Cây đao riềng trên đất Quy Mông

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2012 | 2:54:10 PM

YBĐT - Những năm gần đây, đao riềng đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.

Cây đao riềng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Quy Mông.
Cây đao riềng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Quy Mông.

Mỗi mùa đao riềng đến, trải dài hơn 2 km, dọc bờ sông Hồng, khắp đường làng, ngõ xóm, trước cửa, sau lưng những ngôi nhà cao tầng là những bãi đao riềng nở hoa đỏ rực, báo hiệu niềm vui về cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây...

Ở Quy Mông câu chuyện về cây đao riềng xây được nhà cao cửa rộng, mua xe máy SH gần trăm triệu đồng đã thực sự thôi thúc chúng tôi… Theo người dân nơi đây, cây đao riềng được trồng từ những năm 1970 nhưng người dân chỉ trồng loại giống đao riềng ta để phục vụ chăn nuôi.

5 năm trở lại đây, khi được Nhà nước hỗ trợ giống đao riềng lai Trung Quốc thì đao riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân trong xã.... Nếu như 2008, toàn xã mới trồng được 20ha thì đến năm 2011 đã tăng lên 35 ha và năm 2012 là trên 50 ha.

Cây đao riềng được trồng ở hầu hết các thôn, nhưng trồng nhiều nhất là thôn 1 và 2. Những nơi này có nhiều đất soi bãi ven sông Hồng, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho cây đao riềng phát triển.

Thôn 2 là thôn trồng nhiều đao riềng nhất của xã. Đao riềng phủ lên đất trống, bao quanh cả những cung đường về thôn xóm, thẳm xanh như một dải mây. Theo chân anh Dương Hồng Tuấn - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã đến thăm hộ ông Vũ Văn Lượng là một trong số những người đầu tiên trồng đao riềng và bỏ ra trên 50 triệu đồng để san gạt đồi gò, lấp ao trồng loại cây này.

Ông đã tìm hiểu nhiều loại cây trồng nhưng cây đao riềng có nhiều ưu điểm nhất, dễ trồng, không kén đất, không mất quá nhiều công chăm sóc. Mỗi năm trồng một vụ, trồng đầu năm, cuối năm thu hoạch. đao riềng khả năng chịu hạn tốt, củ tươi lâu, thuận cho việc gây giống, bột đao riềng để được từ năm này sang năm khác.

Mỗi sào cho thu hoạch 2,5-3 tấn củ; với giá bán 100.000 -120.000 đồng/tạ củ, nhà ông trồng 7 sào, mỗi vụ được 3,5 tấn bột đao, giá bán 13.000-15.000 đồng/1kg bột, cho thu nhập trên 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Lượng tâm sự: “Trồng cây đao riềng này thu nhập cao gấp 3 lần cây lúa mà khi mới trồng chúng tôi còn trồng xen được một vụ ngô xuân hè.

Thôn tôi có tất cả 12 ha với trên 50% hộ dân trồng đao riềng, số hộ còn lại do không có đất để trồng”. Do đao riềng có giá trị cao nên bây giờ ở Quy Mông, người dân tận dụng triệt để từng khoảng đất để trồng đao riềng.

Nghề trồng đao riềng phát triển kéo theo nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ khác, đặc biệt là nghề chế biến tinh bột đao riềng. Những năm trước đây, người dân trồng đao riềng, chỉ biết bán củ cho nơi khác, chưa biết chế biến nên hiệu quả kinh tế không cao.

Qua học hỏi, tìm hiểu, đến nay cả xã đã có 5 hộ đầu tư xây dựng lò, xưởng chế biến tinh bột đao riềng. Ông Phí Đắc Hùng - một trong những người đầu tiên học và đưa kỹ thuật chế biến đao riềng về xã cho biết: “Một ngày đêm dây chuyền nhà tôi chế biến 15 tấn củ (khoảng 2,5-3 tấn tinh bột).

Mỗi năm trừ chi phí từ trồng đao riềng và làm dịch vụ gia đình còn lãi hơn 200 triệu đồng”. Ngồi trong căn biệt thự với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt được xây từ năm 2009, ông Hùng vui vẻ chỉ vào chiếc xe máy SH màu đen cho biết: “Tháng 7 vừa rồi gia đình tôi bán được ít bột dự trữ từ mùa trước nên mua luôn chiếc xe máy SH này cho cậu con trai, trị giá 80 triệu đồng đấy”.

Câu chuyện về trồng cây đao riềng xây được nhà cao cửa rộng, mua xe máy đắt tiền giờ không còn hiếm ở đất Quy Mông này nữa. Có thể nói, với hướng đi mới phù hợp các điều kiện phát triển của địa phương, tin rằng cây đao riềng sẽ tạo ra bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Thời gian tới xã sẽ quy hoạch vùng trồng đao riềng và đề nghị cấp trên hỗ trợ máy sản xuất miến, vận động người dân đầu tư dây chuyền để chế biến ra sản phẩm cuối cùng của cây đao riềng là miến. Tiến tới mở làng nghề chế biến sản xuất miến ngay tại xã chứ không bán bột như hiện nay”.

Hồng Duyên

Các tin khác
Đã qua tập huấn sản xuất chè an toàn nhưng bà con vẫn sản xuất chè phẩm cấp thấp.

YBĐT - Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (QSEAP) với tổng vốn đầu tư đã giải ngân trên 24 tỷ đồng, một niên vụ chè nữa sắp khép lại, sản lượng chè búp tươi vẫn đạt theo kế hoạch đề ra nhưng bên cạnh đó việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn còn bao điều trăn trở.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu gian lận, vi phạm về quản lý giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các hoạt động thanh-kiểm tra theo kế hoạch.

Đó là nội dung được quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Sùng A Sếnh, thôn Làng Thượng, xã Nà Hẩu.

YBĐT - Hiện nay, Nà Hẩu có 5 thôn với 360 hộ dân đang sinh sống trong và ngoài vùng đệm của Khu bảo tồn với 78,5% là hộ nghèo, đất canh tác ít do vậy khai thác lâm sản là một trong những nguồn thu chính của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục