Phúc An: Tìm hướng phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2012 | 2:29:41 PM
YBĐT - Phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc An, huyện Yên Bái (Yên Bái) đã và đang tích cực chỉ đạo nhân dân chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh lúa, ngô, cây màu các loại; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với 6 nhân khẩu lại không có đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình anh Lý Văn Trường, thôn Đồng Tha gặp nhiều khó khăn.
|
Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, Phúc An có nhiều dân tộc sinh sống như: Dao, Cao Lan, Tày, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán lạc hậu, đời sống khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo nông thôn dần khởi sắc, đời sống của trên 1.200 hộ dân từng bước cải thiện. Tuy nhiên, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/năm và còn 20% số hộ đói nghèo như hiện nay thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương còn nhiều trăn trở.
Những năm qua, nhờ nguồn vốn của Chương trình 135 mà hệ thống cơ sở vật chất của xã đã được đầu tư. Nằm trên trục đường Vĩnh Kiên - Yên Thế nên hoạt động giao thương nhờ đó phát triển hơn. Người dân cũng biết chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa song các mô hình chăn nuôi cơ bản vẫn manh mún, nhỏ lẻ nên cuộc sống còn khó khăn.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã đã và đang tích cực chỉ đạo nhân dân chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh lúa, ngô, cây màu các loại; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Với trên 30% dân số sống chủ yếu bằng nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà, xã vận động người dân khai thác hiệu quả lợi thế mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng, khuyến khích phát triển nghề đan rọ tôm.
Ông Nguyễn Văn Vấn - Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: “Hàng năm, Phúc An được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng tiền thóc giống, phân bón, tập huấn... nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên đời sống còn khó khăn. Đặc biệt, ở Phúc An, có 3 thôn là người dân không có đất sản xuất nên khó khăn càng chồng chất khó khăn”.
Hiện nay, Phúc An còn một số thôn, bản khó khăn, chủ yếu là vùng đồng bào Dao sinh sống như: Ba Chãng, Khe Tam, Đồng Tha, Đồng Tý, Đồng Tâm, Đồng Tanh... Khó khăn do dân cư sống thưa thớt, một số hộ nằm sâu trong các thung lũng và rải rác trên các đảo hồ Thác Bà, cách xa trung tâm xã gần chục ki-lô-mét, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy.
Nhất là những hộ dân ở 3 thôn Đồng Tha, Đồng Tâm, Đồng Tanh không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà. Tuy nhiên, việc đánh bắt và tận thu theo kiểu hủy diệt nhiều năm qua đã khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, người dân gặp nhiều khó khăn.
Anh Lý Văn Trường ở thôn Đồng Tha tâm sự: “Không có đất sản xuất, gia đình tôi 6 miệng ăn chỉ trông vào nghề đánh rọ tôm trên hồ. Độ này tôm ít, cả ngày cũng chỉ được trên dưới 1kg, bán được 40.00 đồng. Giờ tôi chỉ mong Nhà nước cấp cho tôi ít đất để gia đình tăng gia sản xuất, nuôi các con ăn học”.
Hộ bà Tạ Thị Bột, hai ông bà đã gần 60 tuổi cùng một cậu con trai ở trong căn lều ọp ẹp dựng trên phần đất thuộc hành lang của trục đường Vĩnh Kiên - Yên Thế. Không có đất sản xuất, sức khỏe yếu nên gia đình bà cũng chỉ trông vào nghề đan rọ tôm, trong nhà có vài ba con gà, 1 con lợn và 1 con bò nuôi chia. Mong ước của bà hiện nay là Nhà nước cấp cho có ít đất để sản xuất, đảm bảo cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Minh Việt - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phúc An cho biết: “Toàn xã có khoảng trên 30% hộ dân không có đất sản xuất. Những năm qua, người dân cũng như xã nhiều lần đề nghị lên cấp trên xem xét cấp đất cho dân. Theo Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh, đợt tới, xã có 50ha đất rừng giao cho dân nhưng số này chủ yếu là diện tích kém hiệu quả nên cũng rất khó để người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
Giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, cùng với việc tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước thì cấp ủy, chính quyền xã Phúc An cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người dân cũng không nên trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà phải vượt khó bằng chính nội lực của mình.
Hồng Duyên
Các tin khác
Cầu Sông Lô, 1 trong 2 cây cầu dài nhất của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã chính thức hợp long chiều 27/12.
Theo kế hoạch của NHNN, trong những ngày tới, cơ quan này sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng các điều kiện tham gia kinh doanh, mua bán vàng miếng.
YBĐT - Năm 2012, thị trường thế giới nhiều biến động tiêu cực, cùng với đó Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, thắt chặt chi tiêu công, cùng với chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp... đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu ngân sách trên địa bàn.
Hãng Toyota ngày 26-12 đã đồng ý trả khoảng 1,1 tỉ USD nhằm dàn xếp vụ kiện với các chủ sở hữu xe tại Mỹ sau vụ thu hồi một khối lượng sản phẩm ôtô lớn hồi năm 2009-2010 vì lỗi chân ga.