Nhân dân hoan nghênh song cần linh hoạt, hợp lý hơn
- Cập nhật: Thứ ba, 25/12/2012 | 2:46:33 PM
YBĐT - Trong vòng hơn một năm trở lại đây, việc hợp pháp hóa quyền sử dụng đất được các ngành chức năng của thành phố Yên Bái thực hiện nhanh chóng, đúng luật.
Người dân đến làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Yên Bái.
|
Trước đây, khi người dân mua, bán chuyển nhượng đất đai, từ khi làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền nếu "quen biết" cũng phải hàng tháng, thậm chí hàng năm, nhưng nay gói gọn chỉ trong 10 - 15 ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Yên Bái cho biết: Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay, thị trường bất động sản gần như "đóng băng" nhưng trong 11 tháng của năm, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có hơn 500 cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục hợp pháp hóa đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất với số tiền nộp ngân sách trên 33 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - phường Minh Tân cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phấn khởi nói: Đây là lần thứ ba, tôi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng hai năm trở lại đây. Lần trước, năm 2011, việc làm thủ tục các giấy tờ rất phức tạp, hàng tháng trời vẫn chưa xong.
Nhưng lần này, mọi thủ tục giấy tờ được thực hiện nhanh gọn cùng với sự hướng dẫn tỷ mỷ của cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nên rất thuận tiện, chỉ trong vòng 15 ngày đã được cấp sổ đỏ". Rõ ràng, việc chỉ đạo chặt chẽ, đúng luật cùng với sự làm việc tận tình của các cán bộ ngành chức năng đã là động lực để người dân tin tưởng và làm thủ tục hợp pháp hóa đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.
Điều này không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn để thành phố quản lý đất đai tốt hơn, người dân yên tâm trong việc sử dụng mảnh đất của mình. Trên địa bàn thành phố, thực tế có khá nhiều gia đình mua bán nhà đất đã qua ba bốn chủ nhưng vẫn chưa làm thủ tục hợp pháp hóa.
Không phải người dân không muốn làm mà do thủ tục rườm rà, cán bộ thực thi đôi khi không làm tốt nhiệm vụ được giao nên người dân không mặn mà. Tuy nhiên, hiện nay với sự chỉ đạo và làm việc đúng luật, nhiệt tình của cán bộ thực thi, người dân đã có niềm tin và tích cực làm thủ tục hợp pháp hóa ngày một nhiều hơn.
Việc hợp pháp hóa đất đai đã triển khai thực hiện khá hiệu quả nhưng việc chuyển đổi sử dụng đất dôi dư trong các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đang là một câu chuyện thời sự nóng hổi của người dân thành phố trong vài tháng trở lại đây.
Đến nay vẫn chưa có thống kê chính xác của ngành chức năng về việc trên địa bàn thành phố có bao nhiêu hộ đang sử dụng đất vượt quá diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có nhiều hộ sổ đỏ được cấp 70 - 80m2 nhưng gia đình xây nhà, xây bếp, làm công trình phụ, thậm chí cả công trình kiên cố trên diện tích cả trăm mét vuông.
Việc không được cấp sổ đỏ mà các gia đình vẫn xây dựng, sử dụng xây dựng trên phần đất không được cấp đất thổ cư là vi phạm Luật Đất đai, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Những điều đó bất cứ người dân nào cũng hiểu, cấp chính quyền nào cũng biết nhưng dường như, chính quyền và người dân vẫn chưa tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Hương - phường Minh Tân nói: Gia đình tôi mua đất làm nhà ở đây từ năm 1992, diện tích được cấp trong sổ đỏ là 115m2 nhưng diện tích ở thực tế nay là 135m2, so với sổ đỏ vượt quá 20m2. Gia đình cũng muốn đề nghị Nhà nước cho làm lại sổ phù hợp với thực tế nhưng không biết thủ tục thế nào, tiền phải nộp bao nhiêu...
Có nhiều người nói phải nộp 3 triệu đồng/m2, nếu nộp như vậy thì dẫu gia đình rất muốn làm nhưng không lấy đâu ra tiền mà nộp nên thôi cứ để đấy. 20 năm nay, đất đai chẳng có ai tranh chấp, chẳng có chính quyền nào nhắc nhở thì làm làm gì cho mệt.
Gia đình chị Thu cũng ở phường Minh Tân mua lại mảnh đất của một gia đình thuộc tổ 4, phố Tân Dân năm 2010, trong sổ đỏ chỉ có 145m2 nhưng diện tích đất ở thực tế là 180m2. Khi chuyển quyền sử dụng đất, gia đình cũng muốn chuyển toàn bộ diện tích đất dôi dư vào sổ đỏ song khi làm thủ tục đối với phần đất dôi dư được yêu cầu nộp 100 triệu đồng theo quy định.
Với mức này, gia đình không thể nộp được, do đó gia đình chỉ làm sang tên nguyên diện tích trong sổ đỏ. Đối với diện tích dôi dư, mình có tranh chấp với ai đâu, mà trả lại chính quyền 3 chục mét đất ở sau nhà, không có lối vào thì chính quyền cũng không bán cho ai được, mà có ai muốn mua để trồng rau cũng không có lối vào; nếu cách áp giá phù hợp thì làm, còn cao quá thì cứ để thế.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang lúng túng và khó khăn trong hợp pháp hóa đất dôi dư. Qua thực tế, hầu hết các hộ cá nhân, tổ chức đều muốn sử dụng đất đai, làm nhà trên diện tích đất đã được cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình ở cũng như công tác quản lý đất đai trước đây còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hộ gia đình sử dụng quá diện tích được cấp theo sổ đỏ. Có nhiều gia đình, do đo đạc không chính xác nên làm sổ đỏ không hết diện tích; có những diện tích do người dân khai phá từ nhiều năm nay và sử dụng đất đai không đúng mục đích.
Như vậy, hàng năm sẽ gây thất thu một nguồn không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, người dân sử dụng diện tích đất không hợp pháp cũng chẳng an lòng. Để việc hợp pháp hóa diện tích đất dôi dư trong các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuận lợi, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và để công tác quản lý đất đai chặt chẽ, thành phố cần có những hướng dẫn cụ thể và vận động nhân dân làm thủ tục hợp pháp hóa đất dôi dư.
Trong quá trình hợp pháp hóa cũng cần có sự linh hoạt, truy xét nguồn gốc của đất đai, phần đất nào do "lịch sử" để lại, phần đất nào do dân khai phá, phần đất nào do lấn chiếm… để áp giá phù hợp, đúng luật, đảm bảo công bằng cho tất cả các hộ gia đình.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đằng Trà, một cái tên nhãn trà xanh bắt đầu tạo niềm tin về uy tín chất lượng được khách tới du lịch Suối Giàng tìm mua. Họ đã thực sự được sử dụng sản phẩm trà đặc sản của Suối Giàng do người Mông Suối Giàng ấp ủ tạo dựng nên thương hiệu và tự tay mình làm ra.
“Từ năm 2013, cứ 3 tháng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tính toán lại giá điện 1 lần theo đúng Thông tư số 24"- ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định.
YBĐT - Tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp để chế biến dự trữ thức ăn cho gia súc; vận động nhốt trâu, bò trong chuồng che kín, không thả rông gia súc vào ngày lạnh - đó là những việc làm mà Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cán bộ khuyến nông huyện Lục Yên đang tích cực triển khai.
Ngày đầu tiên các quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực (24/12), lãi suất trên thị trường không có nhiều xáo trộn; một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cao ở các kỳ hạn dài.