Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/9/2012 | 3:01:39 PM

YBĐT - Là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về sản xuất nông - lâm sản, khoáng sản nên việc khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến sâu các mặt hàng này được tỉnh Yên Bái rất quan tâm, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa để tăng giá trị kim ngạch, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.

Công nhân, Công ty cổ phần Lâm nông sản sản xuất giấy đế vàng mã.
Công nhân, Công ty cổ phần Lâm nông sản sản xuất giấy đế vàng mã.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 doanh nghiệp, giá trị hàng hoá xuất khẩu mỗi năm từ 30-34 triệu USD, với các mặt hàng chủ yếu như: chè xanh, chè đen, chè nhúng, quế, ván ghép thanh, giấy đế, tinh bột sắn, cồn công nghiệp, quặng Graphit, đá trắng, cao lanh, bột đá trắng…

Tuy nhiên, trước đây khi chưa có Chi cục Hải quan, các doanh nghiệp phải tốn kém nhiều thời gian, chi phí làm thủ tục vì phải thực hiện tại các đơn vị cách xa cơ sở sản xuất như: Hải Phòng, Lào Cai, hay Phú Thọ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện xuất nhập khẩu trực tiếp mà phải bán lại cho các doanh nghiệp khác ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Điều này đã phần nào hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trên địa bàn.

Ngày 12/3/2012, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã công bố quyết định của Bộ Tài chính thành lập Chi cục Hải quan Yên Bái (thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội). Sau một thời gian đi vào hoạt động, giá trị kim ngạch xuất khẩu được khai báo tại Chi cục Hải quan đã tăng lên đáng kể và ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đăng ký thông quan tại đây. N

ếu trong tháng 6/2012 giá trị xuất khẩu hàng hóa qua Chi cục Hải quan mới chỉ đạt 2,3 triệu USD với 11/30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu khai báo thì đến tháng 8 giá trị tổng kim ngạch đã tăng lên hơn 5,7 triệu USD với 15/30 doanh nghiệp Yên Bái xuất khẩu, số thuế thu về cho Nhà nước đạt gần 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Quân - Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh, Chế biến lâm sản xuất khẩu Yên Bái cho biết: Trước đây, doanh nghiệp khai báo tại Chi cục Hải quan Phú Thọ phải đi lại mất nhiều thời gian, đôi khi doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần mới hoàn tất thủ tục theo qui định. Từ khi Hải quan Yên Bái đi vào hoạt động, Công ty đã rút ngắn được thời gian khai báo Hải quan, tiết kiệm chi phí, được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hải quan điện tử, tra cứu mã hàng hóa, các loại thuế xuất, nhập khẩu liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh, thuận lợi trong kiểm hóa... Tính hết tháng 8, Công ty đã thông quan qua Chi cục Hải quan Yên Bái 683,3 ngàn USD.

Còn theo ông Đoàn Nghĩa - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Yên Phú, từ đầu năm đến nay, Công ty bắt đầu xuất khẩu mặt hàng gỗ sang thị trường Hàn Quốc.

Dưới sự giúp đỡ của Chi cục Hải quan Yên Bái, Công ty đã được hỗ trợ cài đặt phần mềm khai báo hải quan điện tử, giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đến hết tháng 8, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty đã đạt hơn 100 ngàn USD. Ngoài các doanh nghiệp trên, các công ty như: Công ty cổ phần Mông Sơn, Công ty liên doanh canxi cacbonnat YBB, Công ty TNHH đá cẩm thạch RK, Công ty phát triển số 1... cũng đã tích cực khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan Yên Bái và có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tương đối lớn.

Tuy nhiên, so với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 28,2 triệu USD (8 tháng đầu năm), giá trị kim ngạch xuất khẩu thông quan tại Chi cục Hải quan Yên Bái còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt 20,17% và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế xuất khẩu của tỉnh.

Bên cạnh đó, qua số liệu thống kê giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm cho thấy cơ cấu giá trị kim ngạch xuất khẩu hầu như không thay đổi qua các năm, mặt hàng khoáng sản vẫn chiếm tỷ trọng 35% đến 40% tổng giá trị trong khi các mặt hàng khác có thế mạnh của tỉnh như sản phẩm chè, quế vỏ, gỗ rừng trồng chế biến... chiếm tỷ trọng rất ít, vì phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng này chưa xây dựng được thương hiệu, sản xuất nhỏ, thị trường xuất khẩu không ổn định.

Để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường xuất khẩu, các cấp, ngành cần xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nội dung Nghị quyết số 13/NQ-CP; tổ chức cho các doanh nghiệp  tham gia tìm hiểu, khảo sát, tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu tại các địa phương khác.

Sở Công Thương phải thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử (TMĐT), Cục Công nghiệp địa phương và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng về  thương mại điện tử, pháp luật về TMĐT và giao dịch TMĐT; giới thiệu một số đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Yên Bái, đồng thời cũng thường xuyên đưa ra các thông tin cảnh báo cho các doanh nghiệp về hoạt động lừa đảo trong giao dịch TMĐT quốc tế...

Có thể nói việc thành lập Chi cục Hải quan tại Yên Bái là một chủ trương đúng đắn, hỗ trợ kịp thời cho hoạt động xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo bước đi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận trực tiếp với hải quan, đồng thời giúp doanh nghiệp Yên Bái tiến tới giảm dần hoạt động ủy thác xuất khẩu và bán hàng qua trung gian, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho chính các doanh nghiệp.

Hùng Cường - Ngọc Lan

Các tin khác
Lãnh đạo và cán bộ địa chính xã Văn Phú xác định nguồn gốc sử dụng các diện tích đất bị thu hồi.

YBĐT - Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh ngập thành phố là trục đường đô thị đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết ách tắc khi có ngập úng. Đây cũng là tuyến đường phục vụ mở rộng thành phố sang hữu ngạn sông Hồng, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, từng bước thực hiện qui hoạch phát triển thành phố đến năm 2030.

Chiều 10/9, Bộ Công thương đã họp báo công bố tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, cần phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm.

Giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp phía Nam mở rộng.

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái đang triển khai thực hiện gần 30 công trình xây dựng cơ bản của tỉnh, của thành phố liên quan đến việc di dời, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng số trên 1.300 hộ dân bị thu hồi đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục