Chưa làm bật dậy vùng chè
- Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2012 | 9:01:27 AM
YBĐT - Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (QSEAP) với tổng vốn đầu tư đã giải ngân trên 24 tỷ đồng, một niên vụ chè nữa sắp khép lại, sản lượng chè búp tươi vẫn đạt theo kế hoạch đề ra nhưng bên cạnh đó việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn còn bao điều trăn trở.
Đã qua tập huấn sản xuất chè an toàn nhưng bà con vẫn sản xuất chè phẩm cấp thấp.
|
Giá chè nguyên liệu thấp, người trồng chè vẫn không sống được bằng chè. Doanh nghiệp sản xuất vẫn không có gì sáng sủa, có khá nhiều doanh nghiệp phải “đóng cửa” chờ thời, thậm chí có doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng và mất khả năng thanh toán.
Nói như vậy không phải là tiền dự án không được đầu tư cho sản xuất kinh doanh chè nhưng có những hợp phần đầu tư, phát triển của dự án còn khá nhiều hạn chế so với thực tiễn đặt ra.
Ông Lại Thế Hùng - Giám đốc dự án QSEAP cho biết: “Dự án đã triển khai và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn hiện có và định hướng đến năm 2020 với diện tích 8.500ha đạt theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh phê duyệt ngày 31/7/2012. Ban quản lý dự án cũng đã xác định được 4 điểm (thị trấn nông trường Liên Sơn 40 ha, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ 52 ha, xã Suối Giàng gần 400 ha, xã Bảo Hưng 25 ha) để đầu tư xây dựng vùng chè kiểu mẫu về an toàn đạt tiêu chuẩn Gap.
Đồng thời đầu tư hệ thống giao thông gồm đường trục chính, đường lên đồi và công trình thuỷ lợi tưới nước cho chè, xây dựng cơ sở chế biến chè xanh tại xã Bảo Hưng (Trấn Yên) và Suối Giàng (Văn Chấn), các điểm thu gom và xử lý chất thải tại các vùng chè. Tổ chức hoạt động, đào tạo, hướng dẫn cho hàng chục ngàn lượt bà con nông dân, doanh nghiệp các kiến thức về GAP, HACCP và các quy tắc sản xuất an toàn khác về chè. Hỗ trợ trồng thay thế chè già cỗi bằng giống mới được 1.168 ha, toàn bộ diện tích này đều nằm trong quy hoạch vùng chè an toàn của tỉnh...”.
Có thể nói, kết quả mà Dự án triển khai đã và đang góp phần tích cực cho phát triển ngành chè Yên Bái, song việc triển khai thực hiện Dự án rất chậm, mục tiêu của dự án là tạo vùng chè an toàn (chè sạch) thế nhưng sau 3 năm đến nay mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Không chỉ có vậy mà trong quá trình triển khai Dự án đang bộc lộ những vấn đề bất cập với thực tiễn.
Như chúng ta đã biết, Yên Bái là tỉnh có diện tích chè rộng lớn từ diện tích đến sản lượng thế nhưng ngành chè chưa thật sự phát triển. Giá trị trên mỗi ha chè bình quân chỉ đạt 15 - 17 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thì phần lớn người dân không sống được bằng chè. Sản xuất nông nghiệp đã vậy, trong công nghiệp chế biến cũng không mấy sáng sủa bởi toàn tỉnh có trên 100 cơ sở chế biến công nghiệp nhưng giá trị toàn ngành cũng đạt chưa đầy 400 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.
Xét về kinh tế thì sản xuất, kinh doanh chè không phải lớn nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn có hàng chục vạn hộ nông dân đang ngày đêm gắn bó với cây chè. Sản xuất, kinh doanh chè không phát triển là do giống chè già cỗi, cơ sở chế biến, công nghệ chế biến chè đen là chính, đã sản xuất chế biến chè đen thì không thể có giá trị cao được là điều dễ hiểu. Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế buộc người làm chè phải nâng cao khối lượng để bù vào giá trị.
Chính từ những yếu tố đó người làm chè Yên Bái mấy chục năm nay đã quen với sản xuất chè phẩm cấp thấp thế mà Dự án thì cứ đi hướng dẫn, tập huấn bà con sản xuất chè an toàn, chè sạch theo tiêu chuẩn thì xem ra bà con cũng khó mà áp dụng được. Vẫn biết trong xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay đang hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sản xuất giảm sử dụng thuốc trừ sâu thế nhưng thực tế lại không thể áp dụng ngay được. Hiện chúng ta có hàng trăm cơ sở chế biến, mỗi cơ sở có công suất 25 - 30 tấn búp tươi/ngày, để có nguyên liệu doanh nghiệp phải đi thu mua gom của trên 300 hộ dân. Trong số 300 hộ dân này không phải hộ nào cũng đã được tập huấn và biết áp dụng sản xuất chè “sạch”.
Từ đó doanh nghiệp cũng không thể phân loại và đưa vào sản xuất riêng được dẫn đến chè sạch, chè an toàn cũng như chè thường đều cho vào chế biến chung. Một vấn đề nữa là có sản xuất chè sạch, chè an toàn bà con cũng không biết bán cho doanh nghiệp nào bởi cả tỉnh doanh nghiệp nào giá mua cũng như nhau.
Theo đó, người làm chè không sống được bằng nghề thì dẫu có muốn sản xuất cũng không thể được. Doanh nghiệp chè không đổi mới, sản xuất trên dây chuyền cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí có nhiều cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn sản xuất bình thường mà không thấy ai xử lý. Toàn tỉnh có tới 104 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè nhưng qua kiểm tra đánh giá hàng năm chỉ có 10 doanh nghiệp xếp loại A, còn lại là xếp hạng B, C theo quy định doanh nghiệp nào 3 năm liên tiếp xếp hạng C thì buộc phải đóng cửa thế nhưng chúng ta vẫn chưa làm được.
Rõ ràng trong sản xuất chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn vẫn đang bộc lộ những bất cập chưa được giải quyết một cách triệt để, do đó dự án chè triệu đô chứ hàng chục triệu đô đi chăng nữa mà không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các nhà quản lý, đến doanh nghiệp và người làm chè thì cũng rất khó thành công.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu gian lận, vi phạm về quản lý giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các hoạt động thanh-kiểm tra theo kế hoạch.
Đó là nội dung được quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
YBĐT - Hiện nay, Nà Hẩu có 5 thôn với 360 hộ dân đang sinh sống trong và ngoài vùng đệm của Khu bảo tồn với 78,5% là hộ nghèo, đất canh tác ít do vậy khai thác lâm sản là một trong những nguồn thu chính của người dân.
YBĐT - Với 15.000 ha mặt nước hồ Thác Bà, 546 ha mặt nước ao đầm, từ lâu chăn nuôi thủy sản được coi là một trong những thế mạnh để giải quyết bài toán xóa đói, giảm nghèo ở huyện Yên Bình. >>Yên Bình đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà