Cây xóa nghèo của đồng bào vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 30/10/2012 | 2:31:21 PM
YBĐT - Những năm gần đây, thời điểm chính vụ, giá quả Sơn Tra dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Cây Sơn tra đã góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc Mông vùng cao huyện Mù Cang Chải thoát nghèo.
Sản phẩm quả Sơn Tra của đồng bào Mông bày bán tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Sơn Tra còn gọi là táo mèo - loại cây mọc tự nhiên trên đỉnh núi của vùng cao Tây Bắc. Ở Yên Bái, loại cây này tập trung tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Hàng năm, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 11, bà con dân tộc Mông, Thái lại lên rừng thu hái quả về bán, sản lượng đến hàng vạn tấn. Dọc hai bên đường lên các xã vùng cao Mù Cang Chải, những điểm thu mua Sơn Tra tấp nập người mua, người bán. Giá 1kg Sơn Tra vào thời điểm hiện tại bằng 2kg gạo ngon và giờ đây trở thành một nguồn thu không nhỏ của đồng bào vùng cao.
Ông Hảng A Cớ ở bản Chống Tông, xã La Pán Tẩn cho biết: “Mấy năm nay, Sơn Tra được giá nên bà con rất mừng. Từ đầu vụ tới giờ gia đình thu hoạch được khoảng trên 20 bao táo. Như vậy, mùa táo năm nay nhà tôi có thể thu nhập trên 20 triệu đồng, không những có tiền mua gạo để ăn lúc giáp hạt mà còn sắm được quần áo, sách vở cho các cháu đi học”.
Hiện nay đã vào cuối vụ, quả Sơn Tra có giá từ 50-60.000đồng/kg. Như vậy, một gia đình người Mông có thể thu nhập tới vài chục triệu đồng từ Sơn Tra.
Do mấy năm gần đây quả Sơn Tra có giá, nên đồng bào vùng cao Mù Cang Chải đã tích cực trồng cây con, phát triển kinh tế. Hiện huyện Mù Cang Chải có trên 1.000ha cây Sơn Tra vừa mọc tự nhiên vừa được nông dân trồng. Hàng năm, diện tích Sơn Tra này cho thu hoạch tới hơn 2.000 tấn quả tươi.
Ông Nguyễn Thành Nho, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: “Xác định Sơn Tra là một trong những cây thoát nghèo của vùng cao, những năm gần đây huyện Mù Cang Chải đã đưa cây Sơn Tra vào trồng dưới các tán rừng. Hiện nay, diện tích cây Sơn Tra ở các xã đã được quy hoạch, giao cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ.
Các xã cũng đã vận động nhân dân trồng Sơn Tra xen vào các khu rừng thưa táo để nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Năm 2012, huyện Mù Cang Chải trồng 20ha Sơn tra tại các xã Kim Nọi và Chế Cu Nha, 8ha tại xã Hồ Bốn”. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu mỗi cây Sơn Tra cho thu hoạch 20kg quả, theo quy cách trồng hỗn giao với thông đuôi ngựa, 1ha Sơn Tra sẽ cho trên 1 tấn quả, với giá thị trường như hiện nay cũng thu về vài chục triệu đồng.
Phát triển cây bản địa như Sơn Tra là một hướng đi tích cực của các cấp chính quyền và người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Mù Cang Chải. Tuy nhiên, để cây Sơn Tra phát triển bền vững cần có quy hoạch vùng tập trung và giao cho người dân quản lý, gắn trồng với chế biến công nghiệp Sơn Tra để đem lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào, vận động nhân dân không được thu hái Sơn Tra non. Bởi vào thời điểm hiện tại khi giá Sơn Tra lên đến 50-60.000 đồng/kg nhưng không có bán, tìm hiểu được biết do bà con thấy lợi ích trước mắt nên đã hái Sơn Tra non bán với giá chỉ… 6.000 đồng/kg.
Thông Nguyễn
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại xã Khánh Hòa, Đội Quản lý thị trường số 6 huyện Lục Yên đã tổ chức tiêu hủy 500kg gà thịt thương phẩm không rõ nguồn gốc.
Giá vàng vẫn có đà giảm trong phiên thứ Hai do những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu và do lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với bình thường, khi siêu bão Sandy đang hoành hành vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ. Vàng trong nước cũng đang có đà trượt hướng về mốc 45 triệu đồng.
Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên 1,5-2 lần so với chính sách hiện hành.
YBĐT - Có lẽ giờ đây với nhiều nhà nông Mường Lò, việc áp dụng phân viên dúi sâu (gọi tắt là FDP) đã trở thành một “mảnh ghép” không thể thiếu trong sản xuất lúa nước. Cũng chính bởi vậy mà trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ nông hộ và diện tích áp dụng FDP ngày càng nhiều, đi liền với đó là sự tăng lên về năng suất, sản lượng của cây lúa.