Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường tránh ngập
- Cập nhật: Thứ hai, 1/10/2012 | 2:32:01 PM
YBĐT - Trong các dự án xây dựng giải phóng mặt bằng bao giờ cũng là khâu khó khăn nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ dự án. Dự án đường tránh ngập cũng nằm trong tình trạng đó.
Nhiều hộ dân ở đầu cầu Nhà khách Hào Gia vẫn chưa chịu di dời.
|
Là dự án lớn nhất từ trước đến nay, đường tránh ngập đoạn nối Trung tâm Km 5 với quốc lộ 32C được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 28/6/2011 có tổng mức đầu tư là 995.784 triệu đồng, thời gian thực hiện 5 năm. Ngoài việc đảm bảo giao thông thông suốt cho thành phố khi có thiên tai, tuyến đường còn là cơ sở chỉnh trang và phát triển không gian đô thị, đáp ứng mục tiêu mở rộng thành phố Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng và trở thành đô thị loại II.
Vậy mà sau hơn một năm khởi công (3/2011), dự án vẫn dẫm chân tại chỗ. Nhìn từ đường Bưu điện - Nhà khách, điểm đầu công trình một dãy nhà vẫn nằm chắn phía bờ bên kia suối Hào Gia, trong đó có cả nhà 3 tầng kiên cố. Có lẽ đây chính là lý do dẫn đến công trường cách đây một năm vốn nhộn nhịp giờ vắng lặng, điểm đầu trụ cầu được quây bạt quây mít, vài khối bê tông nằm im lìm. Phía dưới cầu một đoạn, mặt bằng tuyến đường đã hình hài nhưng điểm vào đó là những ngôi nhà xây chưa chịu di chuyển trông như lô cốt chắn đường.
Được biết, đoạn từ Km0 đến Km0 + 778,32m, thời gian bắt đầu kiểm kê từ tháng 4 năm 2011 với 126 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và 75 ngôi mộ, với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt là 24.828 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một năm triển khai, đến giữa tháng 9 này mới chi trả tiền bồi thường cho 90/108 hộ, tổ chức, tập thể với kinh phí 16.235/23.073 triệu đồng.
Hiện còn 18 hộ, tập thể chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng đó là: hộ gia đình bà Võ Lan Anh, bà Nguyễn Thị Phương Nga, ông Nguyễn Trọng Hậu ở tổ 56; hộ gia đình ông Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Văn Hoan tổ 55; hộ gia đình ông Trần Xuân De (đã chết) và Phạm Văn Minh - tổ 51A, 52 cùng ở phường Đồng Tâm.
Lý do các hộ đưa ra là, không đồng ý với đơn giá đền bù về đất, vật kiến trúc; không thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp đất thắc mắc về việc thẩm định giảm trừ kinh phí bồi thường, chưa nhận tiền với lý do kiến nghị với nội dung thiết kế bản vẽ thi công tuyến đường chưa phù hợp…
Ngoài những hộ gia đình trên, còn tập thể tổ 53 phường Đồng Tâm chưa làm thủ tục uỷ quyền để nhận tiền bồi thường phần đường bê tông chung của tổ.
Đặc biệt, có 10 hộ gia đình cá nhân khác ở tổ 51A, 52, 55 phường Đồng Tâm không nhất trí với đơn giá đền bù về đất, vật kiến trúc và một số hộ có thắc mắc về vị trí đất trong quá trình lập phương án bồi thường. Ngoài ra còn 20 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 13 hộ nằm trong phạm vi thi công cầu Nhà Khách với các lý do như: thắc mắc về việc giảm trừ do vượt mật độ cây cối, đề nghị xem xét lại diện tích đất hành lang, chưa bàn giao mặt bằng…
Như tình trạng gói thầu km 0 đến km0+778,32, đoạn qua địa phận thành phố Yên Bái có chiều dài đoạn tuyến đi qua 4,70 km (chưa tính phạm vi hai nút giao Trạm biến áp, nút giao Đền Rối). Trong đó xã Phúc Lộc với chiều dài 1,389 km, đến nay Hội đồng GPMB thành phố mới kiểm kê được 38/38 hộ gia đình, tổ chức; đã tổ chức công khai xong phương án của 29 hộ với kinh phí 6.100 triệu đồng.
Còn tại xã Văn Phú với chiều dài 1,96 km, Hội đồng GPMB mới kiểm kê được 119/122 hộ gia đình, tổ chức; còn 3 hộ thuộc thôn 5 chưa kiểm kê được với lý do, 1 hộ liên quan đến đất hành lang cầu Văn Phú; 2 hộ gia đình chưa cho kiểm kê; Hội đồng GPMB đã lập xong phương án bồi thường hỗ trợ được 31 hộ gia đình, còn đang hoàn thiện hồ sơ. Tại xã Tân Thịnh với chiều dài 1,36 km (trừ phạm nút giao), đến nay chủ đầu tư đã bàn giao hồ sơ thu hồi đất cho Hội đồng GPMB từ ngày 27/8/2012, đến nay Hội đồng đã tổ chức kiểm đếm được 16/56 hộ gia đình bị ảnh hưởng…
Trên toàn tuyến, đoạn qua địa phận huyện Trấn Yên có phần khá hơn. Với chiều dài tuyến đi qua là 3,66 km với tổng số 112 gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó xã Minh Quân với chiều dài 1,16 km, Hội đồng GPMB huyện đã phê duyệt phương án đền bù và chi trả xong cho 20/20 hộ, tổ chức với giá trị 2.134 triệu đồng; 100% các hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tại xã Bảo Hưng với chiều dài 2,507 km, Hội đồng đã kiểm đếm xong 63/63 hộ gia đình, cá nhân, lập xong phương án, niêm yết công khai xong 47 hộ với kinh phí 11.700 triệu đồng… Cùng các tuyến chính, các khu tái định cư đang được hội đồng giải phóng mặt bằng kiểm điểm, một số đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Đánh giá tiến độ thực hiện công tác GPMB so với tiến độ GPMB đã được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận là rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn cho nhà thầu xây lắp.
Ông Đỗ Việt Bách – Trưởng ban quản lý dự án công trình giao thông cho biết: "Gói thầu từ Km0 đến Km 0 + 778,23 được khởi công xây dựng từ tháng 3/2011, mặt bằng bàn giao xôi đỗ do vậy việc triển khai thi công đại trà của nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Do không thể triển khai thi công lớn, hiện nay nhà thầu xây lắp chỉ đang triển khai thi công đào, đắp nền đường.
Trong đó về cầu chỉ thi công được 106m/396m cọc khoan nhồi và hiện tại đang tạm dừng thi công chỉ đào đắp nền đường được khoảng 65.000 m3, giá trị ước thực hiện được 4.000/45.794 triệu đồng đạt 6% giá trị hợp đồng. Còn đoạn từ Km0 + 778,32 đến km10+256,41m, hiện nay nhà thầu chỉ triển khai thi công đào, đắp nền đường đoạn cuối tuyến ( từ Km9+100 - Km 10+256,41m thuộc địa phận xã Minh Quân, huyện Trấn Yên) khối lượng thực hiện ước tính đạt 6.000/651.338 triệu đồng đạt 0,7% giá trị hợp đồng.
Nguyên nhân của tình trạng GPMB chậm, theo ông Trần Việt Dũng - Trưởng phòng quản lý dự án xây dựng sở GTVT do các hộ dân bị ảnh hưởng trên tuyến lớn, diện tích thu hồi nhiều; việc xác định nguồn gốc đất của các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, các hộ gia đình lưu giữ hồ sơ không đầy đủ; theo quy định việc công khai phương án là 20 ngày, các Hội đồng GPMB đã chủ động đẩy nhanh thời gian bằng phương án công khai trực tiếp tới các hộ gia đình và tại hội trường các thôn nhưng các hộ dân có rất nhiều ý kiến, chủ yếu về đất đai do đó nhiều thôn không thể kết thúc sớm quá trình niêm yết công khai theo quy định được; việc thẩm định phương án của các địa phương còn chậm…
Theo đó, còn một nguyên nhân chính là do người dân vẫn chưa đồng ý với mức hỗ trợ bồi thường được áp dụng, họ coi mức bồi thường là thấp so với thực tế. Từ nhận thức như vậy đã dẫn đến việc chấp hành của một bộ phận người dân, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên còn chưa tốt, điển hình như việc lợi dụng trồng cây cối, trồng cây thuốc, xây công trình như bể nước để nhận tiền đền bù vẫn xảy ra.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, hiện nay Hội đồng GPMB các địa phương đang tích cực triển khai. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo Hội đồng GPMB các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB. Trong đó UBND thành phố Yên Bái, UBND huyện Trấn Yên cần chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, áp giá lên phương án bồi thường với các biện pháp tích cực, kiên trì, kiên quyết để vận động các hộ gia đình người dân đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng khẩn trương bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ thi công công trình cũng như tránh lãng phí cho Nhà nước.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, huyện Trấn Yên đang chỉ đạo các địa phương tập trung mọi điều kiện, sẵn sàng cho sản xuất vụ đông, đặc biệt là cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2012.
YBĐT - Tại Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông vừa qua do ngành nông nghiệp tổ chức, một số lãnh đạo các địa phương cho rằng lựa chọn cây ngô làm cây trồng ưu tiên số 1 chưa phải là giải pháp tối ưu nhất trong tình hình hiện nay.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối, từ hôm nay, 1-10, giá gas bán lẻ trong nước tăng 1.333 đồng/kg (đã có VAT), tương đương mức tăng 16.000 đồng/bình 12kg so với giá hiện hành.
Từ 1/10, không tiếp nhận hồ sơ trình Chính phủ thiếu file điện tử; quy định mới về tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư; tăng bậc lương với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề làm việc trong doanh nghiệp;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2012.