Văn Chấn: Nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 2:40:25 PM
YBĐT - Văn Chấn đã hình thành 4 vùng sản xuất chính: vùng sản xuất lúa giống, lúa gạo có thương hiệu; vùng chuyên canh rau sạch; vùng chè nguyên liệu sạch, chất lượng cao và vùng cam, quýt.
Nông dân xã Phù Nham, Văn Chấn chăm sóc rau vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Văn Chấn là một trong những huyện có thế mạnh về đất đai, đồi rừng. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những năm gần đây năng suất cây trồng được nâng lên. Nhưng làm gì để nâng cao giá trị sản phẩm thu nhập/1ha canh tác luôn là câu hỏi lớn đối với Văn Chấn.
Qua nhiều trải nghiệm và đúc rút, huyện Văn Chấn xác định cần phải phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đi vào chiều sâu hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và thâm canh, hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ cũng như phòng chống dịch bệnh bảo vệ môi trường.
Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác cây hàng năm để đạt 65 triệu đồng/ha vào năm 2015 và 100 triệu đồng/ha vào năm 2020 là mục tiêu Văn Chấn đang đặt ra. Để đạt được mục tiêu, huyện xây dựng các vùng sản xuất có áp dụng các công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng đất.
Sản xuất lúa giống, lúa gạo có thương hiệu
Đối với cây lúa nước, Văn Chấn ổn định diện tích gieo cấy đến năm 2015 là 8.110 ha và 2020 là 8.200 ha, giảm dần và xóa bỏ gieo trồng lúa nương. Huyện hướng vào mở rộng sản xuất lúa giống tại cánh đồng Mường Lò từ 12 ha hiện tại lên 200 ha vào năm 2015, đạt sản lượng 1.100 tấn đáp ứng yêu cầu sản xuất tại chỗ và cung ứng cho các vùng lân cận.
Dự kiến đến 2020, huyện có 400 ha sản xuất lúa giống cho sản lượng 2.400 tấn, đáp ứng giống cho khoảng 40.000 ha. Cùng với sản xuất lúa giống, huyện đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò, phấn đấu đến 2015 làm được 1.000 ha/vụ và năm 2020 đạt 1.500 ha/vụ bằng các loại giống mới năng suất, chất lượng cao như Japonica, DH1, Chiêm hương…
Tại vùng cao và thượng huyện, đầu tư thâm canh chăm sóc diện tích lúa 2 vụ, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời phục tráng giống nếp Tú Lệ đặc sản thành sản phẩm có thương hiệu. Văn Chấn đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch… cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Đặc biệt, Văn Chấn thúc đẩy và xây dựng cơ chế “liên kết 4 nhà” trong sản xuất lúa, tìm kiếm thị trường, quảng bá tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo đặc sản Mường Lò”.
Phát triển cây ngô, Văn Chấn phấn đấu đến năm 2015 diện tích ngô đạt 5.300 ha (trong đó có 1.000 ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa), tăng 630 ha so với năm 2010, đạt sản lượng trên 19 nghìn tấn, và năm 2020 sẽ đạt 5.850 ha đạt sản lượng trên 22 nghìn tấn. Để đạt mục tiêu, Văn Chấn chỉ đạo nhân dân tận dụng diện tích đất đồi, bãI, mở rộng gieo trồng ngô trên các loại đất, tăng diện tích ngô trên đất 2 vụ lúa ở vùng thấp.
Hướng dẫn nhân dân bố trí cơ cấu giống ngô hợp lý theo thời vụ gieo trồng từng vùng sản xuất và tiểu vùng khí hậu, sử dụng công thức canh tác ngô theo vùng và loại đất, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất ngô hàng hóa. Văn Chấn phấn đấu đến năm 2015, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 62 nghìn tấn, tăng 6.832 tấn so với 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 400 kg/năm và đến năm 2020 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 65.600 tấn.
Hình thành vùng chuyên canh rau sạch
Khoai tây vụ đông ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) phát triển tốt trên đất 2 vụ.
Văn Chấn cũng tập trung phát triển mạnh cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, đặc biệt là lạc và đỗ tương sẽ tăng mạnh cả diện tích và sản lượng. Diện tích rau, đậu các loại được mở rộng để đến năm 2015 có 2.100 ha và đến năm 2020 có 2.350 ha.
