Yên Bái giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ sản xuất
- Cập nhật: Thứ ba, 7/8/2012 | 9:39:30 AM
YBĐT - Triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành ngân hàng Yên Bái đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng tín dụng từ 13-15%.
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Hồng Duyên)
|
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức... các ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về hoạt động tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ dân tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đến hết tháng 6, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đạt 7.214 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 967 tỷ đồng, tăng 26,25% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 64,46% so với tổng nguồn vốn.
Tổng doanh số cho vay đạt 3.047 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 6.936 tỷ đồng, tăng 328 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 4,95% so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ cao hơn bình quân chung cả nước (tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm trên phạm vi toàn quốc 0,76%); trong đó, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng 3,15%, dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng 4,70%, dư nợ cho vay của các QTDND tăng 17,65%.
Cơ cấu dư nợ tín dụng ngành nông, lâm nghiệp tăng 6,16% so với đầu năm; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 5,09%; thương mại dịch vụ tăng 3,3%. Tín dụng đối với các loại hình doanh nghiệp tăng 7,78%, kinh tế hộ gia đình, cá nhân tăng 3,03%.
Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 4.329 tỷ đồng tăng 5,56% so với thực hiện năm 2011, chiếm tỷ trọng 61,41% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo nội dung Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Yên Bái đã và đang tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn vốn với các hình thức đa dạng, áp dụng linh hoạt các mức lãi suất kinh doanh phù hợp mặt bằng lãi suất chung trên địa bàn, đảm bảo khả năng huy động vốn.
Tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn có kỳ hạn, đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn vốn tại địa phương, nguồn vốn từ dân cư; đồng thời khai thác tốt nguồn vốn ngoài địa phương và tranh thủ tối đa nguồn vốn điều hoà hệ thống, đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn và đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tăng cường các giải pháp về hoạt động tín dụng; chủ động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cần thiết của dự án, phương án sản suất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Tập trung vốn tín dụng cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải ngân các dự án đã cam kết, mở rộng đối tượng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích phù hợp với nội dung Văn bản số 2056/NHNN-CSTT ngày 10/4/2012 của Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 13%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi phí… các chi nhánh ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Tích cực, chủ động trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn mới, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Chủ động phân tích, đánh giá thực trạng khách hàng vay (các khoản nợ vay cũ) để có giải pháp tháo gỡ cụ thể đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm đối với các khoản dư nợ cho vay (theo các hợp đồng tín dụng cũ có mức lãi suất cao hơn 15%/năm) và thực hiện miễn, giảm lãi suất đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định để chia sẻ, giúp các doanh nghiệp và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
Thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vay vốn có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ xấu. Có các biện pháp tích cực, quyết liệt để xử lý, thu hồi nợ xấu, hạn chế tới mức thấp nhất nợ xấu phát sinh.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hoạt động tín dụng, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân cùng với việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2012 thiết thực góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo các mục tiêu của tỉnh đề ra.
Nguyễn Quang Đạt
Các tin khác
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2012 là 46.818 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 42.349.
Hãng xe Nhật tạo nên cuộc cách mạng trong thiết kế nội thất chiếc hatchback hạng nhỏ bằng cách vứt bỏ gần như toàn bộ giá trị cũ và có xu hướng hiện đại hóa như xe Hàn.
Trong buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ thương mại Hàn Quốc và Bộ Công thương.
YBĐT - Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung cơ cấu lại các nguồn vốn, hạ lãi suất theo quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất.