Đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2012 | 9:10:20 AM
YBĐT - Để quản lý tốt nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Các giải pháp vận động và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề ổn định cuộc sống là việc Yên Bình cần quan tâm.
Khu vực thu mua tôm đánh bắt trên hồ Thác Bà tại bến Mông Sơn.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Theo thống kê, huyện Yên Bình có đến 1.007 ngư dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản trên hồ. Nhiều năm trước đây do công tác quản lý còn nhiều bất cập, các ngư dân đã sử dụng nhiều loại phương tiện trong đó có những phương tiện mang tính hủy diệt như: lưới vét, kích điện, mìn… để đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà nên nguồn lợi thủy sản trên hồ ngày càng cạn kiệt.
Thực hiện Quy chế quản lý, khai thác và nuôi trồng thủy sản của UBND tỉnh, ngày 4/10/2011 UBND huyện Yên Bình đã ra Chỉ thị 10/CT UBND về tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và nghiêm cấm dùng chất nổ, kích điện, lưới vét, vó lưới mắt nhỏ đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà.
Ông Lã Tuấn Khanh - Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện, thành viên Ban chỉ đạo công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà cho biết: “Triển khai Chỉ thị của UBND huyện, Yên Bình đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thành viên là các ban, ngành của huyện và 20 xã, thị trấn có diện tích mặt hồ. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời, Phòng đã tham mưu để huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các xã tuần tra, xử lý vi phạm. Mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng bước đầu đã có kết quả khả quan”.
Để Chỉ thị triển khai có hiệu quả, công tác tuyên truyền đến người dân về Quy chế quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản cũng như Chỉ thị 10 của UBND huyện đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Vì vậy đến ngày 5/9/2012, tất cả UBND các xã, thị trấn được giao quản lý diện tích mặt nước hồ Thác Bà đã gửi bản cam kết với UBND huyện về việc không để ngư dân sử dụng vó lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn để khai thác thủy sản và quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ tuyên truyền vận động, đã có 513/1.007 ngư dân cam kết không sử dụng vó lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn và các ngư cụ hủy diệt khác.
Đặc biệt đã có 2 ngư dân thuộc thị trấn Yên Bình trước đây sử dụng kích điện để khai thác thủy sản đã chuyển đổi sang nghề khác là làm mộc và lái tàu. Cùng tuyên truyền vận động, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Đến nay, đã phá dỡ 441 vó đèn, trong đó các xã cùng ngư dân tự tháo dỡ 218 vó.
Đặc biệt, chỉ trong tháng 9, các xã đã dỡ 62 vó lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn, cụ thể xã Yên Thành phá 7 vó, Phúc An 7 vó và thu hai lưới, thị trấn Thác Bà 2 vó, xã Thịnh Hưng 2 vó, xã Tân Hương phá 22 vó giáp ranh giữa các xã Phúc An, Yên Thành và Mông Sơn… Đoàn còn kiểm tra xử lý 4 vụ với 5 đối tượng sử dụng kích điện để khai thác; lập biên bản 2 vụ, 4 đối tượng khai thác thủy sản trái phép (khai thác cá bằng dụng cụ lạ).
Ngoài ra, UBND xã Mông Sơn, Bảo Ái và Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm nguồn lợi thủy sản thu phạt trên 27 triệu đồng.
Công an tỉnh phối hợp với Công an xã Mông Sơn bắt giữ 6 đối tượng buôn bán, vận chuyển, cất giấu 71 kg chất nổ trái phép. Dù đã đạt được một số kết quả nhưng do một số xã chưa triển khai triệt để nên tình trạng sử dụng hay tái sử dụng lưới vó mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn vẫn diễn ra, do khó phát hiện và xử lý nên việc đánh bắt bằng kích điện vẫn tồn tại…, đây là những vấn đề mà huyện Yên Bình cần kiên quyết xử lý trong thời gian tới.
Để quản lý tốt nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, về trước mắt, Yên Bình cần tiếp tục đôn đốc UBND các xã, thị trấn cho ngư dân ký cam kết không sử dụng vó lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn để khai thác và thực hiện các biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức nâng cao nhận thức cho ngư dân để không sử dụng chất nổ, kích điện và các phương tiện hủy diệt khác để khai thác; đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và các xã cần duy trì công tác tuần tra, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm…
Về lâu dài, cần có các giải pháp vận động và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề ổn định cuộc sống. Trong đó cần hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các tổ đội, hợp tác xã (HTX) khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với quản lý bảo vệ mặt hồ.
Đối với các xã có nhu cầu thành lập HTX nuôi trồng, khai thác cần phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh và Chi cục Thủy sản để tạo điều kiện giúp đỡ tốt nhất để các HTX đó ra đời, hoạt động đúng luật và hiệu quả.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân trong lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ở Yên Bái đã có bước phát triển tốt, không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và quy mô kinh doanh, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
MobiFone cho hay, từ 20/11/2012, nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ gọi quốc tế chiều đi tới các đầu số vệ tinh +88 (+881, +882, +883), tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng, lừa khách hàng…
YBĐT - Những năm gần đây, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hoá, chăn nuôi phát triển, công tác trồng và chăm sóc rừng được coi trọng nên bộ mặt kinh tế - xã hội đa có những đổi thay rõ rệt.
YBĐT - Để cán bộ luôn sâu sát dân, Đảng bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ phụ trách xã, trưởng, phó các cơ, quan đơn vị phụ trách thôn, bản nhằm khắc phục khó khăn, xóa bỏ đói nghèo, hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc, nâng cao dân trí.