Chú trọng vận động nhân dân tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích cây trồng vụ 3 trên đất 2 vụ lúa tại các xã vùng Mường Lò và vùng ngoài bằng các loại rau đậu vụ đông có giá trị kinh tế cao. Huyện khuyến khích phát triển trồng 400 ha khoai tây hàng hóa tại một số xã vùng ngoài và vùng trong có điều kiện phù hợp. Tăng cường “liên kết 4 nhà” với các công ty, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao khoa học…
Trong sản xuất và tiêu thụ khoai tây cho nông dân. Các vùng rau chuyên canh sản xuất rau an toàn cung cấp cho các thị xã, thành phố và khu công nghiệp của huyện được xây dựng theo hướng liên kết với các doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho nông dân. Văn Chấn dự kiến sản xuất rau sạch hướng tới tiêu chuẩn VIETGAP tại 3 khu vực gồm: thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Phù Nham, xã Sơn Thịnh, mỗi nơi từ 5 đến 10 ha.
Phát triển chè nguyên liệu sạch, chất lượng cao
Công nhân thị trấn Nông trường Liên Sơn thu hoạch chè.
Xác định chè vẫn là cây truyền thống cần phát triển bền vững, Văn Chấn tập trung vào cải tạo và trồng mới bằng các giống có năng suất chất lượng cao, đến 2015, kết thúc cải tạo chè bằng các giống như chè lai F1, chè Shan, chè Phúc Vân Tiên và các giống nhập nội khác để làm vùng nguyên liệu chế biến chè xanh; đạt tổng diện tích 4.500 ha, cho sản lượng 50 nghìn tấn chè búp tươi.
Đồng thời bảo tồn giống chè vùng cao và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng; phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ diện tích chè của huyện được cải tạo bằng giống năng suất cao, chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh; đưa tổng diện tích lên 4.750 ha cho sản lượng 55 nghìn tấn chè búp tươi. Huyện chủ động xây dựng 3 vườn ươm giống chè phục vụ trồng và cải tạo cung cấp trên 6 triệu bầu giống/năm.
Tuyên truyền cho nhân dân mở rộng thâm canh chè an toàn, năng suất cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vô cơ, tăng cường sử dụng loại có nguồn gốc hữu cơ, chế phẩm vi nấm… để có nông sản an toàn, giá trị và bảo vệ môi trường.
Xây dựng vùng cam, quýt có thương hiệu
Vùng cam, quýt của huyện được tập trung phát triển, trong đó giai đoạn 2011 – 2015, huyện cải tạo 450 ha theo hướng chất lượng bằng các giống cam mới như: V2, Valenxia, Caracara, Đường Canh… giữ ổn định diện tích 850 ha. Cải tạo, trồng mới 500 ha giai đoạn 2016-2020, đưa tổng diện tích cam, quýt lên 950 ha. Các diện tích cam, quýt được cải tạo, trồng mới được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, có thương hiệu trên thị trường.
Huyện chủ trương xây dựng vườn giống gốc cây đầu dòng và một vườn ươm tại vùng ngoài có năng lực sản xuất 50 nghìn bầu giống/năm, đáp ứng nhu cầu cải tạo 100 ha/năm. Văn Chấn dự kiến đến 2015, diện tích cây ăn quả đạt trên 3.000 ha cho sản lượng 15 nghìn tấn và năm 2020 có 3.200 ha, cho sản lượng lớn hơn.
Huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân cải tạo diện tích vườn tạp tại các xã vùng ngoài để trồng cam, quýt và măng tre Điền trúc, cây lâm nghiệp; vùng cánh đồng Mường Lò cải tạo các vườn nhãn; vùng thượng huyện trồng quế và các loại cây ăn quả khác. Diện tích đất đồi chưa sử dụng, các xã vùng thượng huyện tập trung trồng cây trẩu để phủ xanh đất trống đồi trọc, lấy gỗ và quả ép dầu.
Cùng với “liên kết 4 nhà”, Văn Chấn dự kiến trong phát triển công nghiệp sẽ xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến nước hoa quả, chè xanh giải khát… để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Phát triển các vùng chuyên canh, thâm canh tăng vụ gắn với chế biến, tiêu thụ cho nông dân đang là tâm điểm mà Văn Chấn hướng tới để nâng cao giá trị kinh tế/1ha canh tác.
Đào Minh
Các tin khác
Sáng 18-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về việc tổ chức Hội chợ làng nghề Việt Nam năm 2012 để tôn vinh các sản phẩm làng nghề truyền thống, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các làng nghề phát triển.
Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Expocentre ở thủ đô Mátxcơva của Nga đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm thực phẩm quốc tế lần thứ 21 với chủ đề "Thế giới Thực phẩm Mátxcơva-2012." Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 20/9.
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái vừa quyết định phê duyệt bổ sung 12 tỷ 685 triệu đồng hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2012.
YBĐT - Để Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012-2015 được triển khai tốt, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung triển khai tới các cơ sở chăn nuôi hỗn hợp lợn nái, lợn thịt được thực hiện tại các xã vùng thấp của huyện.