Hoạt động ngân hàng tạo động lực cho sự phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 14/1/2013 | 9:53:04 AM
YBĐT - Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Yên Bái đạt trên 12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công tác an sinh xã hội bảo đảm. Đóng góp cho thành công ấy, có sự nỗ lực của ngành ngân hàng.
Ngay từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung, giải pháp chủ yếu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Với định hướng mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động tiền gửi các tổ chức và dân cư so với năm 2011 tăng từ 15% đến 17%; tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế từ 13% đến 15%; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ 3% nhưng vẫn tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái đã thể hiện rõ vai trò của mình. Đó là thông qua việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp về các lĩnh vực tiền tệ, kinh doanh vàng bạc; trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng nhân dân tăng cường các biện pháp huy động vốn, tuân thủ các quy định về lãi suất...
Lãnh đạo Ngân hàng trực tiếp kiểm tra tình hình hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; kiểm tra, nắm tình hình hoạt động tín dụng, thực hiện các quy định về an toàn hoạt động, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát tại 08 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở theo chương trình kế hoạch công tác và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Nhờ sự chỉ đạo kịp thời và các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tiếp tục ổn định, đảm bảo các quy định về an toàn vốn, khả năng chi trả; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất…
Thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa 13%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân đạt 8.015 tỷ đồng, tăng 12,79% so với đầu năm; trong đó số dư tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 62,47%, tiền gửi tiết kiệm tăng 35,8%, nguồn vốn điều hòa hệ thống giảm 11,4%.
Cơ cấu nguồn vốn huy động dưới hình thức tiền gửi các tổ chức và dân cư chiếm 63,62% tổng nguồn vốn, tăng 11,81% so với thực hiện năm 2011.
Các chuyên gia ngân hàng đều khẳng định, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cao, nhất là việc các ngân hàng thương mại tăng mạnh nguồn vốn từ tiền gửi tiết kiệm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp các ngân hàng không chỉ đảm bảo tính thanh khoản, thực hiện các hợp đồng tín dụng đã ký kết mà còn thực hiện việc cho vay nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao, nhất là cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo.
Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân đạt 7.749 tỷ đồng, tăng 17,26% so với năm 2011 (kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 13% đến 15%), trong đó: dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng 18,55%, dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tăng 9,37% so với đầu năm. Cơ cấu dư nợ tăng trưởng tín dụng phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội địa phương; tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tăng 17,49%, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng 18,2%.
Tổng số nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân đến 31/12/2012 chiếm 2,35% so với tổng dư nợ, giảm 0,48% so với đầu năm. Nền kinh tế ghi nhận sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại với việc liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; nỗ lực từ phía ngân hàng không chỉ giúp các doanh nghiệp có vốn mà gánh nặng lãi suất đã được cởi bỏ.
Tại lễ ký kết bổ sung nguồn vốn tín dụng 200 tỷ đồng cho dự án Thủy điện Văn Chấn tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, ông Bùi Khắc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn phát biểu: "Ngân hàng thương mại không chỉ hợp tác chặt chẽ với khách hàng mà còn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có nguồn vốn, khắc phục khó khăn do trượt giá nguyên vật liệu và tỷ giá gây ra".
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Thành tích của cả hệ thống là rất cơ bản, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung nhưng ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại vẫn còn những yếu kém. Cụ thể là nguồn vốn huy động tuy đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng đáng kể song thiếu tính bền vững; cơ cấu kỳ hạn huy động vốn bất cập với thời hạn cho vay.
Việc cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập rủi ro cũng còn những hạn chế, tiềm ẩn nợ xấu phát sinh; số đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản còn ít, chủ yếu thực hiện đối với các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố. Toàn ngành phấn đấu, năm 2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn so với năm 2012 tăng từ 15% đến 20%; tín dụng đối với nền kinh tế tăng từ 10% đến 12%; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ khoảng 3%.
Đây là những mục tiêu không dễ thực hiện nhưng toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu và hoàn thành để đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Việc thu phí đối với ô tô tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái diễn ra khá tấp nập trong cả tuần qua. Riêng với xe máy thì vẫn chưa cấp nào triển khai và đang bộc lộ những khó khăn nhất định. >>Yên Bái triển khai thực hiện thu phí bảo trì đường bộ
Ngày 13-1, tại Thanh Hóa, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã khởi công Dự án phân phối hiệu quả khu vực phía Bắc bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
YBĐT - Sau hậu quả gần 700 trâu, bò chết rét cách đây 2 năm, huyện Văn Yên xác định, cùng với vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ, thì việc giữ ấm và dự trữ thức ăn cho trâu bò trong điều kiện giá rét kéo dài là việc hết sức quan trọng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường, trong đó chủ yếu liên quan đến thị trường BĐS. Đa số giải pháp mà các Bộ, ngành đề xuất gần đây đã được Chính phủ chấp thuận và đưa vào Nghị quyết.