Địa chỉ tin cậy của nhà nông miền Tây
- Cập nhật: Thứ ba, 31/7/2012 | 2:55:14 PM
YBĐT - Với phương châm: “Sản xuất các loại con giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”, những năm qua, đội ngũ kỹ sư của Trại giống Thuỷ sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) không ngừng tìm tòi nghiên cứu lai tạo các loại giống phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân”.
Cán bộ Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ kiểm tra chất lượng cá giống bố mẹ.
|
Với nhiệm vụ ương nuôi và cho sinh sản những giống cá từ thuần chủng đến quý hiếm phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản cho nhân dân các huyện thị phía Tây của tỉnh, những năm qua, Trại giống Thuỷ sản Nghĩa Lộ luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, chuyển giao kiến thức KHKT, bảo tồn và sản xuất các loại cá quý hiếm, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu nghề cá trong nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Mão - Trại trưởng Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ cho biết: “Trại được thành lập từ năm 1966 với nhiệm vụ ương nuôi các loại cá truyền thống phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản cho nhân dân các huyện, thị phía Tây của tỉnh Yên Bái. Trải qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ bao cấp rồi hạch toán độc lập đội ngũ cán bộ, công nhân của trại luôn nỗ lực vì sự nghiệp phát triển nghề cá.
Với phương châm: “Sản xuất các loại con giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”, những năm qua, đội ngũ kỹ sư của Trại không ngừng tìm tòi nghiên cứu lai tạo các loại giống phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân”. Đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của đơn vị là năm 2003, với Đề tài nuôi ba ba gai sinh sản đã được đơn vị nghiên cứu thành công.
Tiếp đó, năm 2005 là Đề tài nuôi cá anh vũ sinh sản; năm 2006 là Đề tài sản xuất giống cá chép lai; cá rô phi đơn tính, rô đơn tính lưu qua vụ đông năm 2007 và mô hình cá ruộng năm 2008. Năm 2009 là đề tài nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp và ốc năm 2010, năm 2011. Mỗi năm đơn vị đều có 1 - 2 đề tài nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao trong hoạt động của nghề cá.
Thành công của những đề tài này đã góp phần không nhỏ trong việc sản xuất các loại con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân. Bình quân, mỗi năm đơn vị sản xuất 30 - 50 triệu con cá bột, 10 - 15 triệu con cá hương, 3 - 5 triệu con cá giống, bổ sung 7 - 8 tấn cá giống vào hồ Thác Bà.
Để khuyến khích phong trào nuôi cá trong nhân dân phát triển, đơn vị đã thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước về trợ giá, trợ cước, chuyển giao tiến bộ KHKT về nuôi trồng thuỷ sản cho nhân dân. Mỗi năm, đơn vị trợ cước vận chuyển cho 35 xã thuộc 4 huyện thị phía Tây với số tiền trên 100 triệu đồng, trợ giá giống mới 2 vạn con, trợ giá thuốc phòng bệnh 25 kg, tập huấn khuyến ngư 10 - 14 lớp, trình diễn 2 - 4 mô hình khuyến ngư. Phối hợp với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ hỗ trợ bằng cá giống để xây dựng mô hình nuôi cá vụ đông, cá chép lai V1; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nuôi trồng thuỷ sản cho 60 - 70 học viên.
Riêng trong năm 2011, đơn vị đã mở 4 lớp chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản cho 200 học viên của 4 huyện, thị phía Tây. Phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nuôi trồng thuỷ sản cho 120 học viên, trợ giá, trợ cước trên 82 triệu đồng cho nhân dân và cung cấp 1,8 triệu cá giống, trên 6 triệu cá hương cho 4 huyện thị phía Tây của tỉnh.
Nhân rộng, phát triển mạnh mô hình cá lúa thâm canh trên diện tích 180 ha ở cánh đồng Mường Lò, các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) và các xã: Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn Lương, Tú Lệ (huyện Văn Chấn). Duy trì hiệu quả mô hình cá rô phi vụ đông tại khu vực thôn Cò Cọi xã Sơn A, huyện Văn Chấn.
Ông Vì Văn Sang, xã Nghĩa Sơn, một trong những khách hàng thường xuyên đến mua con giống của Trại cho biết: “Bình quân mỗi năm gia đình tôi đến đây từ 2 đến 3 lần mua con giống về nuôi bởi chất lượng con giống ở đây rất đảm bảo, nuôi mau lớn không bị bệnh tật hơn nữa giá cả lại phải chăng. Trước đây vì ham rẻ, gia đình thường mua cá giống của những thương lái trôi nổi nhưng khi nuôi tỷ lệ sống không cao. Gần 10 năm nay, tôi đã trở thành khách hàng quen thuộc của trại”.
Còn với gia đình anh Hà Văn Hùng, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn đã gần 20 năm theo nghề nuôi cá thì cũng là ngần ấy năm gia đình anh chọn Trại là địa chỉ tin cậy để mua con giống bởi theo anh thì ngoài việc chất lượng con giống tốt, giá cả phải chăng thì mỗi khi đến lấy giống anh còn được cán bộ, kỹ sư trại tư vấn cách thức nuôi xen các loại trong cùng ao nuôi sao cho hiệu quả và phòng bệnh tốt nhất.
Từ những hoạt động đó, trong những năm qua, nhân dân trong vùng tìm đến với đơn vị ngày càng nhiều và phong trào nuôi trồng thuỷ sản trong nhân dân phát triển ngày càng mạnh. Tập quán nuôi cá quảng canh, tự phát đã chuyển sang nuôi thâm canh. Phong trào nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển rộng khắp trong các huyện, thị phía Tây góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Tuy nhiên, điều Nguyễn Tiến Mão - Trại trưởng Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ, trăn trở lớn nhất hiện nay của trại là kinh phí để nghiên cứu và nuôi trồng một số loại cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao rất hạn hẹp, cơ sở vật chất đầu tư không đồng bộ, mặc dù Trại được công nhận là trại giống cấp I, song theo đúng tiêu chí thì Trại còn thiếu thốn khá nhiều từ trang thiết bị, máy móc đến trình độ con người.
P.V
Các tin khác
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính chỉnh sửa trình Chính phủ theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế.
Ngày 30-7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức cuộc họp các bên liên quan lần thứ hai về việc nghiên cứu các phương án phát triển đường sắt tuyến Bắc - Nam.
YBĐT - Điều chỉnh lãi suất đúng vào dịp Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp ra sức phấn đấu vươn lên, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2012.
YBĐT - Nhờ có chương trình 135 mà đường vào xã Mỏ Vàng (Văn Yên) hôm nay đã dễ đi hơn nhưng mùa mưa bão thì thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt có khi bị cô lập hoàn toàn.