Nghĩa Lộ: Vùng kinh tế trọng điểm phía Tây
- Cập nhật: Thứ tư, 5/9/2012 | 9:32:33 AM
YBĐT - Những năm qua thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có những bước đi vững chắc để đưa thị xã phát triển hướng đến là thành phố du lịch, điểm nghỉ dưỡng xanh, sạch, đẹp. Nghĩa Lộ khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp tư nhân Nhàn Thu, thị xã Nghĩa Lộ mỗi năm tiêu thụ gần 1.000 tấn gạo Mường Lò.
|
Nằm gọn trong vùng cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ được thiên nhiên ưu đãi với địa hình bằng phẳng, một không gian thoáng đãng, một vùng khí hậu trong lành.
Chỉ cách Hà Nội 200 km, là trung tâm của các huyện miền tây, có nền văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tây Bắc, với những thiết chế văn hóa vẫn còn in đậm dấu ấn lịch sử, Nghĩa Lộ đang có ưu thế lớn để vươn lên trở thành một đô thị văn hoá, điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái lý tưởng.
Bà Lò Thị Huân - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Chỉ với 30 cây số vuông nhưng Nghĩa Lộ có vị trí quan trọng ở khu vực phía Tây, là đầu mối giao thông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, và một số tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La điều đó tạo cho thị xã có một sức hút lớn, thu hút nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch... Vì vậy, những năm gần đây Nghĩa Lộ đã được nhiều Bộ, ngành Trung ương lựa chọn làm nơi tổ chức những cuộc hội thảo lớn mang tầm quốc gia".
Phát huy lợi thế đó, những năm qua thị xã Nghĩa Lộ đã có những bước đi vững chắc để đưa thị xã phát triển hướng đến là thành phố du lịch, điểm nghỉ dưỡng xanh, sạch, đẹp. Nghĩa Lộ khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đáng chú ý là Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp quốc gia và khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công nhận trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh của cả nước. Hiện tại, cụm di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ đang được Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch đầu tư tu bổ, tôn tạo, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của nó. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là một địa điểm du lịch thu hút khách đến tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với khuôn viên rộng hơn 2ha, bao gồm: một ngôi nhà sàn mộc mạc, xinh xắn được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác ở Hà Nội, một ao cá rộng với vườn cây trái xanh tốt. Ngoài những điểm du lịch gắn với lịch sử phát triển của thị xã thì hiện nay Nghĩa Lộ đã phát triển mạnh các khu du lịch sinh thái bởi đây mới là nơi thu hút du khách ở lại nhiều ngày.
Các khu du lịch sinh thái đã được quy hoạch chi tiết và đang được kêu gọi đầu tư, trong đó đáng chú ý là Khu du lịch sinh thái Mường Lò với 20 ha, Khu vui chơi giải trí Miền Tây 6 ha, khu đô thị mới phường Pú Trạng... Đây sẽ là những điểm nhấn để thu hút khách du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng.
Khai thác có hiệu quả chợ Mường Lò, nâng cấp, mở rộng và xây dựng một số cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, chợ nông thôn, chợ đầu mối...; khuyến khích mạnh các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các điểm du lịch, các làng du lịch sinh thái, các khách sạn đạt tiêu chuẩn cao và các nhà nghỉ dân tộc, xây dựng các làng nghề truyền thống, phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch gắn với đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái; đẩy mạnh chỉnh trang đô thị để hướng đến đô thị loại 3 vào năm 2025.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, thị xã chủ trương phát triển nông lâm nghiệp theo hướng toàn diện, có chất lượng và hiệu quả cao, đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng giá trị trên 1 ha canh tác. Từng bước cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng cánh đồng Mường Lò thành mô hình kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh và trở thành điểm thăm quan, du lịch hấp dẫn.
Đặc biệt, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp của thị xã, đảm bảo an toàn và cũng là sản phẩm phục vụ du lịch. Hiện nay, gạo Mường Lò đã được một doanh nghiệp tư nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mỗi năm doanh nghiệp này thu mua và tiêu thụ hàng nghìn tấn gạo cho nông dân, gạo Mường Lò đã trở thành một sản phẩm nổi tiếng ở địa phương được nhiều khách du lịch chọn mua làm quà.
Với tiềm năng hiện nay, mỗi năm thị xã Nghĩa Lộ thu hút trên 3.000 lượt khách đến thăm và nghĩ dưỡng, đem lại nguồn thu lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Theo bà Lò Thị Huân nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chế biến nông - lâm sản, dệt may... nhưng thị xã không có quỹ đất để doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy, điều này đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển của địa phương. Vì vậy, để thị xã Nghĩa Lộ phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, xã hội Miền Tây, trước hết cần mở rộng không gian thị xã.
Bên cạnh đó, việc phát triển thị xã cũng cần có nhiều giải pháp để xây dựng thị xã theo hướng xanh, sạch, bền vững, đảm bảo không gian và cảnh quan thông thoáng, tạo nên nét đặc thù riêng của thị xã miền Ban trắng.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Đã một thời gian dài tỉnh Yên Bái đứng thứ hai cả nước về diện tích cũng như sản lượng chè so với các địa phương sản xuất, kinh doanh chè. Nhưng hôm nay chỉ còn diện tích, trong khi sản lượng đã giảm xuống hàng thứ tư, thứ năm, giá trị kinh tế thu được từ chè không tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư.
YBĐT - Tính đến hết tháng 7/2012, các xã, phường trên địa bàn thành phố Yên Bái đã tiến hành thu hồi 31.883 tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, so với 32.827 tờ khai đã phát ra, đạt 97%, trong đó có 135 tờ khai của các tổ chức và 31.748 tờ khai của cá nhân, hộ gia đình.
Báo cáo vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố cho thấy tỷ lệ thuế - phí trên GDP ở Việt Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, tổng hợp tình hình vi phạm về đầu cơ găm hàng, ngừng bán hàng không có lý do chính đáng trong kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua, nhất là trong 2 lần tăng giá gần đây.