Kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 16/10/2012 | 9:48:45 AM
YBĐT - Nhờ tăng vụ, vài năm trở lại đây bà con dân tộc huyện Mù Cang Chải có điều kiện đưa các giống lúa mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước tiên tiến vào sản xuất nên năng suất ổn định, trung bình đạt trên 45 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 25.000 tấn.
Nông dân huyện Mù Cang Chải thu hoạch lúa mùa.
|
Hộ nhà Khang A Câu ở xã Chế Cu Nha có 5 khẩu nhưng không khi nào thiếu gạo ăn nhờ làm ruộng bậc thang và thu hoạch thảo quả. A Câu bảo rằng: “Năm nào gia đình cũng thu hoạch 100 bao thóc, điều mà trước đây có nằm mơ cũng không thấy”. Đó là kết quả của việc chuyển đổi ruộng một vụ sang hai vụ, đưa diện tích nương rẫy sang trồng ngô mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mù Cang Chải đang thực hiện.
Mùa này lên Mù Cang Chải, lúa chín như chiếc thảm vàng khổng lồ trải xuống trần gian, đó là kiệt tác của thiên nhiên và con người Mù Cang Chải. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa chín ở Chế Cu Nha, anh Nguyễn Thành Nho - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải bảo rằng: Người dân Mù Cang Chải còn nhiều thứ lo nhưng lo nhất vẫn là làm sao để cái bụng không đói. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ sản xuất lúa xuân nên đời sống đồng bào cũng khấm khá hơn nhiều, hộ đói, hộ nghèo giảm rõ rệt. Chả thế mà người ta ví ruộng bậc thang như kho thóc “thạch sanh”.
Song để có hàng ngàn ha sản xuất lúa xuân không phải là chuyện đơn giản. Có một nghịch lý đã tồn tại bao đời nay ở vùng cao Mù Cang Chải là đất đai thì rộng nhưng bị bỏ không, tập quán sản xuất một vụ đã ăn sâu vào tiềm thức và người dân chưa ý thức về việc tăng vụ trên diện tích đất canh tác. Hàng ngàn héc ta ruộng chỉ gieo cấy vụ mùa còn vụ xuân bỏ không.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải chủ trương mở rộng diện tích lúa xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Rồi được sự giúp đỡ của tỉnh, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, Mù Cang Chải làm cuộc “cách mạng” sản xuất tăng vụ ở cánh đồng Tà Ghênh, xã Nậm Có. Huyện đã chỉ đạo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ huyện… về tận thôn, bản “3 cùng” với dân, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn đồng bào Mông ủ thóc giống gieo mạ, che nilon, chăm sóc mạ, cày, bừa ruộng, cùng dân cấy lúa xuân.
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, diện tích lúa xuân đã tăng từng năm với cơ cấu giống lúa lai chiếm tỷ lệ cao. Năm 2006-2007, diện tích gieo cấy đã tăng lên 600ha, vụ xuân năm nay toàn huyện đã gieo cấy trên 1.050ha, tăng 350ha so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc tăng vụ mở rộng diện tích là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy. Trước đây đồng bào chưa biết đến các giống lúa lai như Nhị ưu 838, chủ yếu là gieo cấy bằng các giống lúa thuần địa phương. Từ năm 2005 trở lại đây, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các giống lúa có năng suất cao được đưa vào gieo cấy.
Cùng với đó là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm, huyện mở trên 400 lớp tập huấn cho nhân dân về kỹ thuật chăm sóc mạ, phòng trừ sâu bệnh. Vụ mùa năm nay, toàn huyện đưa vào gieo cấy gần 2.600ha lúa mùa với các giống lúa lai chiếm 80%. Nếu như trước đây các giống lúa thuần cho năng suất đạt 1,5 - 2 tấn/ha thì nay đạt 4,5 tấn/ha. Điểm đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải là đưa cây ngô thay thế diện tích lúa nương, năm 2012 này, huyện chuyển đổi trên 440ha, đến năm 2015 sẽ xóa bỏ hoàn toàn 1.200ha lúa nương mộ sang trồng ngô.
Anh Hờ A Hừ - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chế Cu Nha khẳng định: “Đồng bào Mông ngày thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp thay đổi tập quán canh tác của đồng bào từ trồng một vụ sang hai vụ, tăng sản lượng lương thực, tăng thu nhập, tạo việc làm, ổn định đời sống và ngăn chặn nạn phá rừng”.
Để chứng minh câu nói đó, chúng tôi vào nhà Khang A Câu ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha. Nhà Câu có 5 khẩu, không khi nào thiếu gạo ăn nhờ làm ruộng bậc thang và thu hoạch thảo quả. A Câu bảo rằng: “Năm nào gia đình cũng thu hoạch hơn trăm bao thóc, riêng vụ xuân đưa vào gieo cấy 5.000m2 ruộng, thu về 50 bao thóc, điều mà trước đây có nằm mơ cũng không thấy”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết thêm: “Nhờ tăng vụ, bà con dân tộc có điều kiện đưa các giống lúa mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước tiên tiến vào sản xuất nên năng suất ổn định, trung bình đạt trên 45 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 25.000 tấn”.
Một năm có hai mùa vàng bội thu nhờ tăng vụ lúa đông xuân cùng với việc trồng hai vụ ngô ăn chắc trên đất nương rẫy, từ một huyện hàng năm thiếu hàng chục tấn lương thực thì đến nay cơ bản đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
Lên Mù Cang Chải, cảm nhận rõ sự no ấm của đồng bào vùng cao qua nét mặt tươi vui, không khí ngày mùa tấp nập, người gặt, người đập, những tốp người chở từng bao thóc to đi về các bản làng. Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã thấy được những lợi ích của việc nghe và làm theo cán bộ, đảng viên, họ ngày càng tin vào Đảng và Nhà nước, ra sức bảo vệ rừng, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, từng bước chấm dứt việc di canh, di cư.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Phát huy truyền thống 64 năm ngành kiểm tra Đảng, những người làm công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ của UBKT do Điều lệ Đảng quy định.
YBĐT - Ngày 15/10, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại và ẩm thực Miền Tây Yên Bái năm 2012. Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô thị Chinh dự khai mạc Hội chợ.
YBĐT - Chiều 15/10, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị “Công bố quy hoạch phát triển điện lực Yên Bái, giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020” do Viện Năng lượng xây dựng (ảnh).
YBĐT - Ngày 15/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan đã có buổi làm việc với Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công Dự án đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái.