Đường ngập tại... người!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2012 | 9:51:58 AM

YBĐT - Tình trạng ngập úng cục bộ do ách tắc dòng chảy ảnh hưởng tới việc canh tác ruộng nước, việc đi lại của người dân đã và đang xảy ra nhiều tháng qua tại thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái). Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính con người gây ra…

Đường dân sinh ở thôn Thanh Bình bị ngập úng nhiều ngày mỗi khi mưa to xuất phát từ việc san gạt đất của hai hộ dân.
Đường dân sinh ở thôn Thanh Bình bị ngập úng nhiều ngày mỗi khi mưa to xuất phát từ việc san gạt đất của hai hộ dân.

Tình trạng ngập úng cục bộ do ách tắc dòng chảy ảnh hưởng tới việc canh tác ruộng nước, việc đi lại của người dân đã và đang xảy ra nhiều tháng qua tại thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính con người gây ra… Vấn đề này đang rất cần được chính quyền địa phương sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Sự việc ngập úng cục bộ xảy ra tại xứ Đầm Khôn- thôn Thanh Bình mà một số hộ dân nơi đây cho rằng do gia đình ông Nguyễn Văn Thơm (cùng thôn) đổ đất lấp ao để làm đường gây ách tắc dòng chảy. Số hộ bị ảnh hưởng đề nghị ông Thơm khắc phục và bồi thường diện tích lúa bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng đã có những động thái tích cực nhưng vụ việc dường như vẫn đi vào bế tắc. Người không khắc phục được thì gửi "đơn kêu cứu" lên cấp có thẩm quyền…

Ông Nguyễn Văn Thơm trình bày, do diện tích ao của gia đình không thể nuôi trồng thủy sản được nên cuối năm 2011 gia đình ông đã báo cáo thôn và xã để san gạt nền nhà lấy đất đổ vào ao làm đường đi sang tổ 10 thị trấn Yên Bình. Quá trình san lấp, gia đình ông đã làm cống thoát nước ngầm phía dưới con đường. Qua thời gian sử dụng không thấy có hiện tượng úng lụt.

Tuy nhiên, ông Thơm cho rằng do gia đình bà Lê Thị Thơm ở tổ 10, thị trấn Yên Bình san gạt nền nhà sau thời điểm gia đình ông làm cống nên khi trời mưa to đất xô xuống lấp hết miệng cống gây tắc cống lâu dài, làm ngập úng 2 sào lúa đã chín của ông Hải và ông Thiết cùng xóm. Gia đình ông Hải và ông Thiết đã báo cáo thôn và xã yêu cầu ông Thơm phải phá đường cho nước chảy qua. Ông Thơm đã thực hiện phá đường nhưng nước vẫn không tiêu được hết.

Sau đó, xã đã đề nghị gia đình ông Thơm phải tiếp tục khắc phục. Ông Thơm đã thuê máy móc khơi dòng chảy ở đất nhà bà Lê Thị Thơm gần cửa cống thoát nước của gia đình nên nước mới rút được cơ bản. Thế nhưng, sau mỗi trận mưa đất lại tiếp tục xô xuống lấp hết miệng cống thoát nước và lại gây ngập úng đoạn đường dân sinh của các hộ dân và một số diện tích ruộng của hộ ông Thiết và ông Hải.

Ông Nguyễn Văn Thơm không thể khắc phục nổi việc tiêu thoát nước.

Tình trạng trên khiến cho các hộ dân bị ảnh hưởng có đơn đề nghị lên thôn và xã yêu cầu xử lý vụ việc. UBND xã Phú Thịnh đã lập các tổ công tác tới hiện trường ở thôn Thanh Bình để giải quyết. Ngày 4/5/2012, tổ công tác gồm: ông Triệu Bích Hạnh- Phó chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã, trưởng thôn Thanh Bình đã có biên bản làm việc với nguyên đơn là ông Lương Thanh Hải, bà Mai Thị Bắc (vợ nguyên đơn Lương Bá Thiết), bị đơn là ông Nguyễn Văn Thơm. Ông Thơm đã trình bày, khi làm đường do gia đình đặt cống quá nhỏ mùa mưa to nước không thoát kịp. Do đó, gia đình ông đã làm cống mới to hơn cống cũ (rộng 50 cm, dài 40m) nên nước đã thoát nhanh hơn.

Trong quá trình làm đường, đất có tràn xuống lấp miệng cống gây tắc, ông Thơm đã có ý thức thuê người khơi lại cống để  nước thoát đi nhưng mỗi trận mưa to đất lại tràn xuống lấp cửa cống khiến nước không thoát hết và tiếp tục gây ngập úng ruộng của hộ ông Thiết, ông Hải và đường dân sinh của xóm. Sự việc cứ thế tiếp diễn, xã đã 4 lần kiểm tra lập biên bản đề nghị các hộ phải xử lý sự cố này. Việc khắc phục đã được hộ ông Thơm triển khai nhưng không đem lại kết quả mong muốn.

Buổi làm việc vào ngày 27/6/2012, UBND xã Phú Thịnh và thị trấn Yên Bình đã yêu cầu hộ bà Lê Thị Thơm phải có trách nhiệm khơi toàn bộ phần đất đã bồi lấp phía hạ lưu cống. Bà Thơm đã cam kết sẽ khơi thông tận đáy cống, bảo đảm việc thoát nước. Tổ công tác yêu cầu gia đình ông Nguyễn Văn Thơm khắc phục và trả lại dòng chảy như ban đầu nhưng khi kiểm tra, hộ ông Thơm chỉ khắc phục đào được một phần đất ở trên.

