Yên Bái phát triển mạnh chăn nuôi thủy sản
- Cập nhật: Thứ năm, 17/1/2013 | 9:39:43 AM
YBĐT - Là tỉnh miền núi song Yên Bái lại có tiềm năng, thế mạnh về nuôi thủy sản và là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây. Cá bỗng Lục Yên, cá tầm hồ Thác Bà, ba ba gai Văn Chấn hay cá suối, cá ruộng miền Tây... đã trở thành niềm tự hào của Yên Bái. Từ chăn nuôi thủy sản, nhiều vùng quê của Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ… đang vươn mình đổi thay.
Mô hình nuôi cá chiên trong lồng trên sông Hồng.
|
Với diện tích trên 24.000ha mặt nước, trong đó hơn 2.300ha mặt nước đủ điều kiện chăn nuôi thủy sản, Yên Bái đã khẳng định tiềm năng phát triển chăn nuôi thủy sản. Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với hàng trăm giống, loài sinh sống, đặc biệt có nhiều giống loài quý hiếm như cá tầm, cá nheo, cá lăng, cá bỗng, cá chiên, ba ba gai... Gần đây, với nỗ lực đưa chăn nuôi thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác khuyến ngư.
Các cơ sở sản xuất giống được đầu tư trang thiết bị, con người... để cung ứng cho nhu cầu chăn nuôi của người dân. Hiện toàn tỉnh có hai cơ sở sản xuất giống chính và hàng trăm hộ gia đình cũng đủ khả năng tự cung cấp con giống. Các trại giống thủy sản đều tiến hành sản xuất, ương nuôi các loài cá truyền thống như trắm, chép, rô phi, trôi, mè...
Trong năm 2012, các cơ sở đã sản xuất 125 triệu con cá bột, 35 triệu con cá hương giống các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc bổ sung cho nguồn lợi thủy sản cũng được chú trọng với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2012, tỉnh thả bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các hồ, đầm trên địa bàn tỉnh trên 21.546kg cá giống các loại.
Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình khuyến ngư và thông qua các mô hình này góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản. Vài năm trở lại đây, chăn nuôi thủy sản phát triển khá mạnh, nơi nào có ao hồ là ở đó nhân dân đầu tư chăn nuôi thủy sản, nhiều địa phương chuyển đổi hàng chục héc - ta ruộng kém hiệu quả sang thả cá. Hiện nay, có trên 700ha cá ruộng, trong đó vùng lòng chảo Mường Lò có phong trào nuôi cá ruộng cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà.
Với trên 19.000ha mặt nước hồ Thác Bà, trên 1.000ha mặt nước đầm Vân Hội, đầm Hậu, xã Minh Quân (Trấn Yên) là điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi cá lồng. Số lượng lồng cá tăng dần qua các năm, hiện toàn tỉnh có gần 800 lồng, sản lượng hàng chục tấn cá. Trên 16ha nuôi ba ba, chủ yếu tập trung ở huyện Văn Chấn, thành phố Yên Bái đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Với những kết quả này, chăn nuôi thủy sản ở Yên Bái đã góp phần không nhỏ cho phong trào xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2012, sản lượng thủy sản đánh bắt của toàn tỉnh đạt trên 6.300 tấn, giá trị đạt hàng chục tỷ đồng. Ở các địa phương xuất hiện không ít hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi thủy sản.
Bên cạnh thế mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản thương phẩm, Yên Bái còn có thế mạnh đang được định hướng phát triển nuôi thủy sản đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã thực hiện hai mô hình nuôi cá chiên trong lồng tại huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái, bước đầu đã có kết quả.
Để chăn nuôi thủy sản của tỉnh phát triển mạnh, tương xứng với tiềm năng, tỉnh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng nuôi thâm canh, chuyên canh bằng các loại con giống đặc sản, năng suất và hiệu quả cao; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, công tác khuyến ngư tới đông đảo người chăn nuôi. Tỉnh cũng nên có chính sách hợp lý, quy hoạch, đầu tư sản xuất, nuôi trồng tập trung các loại cá đặc sản hướng tới xuất khẩu trên diện tích mặt nước hồ Thác Bà, đầm Vân Hội, đầm Minh Quân...
Đặc biệt, các mô hình nuôi cá đặc sản là cơ sở khoa học để đưa vào cơ cấu những giống thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản ở các địa phương, qua đó góp phần khai thác tối đa tiềm năng về diện tích mặt nước, nguồn thức ăn sẵn có và lao động tại địa phương. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, nguồn thủy sản đặc sản còn bổ sung cơ cấu giống thủy sản, đa dạng nguồn hàng hóa thương phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân cũng như phục vụ kinh doanh và du lịch.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Để chủ động phòng, chống đói rét cho gia súc trong vụ đông năm 2012 - 2013, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để bà con nông dân chủ động nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra.
YBĐT - Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi giống thỏ NewZealand tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên” được triển khai từ năm 2011 đã mang lại hiệu quả thiết thực và có thể nhân rộng.
YBĐT - Với trên 71.000ha rừng các loại, những năm trước huyện Văn Chấn luôn là địa bàn nóng về khai thác và vận chuyển lâm sản. Đặc biệt, ở các xã Gia Hội, Nậm Búng, Nậm Lành… những cánh rừng ở đây luôn phải đối mặt với các đội quân phá rừng chuyên nghiệp, cuộc chiến giữ rừng gặp nhiều khó khăn vì người dân tiếp tay cho các đầu nậu.
Sáng 16/1, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, báo cáo cho biết thực trạng thua lỗ của các tập đoàn, tổng cty nhà nước năm 2012 cải thiện so với năm trước, nhưng vẫn lên tới hàng ngàn tỷ đồng.