Yên Bái giúp doanh nghiệp vượt khó
- Cập nhật: Thứ hai, 6/8/2012 | 2:52:52 PM
YBĐT - Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung cơ cấu lại các nguồn vốn, hạ lãi suất theo quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất.
Cán bộ Chi cục thuế Văn Yên hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh làm thư mục khai thuế tại chi cục.
|
Có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP), góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo... nhưng chưa bao giờ doanh nghiệp ở Yên Bái lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay.
Điều này được minh chứng theo báo cáo của ngành Thuế, với 1.080 doanh nghiệp phải nộp báo cáo quyết toán thuế ( trừ 8 quỹ tín dụng), hiện nay có 95 doanh nghiệp trong giai đoạn chưa đầu tư, có 58 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, 257 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản cao, 177 doanh nghiệp báo động tình trạng nguy cơ phá sản. Còn lại 494 doanh nghiệp của Yên Bái có phát sinh doanh thu và đang còn hoạt động tương đối hiệu quả trong thời điểm này.
Nguyên nhân của tình trạng này là do khủng hoảng kinh tế, lạm phát đã đẩy chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao, hầu hết các loại nguyên liệu chính đầu tăng, nhất là nhiên liệu, năng lượng như: điện, xăng dầu, than, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển... trong khi giá bán đầu ra không tăng tương xứng, thị trường bị thu hẹp dẫn đến càng đầu tư càng lỗ.
Các chính sách và giải pháp của Nhà nước về kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng tích cực, song cũng ảnh hưởng mạnh đến sản xuất do lãi suất huy động và cho vay thời gian trước đều tăng cao, các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng cường thu nợ đã khiến nhiều doanh nghiệp không vay được vốn đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dẫn tới khó duy trì sản xuất ổn định, kéo dài tiến độ đầu tư các dự án, nhất là với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào vốn vay như hiện nay.
Ngoài ra, Yên Bái là tỉnh miền núi, vị trí địa lý không thuận lợi cho mời gọi thu hút đầu tư, xa các trung tâm kinh tế, các thị trường lớn của cả nước; kết cấu hạ tầng cơ sở vẫn còn hạn chế, các khu cụm công nghiệp mới hình thành, chậm được đầu tư hoàn thiện; nền kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp; các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, trồng trọt chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa; sản phẩm chủ yếu của tỉnh miền núi là lâm sản rừng và khai thác khoáng sản trong lòng đất, song việc thăm dò, quy hoạch, cấp phép, tổ chức khai thác chưa có kế hoạch lâu dài; chính sách không ổn định, khi đã đầu tư bắt đầu có sản phẩm thì dừng xuất khẩu; các sản phẩm như: đá cảnh, đá gốc tại Lục Yên, Văn Chấn chưa thống nhất trong biện pháp quản lý…
Mặt khác, do các doanh nghiệp sản xuất của chúng ta có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ, thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường yếu, vốn đầu tư doanh nghiệp sử dụng hầu hết vốn đi vay, lại đầu tư không có kế hoạch, không có định hướng, tràn lan chạy theo lợi nhuận; còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế biến, yếu kém trong quản lý, kinh doanh theo phong trào… đây là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp bán xưởng, bán máy móc, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp treo biển bán nhà riêng lấy tiền trả nợ khi thị trường kinh doanh có biến động.
Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng với cả nước Yên Bái đang tích cực triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Do đó doanh nghiệp sẽ được ưu đãi gia hạ nộp thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp theo quy định; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách Nhà nước; xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ…; đặc biệt với các gói kích cầu công ăn việc làm sẽ nhiều hơn từ đó sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung cơ cấu lại các nguồn vốn, hạ lãi suất theo quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất.
Các cấp chính quyền đã tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, tránh phiền hà cho các doanh nghiệp có giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm thông qua các công trình xây dựng cơ hạ tầng ; rà soát, đánh giá lại toàn bộ cơ sở chế biến nông sản, trên cơ sở phân xếp loại, để cơ cấu lại, các cơ sở sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo về chất lượng. Đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi những chính sách mới ban hành phù hợp với điều kiện thực tế... như trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã lên đến con số hàng nghìn. Điều đó khẳng định sự phát triển và vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
YBĐT - Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh Yên Bái đã nỗ lực vươn lên, ổn định sản xuất, kinh doanh và đóng góp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
YBĐT - Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2012, lượng đàn gia súc sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ, trong đó đàn trâu giảm 8.372 con, đàn bò giảm 6.403 con, đàn lợn giảm trên 17 ngàn con.