... Nắm rõ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, xóa ruộng một vụ ở những nơi có điều kiện sản xuất và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất. Với những hướng đi và cách làm ấy, cán bộ, đảng viên về các xã vận động và cùng ăn, cùng làm với dân, nơi nào không biết thì cán bộ “cầm tay chỉ việc”. Cứ như vậy, diện tích lúa lai đã dần thay thế lúa thuần, những thửa ruộng lúa xuân đầu tiên cũng bén rễ lên xanh, cho mùa vàng bội thu.
Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải vui mừng nói: "Sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải một hai năm trở lại đây đã có những bước chuyển đáng khích lệ. Từ một huyện hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực thì đến nay đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Vui hơn cả là bà con đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: làm mạ che ni-lông, đưa giống lúa lai vào gieo cấy đạt 70% diện tích, mức đầu tư thâm canh cũng khá hơn. Đặc biệt, đồng bào Mông đã biết cấy lúa hai vụ, trồng lạc, đậu tương... bước đầu tạo được một khối lượng hàng hoá''.
Quả là khó có thể tin nổi chỉ cách đây vài năm về trước, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, các tổ chức đoàn thể phải tới từng bản người Mông vận động nhân dân gieo cấy lúa xuân, thậm chí Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón rồi "cầm tay chỉ việc" nhưng đồng bào vẫn không chịu làm. Cái lý của người Mông là bao đời nay không gieo cấy lúa xuân mà đã gieo cấy cũng chắc gì đã cho thu hoạch. Thế nên hơn ngàn héc-ta ruộng chỉ gieo cấy vụ mùa còn cả vụ xuân bỏ không. Mù Cang Chải đã quyết tâm, kiên trì vận động, xây dựng mô hình trình diễn để dân thấy, dân tin, dân làm theo.
Điểm đột phá trong xóa ruộng một vụ bắt đầu từ cánh đồng Tàng Ghênh, từ những héc-ta lúa xuân đầu tiên rồi đến hàng chục héc-ta đã được gieo cấy và thu hoạch cho năng suất cao. Vụ xuân 2006 - 2007, diện tích gieo cấy đã tăng lên gần 600ha và vụ xuân 2011 - 2012 này, nông dân của huyện đã gieo cấy 1.050ha - một con số thật bất ngờ và đáng khâm phục! Không chỉ gieo cấy lúa xuân, nông dân đã đưa giống lúa lai vào trồng đạt 100% diện tích cùng mức đầu tư thâm canh khá nên năng suất lúa đạt 43,5 tạ/ha, sản lượng thóc dự kiến đạt 4.445 tấn.
Nông dân xã Nậm Có gieo cấy lúa mùa.
Nói về xóa ruộng một vụ, ông Nguyễn Thành Nho - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: "Việc gieo cấy lúa xuân mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ, do đó nhân dân các xã tích cực tham gia. Nếu như những năm trước đây còn phải đi vận động từng hộ mà họ vẫn chưa làm thì nay nhà nào có ruộng, có nước là gieo cấy hết. Nhờ sản xuất vụ xuân nên đời sống nhân dân cũng khấm khá hơn nhiều, hộ đói, hộ nghèo đã giảm rõ rệt".
Từ phố huyện về xã Dế Xu Phình, Nậm Khắt, La Pán Tẩn... khắp nơi là những thửa ruộng lúa xuân đang thì con gái lên xanh tốt; những thửa ruộng thiếu nước được đồng bào Mông khẩn trương cày, bừa, gieo mạ chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Người Mông Mù Cang Chải nay đã có tư duy mới trong sản xuất, không còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước như trước.
Bên cạnh đó, năm 2011, toàn huyện đưa vào gieo trồng trên 2.300ha ngô, 72ha lạc, 190ha đậu tương. Có lạc, đỗ tương, ngô làm hàng hoá cung cấp cho thị trường, chuyện nghe như không tưởng ở nơi vùng cao khó khăn này. Đặc biệt, năm 2012, huyện thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích sản xuất lúa nương sang trồng ngô được 440ha và phấn đấu đến năm 2015 xóa bỏ hoàn toàn việc sản xuất lúa nương mộ.
Bằng những việc làm, hướng đi cụ thể cùng nỗ lực của nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tổng sản lượng lương thực của địa phương đã đạt trên 21.778 tấn, bình quân lương thực đạt trên 400kg/người/năm. Những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp của Mù Cang Chải rất đáng trân trọng và ghi nhận!
Thanh Phúc
Các tin khác
Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7/2012, các tổ kiểm tra của Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 6 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch.
Ngày 24/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có công văn gửi UBND 14 tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch tai xanh trên lợn.
YBĐT - Sáng 24/5, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị thẩm định báo cáo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Yên Bái thời kỳ 2011-2020.
YBĐT - Năm 2012 Chi cục Thuế Trấn Yên (Yên Bái) được giao thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn là 42,3 tỷ đồng, trong đó các khoản thu từ đất là 2,35 tỷ đồng.