Đại Đồng phát triển kinh tế đồi rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 5/9/2012 | 3:22:10 PM
YBĐT - Tận dụng lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn, lực lượng lao động dồi dào và truyền thống phát triển cây lâm nghiệp của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn quan tâm, đầu tư lĩnh vực trồng rừng và coi đó là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương.
Gia đình ông Đoàn Xuân Tiến, thôn Hồng Bàng là một trong những hộ có diện tích rừng lớn và giàu lên từ kinh tế rừng với trên 20 ha rừng trồng. Hàng năm, ông khai thác và trồng mới khoảng 2 ha, thu về gần 100 triệu đồng. Ông Tiến cho biết, ngôi nhà xây và những đồ đạc, tiện nghi sinh hoạt trong nhà đều từ tiền bán gỗ mà có.
Giống như hộ gia đình ông Tiến, đa số các hộ dân xã Đại Đồng đều chọn trồng rừng là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã có 11 thôn đều có rừng, từ thôn Cây Thọ, Rộc Trần, Chóp Dù, Hồng Bàng đến Đồng Đát…, cả một vùng là màu xanh ngút ngàn của rừng bạch đàn, rừng keo đang trong thời kỳ phát triển.
Đến nay, nhiều hộ dân Đại Đồng đều sống được bằng nghề rừng, hộ ít cũng có vài ba héc ta, nhiều hộ có đến vài chục ha như gia đình ông Bùi Xuân Trúc, thôn Đồng Đát trên 20 ha; ông Lương Tuấn Ngọc, thôn Rộc Trần trên 40 ha…, những hộ trồng rừng ở Đại Đồng giờ đây đều có thu nhập ổn định và giàu có. Được biết, mỗi năm Đại Đồng khai thác trên 200 ha, đem về cho nhân dân hàng chục tỷ đồng.
Lợi ích từ trồng rừng mang lại cho người dân Đại Đồng đã rõ nhưng hiện nay hệ thống đường giao thông liên thôn của xã đã xuống cấp, chủ yếu là đường dân sinh đã gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển kinh tế của xã, đặc biệt là công tác khai thác và vận chuyển gỗ rừng trồng của nhân dân. Toàn xã có 41 km đường giao thông liên thôn nhưng mới có 0,5km đang được bê tông hóa tại thôn Làng Đát.
Anh Bùi Xuân Ứng, Trưởng thôn Hồng Bàng cho biết: “Bà con trong thôn vất vả, kinh tế chủ yếu trông vào rừng nhưng đến kỳ thu hoạch thì bị thương lái ép giá với lý do đường khó đi”. Quả đúng vậy, con đường dài gần chục cây số nếu bình thường từ đầu quốc lộ 70 vào chỉ mất mươi, mười lăm phút là đến thôn nhưng do đường khó đi nên thời gian thường gấp đôi, gấp ba lần. Giá gỗ người dân trong thôn bán bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường từ 200-250.000 đồng/m3.
Ông Lương Bá Tâm – Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa kinh tế rừng của xã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích kinh tế từ rừng; thực hiện các giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế trang trại; nâng cao chất lượng rừng trồng bằng việc đưa các loại cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng. Đặc biệt, xã sẽ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, mỗi năm phấn đấu làm khoảng 1km cho 1 thôn...".
H.D
Các tin khác
Ngày 4/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành văn bản số 5652 gửi Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Sáng 5/9, giá vàng trong nước tăng nhẹ 40.000 đồng, lên mức 45,19 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá kim loại quý trong nước và thế giới vẫn lớn, khoảng 2,2 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Những năm qua thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có những bước đi vững chắc để đưa thị xã phát triển hướng đến là thành phố du lịch, điểm nghỉ dưỡng xanh, sạch, đẹp. Nghĩa Lộ khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
YBĐT - Đã một thời gian dài tỉnh Yên Bái đứng thứ hai cả nước về diện tích cũng như sản lượng chè so với các địa phương sản xuất, kinh doanh chè. Nhưng hôm nay chỉ còn diện tích, trong khi sản lượng đã giảm xuống hàng thứ tư, thứ năm, giá trị kinh tế thu được từ chè không tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư.