Chế Cu Nha có giải pháp giữ rừng mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/8/2012 | 2:52:09 PM

YBĐT - Cách giữ rừng của xã Chế Cu Nha không phải là phấn đấu lập thành tích để nhận giấy khen hay bằng khen mà bà con giữ rừng bằng tình yêu sâu sắc đối với rừng và trân trọng những giá trị mà rừng đã đem lại cho cuộc sống của con người.

Ông Giàng A Của - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCCCR xã Chế Cu Nha giới thiệu các điểm có chòi trông coi rừng trên địa bàn xã trên sơ đồ trực cháy.
Ông Giàng A Của - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCCCR xã Chế Cu Nha giới thiệu các điểm có chòi trông coi rừng trên địa bàn xã trên sơ đồ trực cháy.

Chúng tôi đến bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải khi mặt trời chưa lên khỏi ngọn núi, hạt sương còn nặng trĩu trên cây. Vợ của Giàng Pàng Xềnh đã dậy đun nấu, gói cơm chuẩn bị hành trang cho chồng lên núi làm nhiệm vụ trông coi rừng như mọi người trong thôn vẫn thường làm.

Giàng Pàng Xềnh cho hay: "Việc lên núi bảo vệ rừng đã trở thành việc làm quen thuộc đối với người dân ở bản này rồi. Từ năm 2007 trở về đây, cho dù vào mùa mưa hay mùa khô hanh, mỗi ngày bản đều phân công 2 người đi canh gác rừng, nếu phát hiện xảy ra cháy rừng thì 2 người này có trách nhiệm thông báo ngay cho Ban chỉ huy phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR)".

Xã Chế Cu Nha có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.320 ha, trong đó 2.460 ha là đất lâm nghiệp gồm trên 1.799 ha rừng tự nhiên, 660 ha rừng trồng, 282 ha rừng ở độ tuổi chăm sóc và 1.577 ha diện tích còn lại là rừng kinh tế, rừng tái sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm… Chế Cu Nha nằm tiếp giáp với nhiều địa phương như: Kim Nọi, La Pán Tẩn, Nậm Có của huyện Mù Cang Chải, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Địa bàn còn có quốc lộ 32 đi qua cho nên việc tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. Từ những năm 2007 - 2008 trở về trước, rừng trên địa bàn thường xuyên bị chặt phá và đốt cháy.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chính quyền xã xác định muốn giữ được rừng thì phải có những phương pháp bảo rừng một cách hữu hiệu, xã đưa vấn đề giữ rừng ra thảo luận trong các cuộc họp và thống nhất biện pháp giữ rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Của - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCCCR xã Chế Cu Nha cho biết: "Để đảm bảo giữ được rừng, Đảng ủy - chính quyền xã đã củng cố Ban chỉ huy PCCCR và phân công phân nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy để chỉ đạo người dân trong xã tham gia bảo vệ rừng tại những điểm xung yếu nhất".

Ngoài 22 thành viên trong Ban chỉ huy PCCCR, Đảng ủy, chính quyền xã còn xây dựng lực lượng toàn dân cùng trông coi, bảo vệ rừng. Tổ chức họp bản tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, về các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và của huyện trong công tác PCCCR và nguồn lợi ích từ rừng đem lại, vận động mọi người dân tham gia ký cam kết cùng chung sức bảo vệ rừng. Ban chỉ huy PCCCR xã còn phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn xã tổ chức nhiều đợt phổ biến cho học sinh về công tác PCCCR vào các buổi sinh hoạt tuần đầu hàng tháng.

Từ việc tuyên truyền, phân tích đó người dân đã hiểu và tất cả 2.887 nhân khẩu thuộc 423 hộ gia đình sống định cư tại 6 bản đều nhất trí về việc phân công thay phiên nhau đi canh gác trông coi bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn. Các bản đã xây dựng 6 chòi canh gác rừng tại các điểm: Pàng Dâu Cù, Nả Pò, Đề Chờ, Pàng Dề Chú, Tồng Phử Chế Nhù và điểm giáp ranh với xã La Pán Tẩn - đây là những nơi có độ cao để quan sát diện rộng.

Việc gác trực được các bản phân công 2 hộ trực gác trong vòng 1 ngày đêm, rồi sau đó lại thay cho 2 hộ khác đến trực thay thế, và cứ lần lượt các hộ gia đình trong bản luôn thay phiên nhau canh gác rừng theo danh sách vòng tròn.

Vào đầu mùa khô, xã vận động nhân dân tích cực tạo đường băng cản lửa và thường xuyên tu sửa các tuyến đường băng cản lửa này để ngăn lửa khi có cháy rừng xảy ra và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài việc canh gác, xã còn phân công công tác ứng cứu ban đầu cho từng khu vực, nếu xảy ra cháy rừng ở khu vực Háng Tầu Dê thì trách nhiệm huy động lực lượng ứng cứu là các bản: Dề Thàng, Thào Chua Chải cùng với dân quân tự vệ của xã. Nếu cháy ở khu vực Chế Cu Nha thì trách nhiệm thuộc về các bản Trống Tông, Háng Tầu Dê, còn cháy tại khu vực Háng Chua Xay thì người dân bản Chế Cu Nha, Trống Tông và dân quân tự vệ phải có mặt cứu rừng…

Phương pháp bảo vệ rừng này đã giúp xã Chế Cu Nha hạn chế được tối đa các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, Đảng ủy - chính quyền xã còn chỉ đạo các bản làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất, tích cực ngăn chặn tình trạng khai thác, chặt phá rừng bừa bãi.

Bằng sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vài năm trở lại đây diện tích rừng  ở Chế Cu Nha ngày càng phát triển xanh tốt, phủ kín diện tích đồi núi trọc trên địa bàn xã. ông Giàng Nhà Lồng ở bản Háng Tầu Dê tâm sự: “Trước đây tôi không nghĩ là rừng mang lại nhiều lợi ích đến thế. Khi xã chỉ đạo làm tốt công tác giữ rừng trên địa bàn tôi đã từng phản đối, giờ đã thấy được rừng cho gia đình tôi nhiều thứ nên tôi luôn vận động con cháu cùng tham gia bảo vệ rừng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Xã Chế Cu Nha đã mạnh dạn xây dựng phương pháp bảo vệ rừng rất hiệu quả. Đây là mô hình mới, hiệu quả giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lấy mô hình này làm mẫu để tuyên truyền cho các xã trên địa bàn huyện học tập và làm theo để giữ rừng tốt hơn".

Cách giữ rừng của xã Chế Cu Nha không phải là phấn đấu lập thành tích để nhận giấy khen hay bằng khen mà bà con giữ rừng bằng tình yêu sâu sắc đối với rừng và trân trọng những giá trị mà rừng đã đem lại cho cuộc sống của con người.

Vàng Mai

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo xã Tân Hợp kiểm tra diện tích trồng thanh hao hoa vàng.

YBĐT - Có diện tích rộng trên 6.200 ha, trong đó có 5.800 ha rừng, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xác định mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi nhằm tạo sự chuyển biến, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2012.

Gia đình anh Hoàng Văn Tú nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học.

YBĐT - Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Những nguyên tắc đơn giản của phương pháp chăn nuôi ATSH có thể áp dụng đa dạng với quy mô từ nhỏ đến lớn.

YBĐT - Ngay từ đầu năm huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chỉ đạo ngành nông lâm nghiệp, kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị đất, cây giống cho kế hoạch trồng 500 ha rừng kinh tế vụ thu năm 2012.

YBĐT - 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh Yên Bái thu tiền sử dụng đất đạt 27,2 tỷ đồng bằng 13,6% so với dự toán. Trong đó, khối huyện thị thu đạt 26,4 tỷ đồng, bằng 63% so với dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục