Chính sách “cộng sinh” để phát triển ở Chè Hưng Thịnh
- Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2012 | 9:46:49 AM
YBĐT - Công ty TNHH Chè Hưng Thịnh xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tìm cho mình một hướng đi phù hợp, đã và đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp lớn vào ngân sách địa phương.
Vào vụ chè mới. Ảnh: Thanh Chi
|
Nhìn bề ngoài, cũng như thiết bị máy móc thì không phải quá hoành tráng như nhiều doanh nghiệp khác nhưng Công ty TNHH chè Hưng Thịnh lại có một hướng đi “chẳng giống ai”.
Chỉ với hai dây chuyền sản xuất chế biến chè đen với công suất 30 tấn búp tươi/ngày cùng dây chuyền sản xuất chè theo công nghệ Orthodox, không vùng nguyên liệu nhưng Công ty vẫn làm ăn phát triển và giờ trở thành cánh chim đầu đàn của ngành chế biến chè Yên Bái.
Bí quyết đem đến những thành công cho Công ty là việc thực hiện chính sách “cộng sinh” và lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu. Chính sách “cộng sinh” là không đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng chè như các doanh nghiệp khác thường làm mà “đầu tư” qua giá thu mua sản phẩm.
Ngay trong niên vụ chè năm 2012 này, giá thu mua cao nhất ở các doanh nghiệp chè khác là 3.200 đồng/kg búp thì Công ty Chè Hưng Thịnh thu mua 3.600 đồng/kg.
Về lý do nâng giá thu mua cao hơn các doanh nghiệp khác, ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty nói: “Phương châm hoạt động của Công ty là luôn hướng đến người lao động. Hoạt động, kinh doanh trong cơ chế thị trường thì mình phải giữ chữ tín làm trọng thì mới hy vọng phát triển được. Từ những suy nghĩ đó doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn các doanh nghiệp khác, khi giá cao, người dân sống được bằng nghề thì tự họ sẽ tìm đến với mình".
"Bên cạnh đó, giá thu mua cao nhưng chúng tôi cũng đòi hỏi chất lượng cao hơn, chất lượng búp tốt thì đương nhiên sản xuất ra sản phẩm tốt, sản phẩm tốt thì giá bán cao, bán giá cao thì mình lại mua nguyên liệu cao” - ông Tuấn nói.
Bằng hướng đi đó, người dân làm chè dọc sông Hồng từ Hoàng Thắng, huyện Văn Yên đổ về xã Âu Lâu thành phố Yên Bái rồi đến các xã Hồng Ca (Trấn Yên), Chấn Thịnh (Văn Chấn) đều bán nguyên liệu cho Công ty. Năm 2011, Công ty sản xuất, thu mua được trên 1.600 tấn chè thành phẩm, niên vụ chè 2012 cũng đã sản xuất 1.200 tấn chè đen thành phẩm, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.
Điều đặc biệt là khi các doanh nghiệp chè Yên Bái gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì chè Hưng Thịnh lại không có hàng để bán, doanh thu 9 tháng đạt trên 24 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 300 triệu đồng. Ngoài việc sản xuất, chế biến tại nhà máy, Công ty còn liên kết, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Công nhân công ty vận hành dây chuyền sản xuất chế biến chè đen.
Như để minh chứng, ông Tuấn dẫn chúng tôi đi thăm các phân xưởng sản xuất của Công ty. Tôi cũng đã may mắn được đi và đến nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến chè xanh, chè đen có công nghệ hiện đại vào bậc nhất hiện nay nhưng khi bước chân vào các phân xưởng sản xuất của chè Hưng Thịnh cho thấy tác phong làm việc cũng như các khâu sản xuất đều rất công nghiệp.
Chẳng thế mà chè Hưng Thịnh đã được xuất trực tiếp cũng như xuất ủy thác hàng ngàn tấn mỗi năm sang thị trường Nga, Ápganixtan, thậm chí sang cả thị trường châu Âu.
Có những khách hàng khó tính, dù đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm rồi nhưng mỗi lô hàng xuất lên xe họ vẫn yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm từ các chỉ tiêu lý hoá đến vệ sinh công nghiệp nhưng khi đến doanh nghiệp, trực tiếp xem công nhân làm việc từ khâu làm héo đến vò, lên men, sấy và tách cẫng cũng như phân loại sản phẩm đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt họ rất tin tưởng và năm nào cũng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn.
Không chỉ chú trọng đến lợi ích sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng luôn chăm lo cuộc sống cũng như thực hiện các chính sách cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Hơn 60 cán bộ, công nhân sản xuất công nghiệp đều có mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, có những người tích cực làm việc đã đạt mức lương thường xuyên trên 8 triệu đồng/tháng. Một con số mơ ước của nhiều ngành sản xuất, nhất là trong ngành chế biến nông - lâm sản.
Qua thực tế ở Công ty TNHH Chè Hưng Thịnh càng khẳng định rõ trong nền cơ chế thị trường phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp nào, công ty nào có chiến lược sản xuất kinh doanh, chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo được mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì sản xuất kinh doanh vẫn tồn tại và phát triển tốt.
Thanh Phúc
Các tin khác
Bộ Tài chính cho biết: Giữ ổn định giá bán lẻ, thuế suất thuế nhập khẩu tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành.
YBĐT - Những năm gần đây, thời điểm chính vụ, giá quả Sơn Tra dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Cây Sơn tra đã góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc Mông vùng cao huyện Mù Cang Chải thoát nghèo.
YBĐT - Vừa qua, tại xã Khánh Hòa, Đội Quản lý thị trường số 6 huyện Lục Yên đã tổ chức tiêu hủy 500kg gà thịt thương phẩm không rõ nguồn gốc.
Giá vàng vẫn có đà giảm trong phiên thứ Hai do những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu và do lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với bình thường, khi siêu bão Sandy đang hoành hành vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ. Vàng trong nước cũng đang có đà trượt hướng về mốc 45 triệu đồng.