Trước sự việc xảy ra, ông Thơm thấy không thể khắc phục nổi đã làm đơn kêu cứu gửi lên các cấp có thẩm quyền và cơ quan báo chí để mong được xem xét giải quyết thấu đáo. Theo đơn ông Thơm trình bày, gia đình đã khắc phục hậu quả hết sức. Tuy nhiên, do gia đình bà Lê Thị Thơm san gạt đất làm đất tràn xuống lấp hết miệng cống nên việc thoát nước của cống hiện vẫn không hiệu quả. Mặt khác, việc giải quyết của một số cán bộ trong tổ công tác của thôn, của xã có biểu hiện định kiến, phân biệt đối với gia đình ông…

Ngày 5/7/2012, xã Phú Thịnh đã mời các hộ liên quan đến làm việc tại trụ sở để giải quyết sự việc nhưng hộ gia đình ông Thơm vắng mặt. Theo biên bản tại buổi làm việc tại xã do ông Đào Bá Hiệp - Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh chủ trì có kết luận: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thơm tự ý đào đất lấp ao làm đường. Gia đình đã lắp đặt cống nhưng không bảo đảm tiêu thoát và gây ách tắc dòng chảy. UBND xã đã tổ chức nhiều buổi làm việc với gia đình ông Thơm và hộ ông Thơm đã cam kết xử lý dòng chảy để bảo đảm không bị ngập úng và bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị ảnh hưởng.

Thực hiện công văn của UBND huyện Yên Bình về việc giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Thơm, UBND xã Phú Thịnh đã có công văn báo cáo nội dung vụ việc với huyện. Báo cáo kết luận "nội dung đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Thơm, công dân thôn Thanh Bình là hoàn toàn không có căn cứ và sai sự thật".

Đất khu đồi nhà bà Lê Thị Thơm thường xuyên chảy xuống lấp cống thoát nước.

Chúng tôi đã tiếp cận thôn Thanh Bình để "mục sở thị" sự việc, gặp bà Nguyễn Thị Mậu, 70 tuổi chống gậy lội nước bì bõm ra phàn nàn chuyện ngập úng. Bà bảo, trước đây các hộ dân xứ Đầm Khôn này đi đâu đều phải ra phía đường Bệnh viện Đa khoa huyện. Khi Nhà nước làm đường Nguyễn Tất Thành, một số hộ dân phía trong đã đổ đất làm đường mới để sang tổ 10 thị trấn Yên Bình cho thuận tiện hơn.

Nhưng, tiện chẳng thấy đâu chỉ thấy nước ngập hết đường mỗi khi có mưa to. Ngay như nhà anh Thông- con trai bà hiện cũng đang bị nước ngập chỉ còn khoảng vài chục xăng- ti- mét nữa là tới nền nhà. “Chưa bao giờ việc đi lại lại khổ cực như thế này. Muốn đi ra đường lớn phải lội nước nếu không thì trèo lên gò mà đi" - bà Mậu than thở.

Thực tế cho thấy, từ khi có tuyến đường Nguyễn Tất Thành chạy qua gần khu vực thôn, một số hộ dân ở tổ 10 thị trấn Yên Bình và thôn Thanh Bình xã Phú Thịnh đã san gạt đồi của gia đình thành những lô đất bằng phẳng để làm nhà hoặc chuyển nhượng. Việc san gạt đất đồi, lấp ao, lấp ruộng không theo qui trình của các hộ dân trong khu vực như nhà ông Nguyễn Văn Thơm và bà Lê Thị Thơm… đã khiến cho việc tiêu thoát nước trong khu vực không còn được bình thường như trước.

Tại đây, hàng trăm khối đất đồi được các hộ xả xuống, rồi đổ đất lấp ao, đồng thời là hàng chục khối đất tràn xuống gây cản trở, biến đổi dòng chảy, gây ngập úng, ứ đọng nước cục bộ, một số diện tích ruộng, không thể canh tác, ao không thể nuôi trồng thủy sản, đường dân sinh bị lầy lội… Điều này diễn ra nhiều tháng qua ở thôn Thanh Bình gây bức xúc, mất đoàn kết giữa một số hộ dân ở thôn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị chính quyền xã, thị trấn và người dân trên địa bàn phải có sự đồng lòng, đồng thuận cùng nhau khắc phục. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ban, ngành liên quan vào cuộc, quản lý chặt chẽ việc san gạt, đào lấp đất của các hộ dân, bảo đảm môi trường, cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng.

Ngoài việc xử lý kiên quyết các hộ dân vi phạm tự ý đánh đất tràn lan, trước mắt chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần tạo điều kiện giúp các hộ có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả việc ngập úng ở thôn đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Huy Văn

Các tin khác
Người dân đến giao dịch tại phòng “một cửa” thị trấn Mậu A (Văn Yên). (Ảnh: H.D)

YBĐT - Là huyện miền núi khó khăn nhưng Văn Yên (Yên Bái) có đầy đủ các điều kiện về tự nhiên, xã hội thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư.

YBĐT - Vụ mùa năm 2012, thành phố Yên Bái gieo cấy trên 480 ha lúa. Đến thời điểm này, nông dân thành phố đã gieo cấy được gần 80% diện tích lúa mùa. Tuy nhiên, hiện nay trên các trà lúa mùa sớm đã và đang xuất hiện nạn ốc bươu vàng và cào cào hại lúa khiến người dân lo lắng.

Họp báo công bố Hội thảo - Triển lãm Tài chính Việt Nam 2012.

Hội thảo - Triển lãm Tài chính Việt Nam 2012 (Vietnam Finance 2012) do Bộ Tài chính cùng với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) tổ chức ngày 20 - 21/9/2012, sẽ bàn về “cách” chi tiêu tài chính công trung hạn nhằm tăng cường bền vững tài khóa.

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, sáng 9/8, giá vàng trong nước tăng 60.000 đồng, lên mức 42,30 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục