Lãi suất 15%: Vẫn xa vời với doanh nghiệp Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2012 | 9:25:08 AM

YBĐT - Đã qua hơn 20 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố (8/5) hạ lãi suất cho vay ưu tiên trong 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất 15%/năm, thế nhưng dường như vẫn xa vời với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất 15%/năm.
Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất 15%/năm.

Từ trước đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn đánh giá cao các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đối tượng này rất nhạy cảm, linh hoạt với biến động của thị trường nên luôn chiếm tỷ trọng cao trong doanh số cho vay.

Thế nhưng từ năm 2011 cho đến nay, nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng hạn chế cho vay để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát khiến đối tượng doanh nghiệp này khó tiếp cận nguồn vốn.

Không có vốn, nhiều doanh nghiệp không chống đỡ được tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế nên buộc phải thu hẹp sản xuất, không ít đã phá sản, giải thể hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng.

Để giúp các doanh nghiệp, ngày 8/5/2012, Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất cho vay trong 4 lĩnh vực ưu tiên nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Ông Hoàng Quốc - giám đốc một công ty xây dựng tổng hợp nói: Hiện công ty đang gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng muốn vay được vốn với lãi suất 15% này không dễ. Công ty hiện đang có dư nợ các ngân hàng thương mại trên địa bàn trên 4 tỷ đồng với mức lãi suất 18,5%/năm. Để giữ doanh nghiệp vượt qua sóng gió này, chúng tôi đang phải huy động nguồn vốn của cán bộ, công nhân trong đơn vị nhưng xem ra cũng rất khó khăn.

"Khi thấy ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay, không riêng gì công ty chúng tôi mà hầu hết các công ty đều rất mừng thế nhưng thực tế thì lại khác. Điều kiện của ngân hàng đưa ra như đánh đố: doanh nghiệp muốn vay mới thì phải hoàn tất nợ cũ. Đang khó khăn như vậy, khách hàng còn đang nợ rất nhiều thật khó để trả nợ cũ, mà trả nợ rồi liệu ngân hàng có tiếp tục cho vay mới?” - ông Quốc nói.

Nỗi lo của ông Quốc cũng là mối lo của khá nhiều doanh nghiệp. Rõ ràng doanh nghiệp đang khó khăn nên không trả được nợ, và đã không trả được thì trở thành nợ xấu, khi đã là nợ xấu không ngân hàng nào cho vay nữa là đương nhiên.

Bà Phạm Thị Hoà - Trưởng phòng Kế hoạch Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Yên Bái cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc hạ lãi suất cho vay, Chi nhánh Agribank Yên Bái đã triển khai cho vay trong toàn hệ thống của ngành. Agribank Yên Bái không thiếu vốn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp. Hiện ngân hàng cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp đến quan hệ vay vốn, tuy nhiên Agribank chỉ cho vay với điều kiện doanh nghiệp phải thanh toán nợ cũ và phải có phương án kinh doanh hiệu quả, báo cáo tài chính minh bạch, lành mạnh, chỉ số tài chính của doanh nghiệp phải xếp loại A...”.

Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng ngặt một nỗi có khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lại hạn chế về nhân lực quản lý, chưa minh bạch tài chính và đều đang có dư nợ tại ngân hàng, tài sản thế chấp không có... cơ bản là “ốm yếu” nên rõ ràng không đáp ứng yêu cầu này! Ngân hàng hoạt động, kinh doanh là vì lợi ích bản thân, do đó có nhiều vốn, thậm chí thừa vốn thì cũng không thể “thả gà ra để đuổi”!

Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn đang vào mùa thu mua, chế biến nên cũng rất cần vốn nhưng lại không nằm trong tốp 4 nhóm ưu tiên. Chè là một mặt hàng xuất khẩu nhưng hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất tiêu thụ thông qua khâu trung gian chứ không mấy doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp nên cũng không tiếp cận được nguồn vốn này. Còn vay với lãi suất thương mại cao như hiện nay thì doanh nghiệp không chịu nổi.

Có nhiều ý kiến cho rằng phải có quỹ hỗ trợ bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp, như vậy, ngân hàng mới sẵn sàng cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp có vốn mới tiếp tục sản xuất, kinh doanh, vực dậy để phát triển.

Thanh Phúc

Các tin khác
Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/hécta/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.

Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ có khoảng 4.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hằng năm để giúp nông dân trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012.

Ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức cấp phát tờ khai và hướng dẫn kê khai đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

YBĐT - Ban chỉ đạo triển khai Luật thành phố Yên Bái đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện, nhằm quản lý tốt đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, chống thất thu thuế SDĐPNN, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO góp phần cải cách thủ tục hành chính.

YBĐT - Với những kết quả đạt được trong quản lý ngân sách, KBNN Yên Bái đã góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, giải pháp của Chính phủ cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Giá vàng hiện ở mức thấp nhưng giao dịch vẫn trầm lắng.

Sáng nay 29.5, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh và giao dịch ở mức 41,52 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục