Thị trấn Mù Cang Chải tăng cường phát triển thương mại - dịch vụ
- Cập nhật: Thứ hai, 21/1/2013 | 3:20:17 PM
YBĐT - Trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tập trung tìm các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Một góc chợ Mù Cang Chải.
|
Thị trấn Mù Cang Chải nằm ở trung tâm huyện lỵ, có quốc lộ 32 nối liền Lai Châu, Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và các tỉnh, thành khác nên việc thông thương, trao đổi hàng hóa tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, Mù Cang Chải còn có danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước nên thương mại - dịch vụ càng có điều kiện phát triển.
Theo bà Lương Thị Thủy - Chủ tịch UBND thị trấn, hiện nay, diện tích đất sản xuất lúa nước của địa phương rất ít, chỉ có 30ha, trong đó diện tích 2 vụ chỉ gần 15ha và chủ yếu tập trung ở khu vực bản Thái (tổ 9,10). Do vậy, phát triển thương mại - dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trên cơ sở đó, hàng năm, thị trấn đều tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại - dịch vụ từ tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đến tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hồ sơ đến tín chấp vay vốn. Trong năm 2012, thị trấn đã giải ngân trên 15 tỷ đồng từ nguồn vốn tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho các thành phần kinh tế, các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế.
Với những giải pháp tích cực đó, ngành thương mại - dịch vụ của thị trấn đang dần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Đến nay, thị trấn có 134 hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tăng 10 hộ so với năm 2011.
Tiêu biểu trong số này là gia đình bà Trần Thị Thơ ở tổ 3 gần 10 năm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhà hàng Hương Ly của gia đình bà bảo đảm tổ chức cho các hội nghị, đám cưới và các đoàn khách du lịch. Mỗi năm, gia đình bà đóng góp cho ngân sách trên 30 triệu đồng.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở tổ 4 ngoài cung ứng các nhu cầu thiết yếu cho người dân, mỗi tháng cũng nộp ngân sách từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Hiện nay, ngành thương mại - dịch vụ đã chiếm tới 50% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của thị trấn; mức lưu chuyển hàng hóa trong năm 2012 ước đạt 55 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, phát triển thương mại - dịch vụ là hướng đi đúng của thị trấn.
Tuy nhiên, thực tế phát triển thương mại - dịch vụ mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ; thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khu vực chợ Mù Cang Chải đã quá tải nhưng chưa được đầu tư, mở rộng cộng với việc phát triển du lịch còn thiếu sự gắn kết nên cũng chưa thúc đẩy thương mại - dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh mẽ.
Để thương mại - dịch vụ thực sự trở thành động lực trong phát triển kinh tế của thị trấn, trước mắt, các cấp chính quyền cần xem xét, tạo điều kiện về mặt bằng kinh doanh, tín chấp vay vốn, tăng cường liên kết du lịch, tổ chức các tuyến du lịch cộng đồng… Từ đó tạo động lực cho ngành thương mại - dịch vụ thị trấn Mù Cang Chải có điều kiện phát triển.
Cường Hùng
Các tin khác
YBĐT - Thúc đẩy phong trào nuôi gà đặc sản thả vườn ở Mai Sơn ngày càng tăng quy mô, xã luôn coi trọng việc khuyến khích các hộ còn khó khăn mạnh dạn chăn nuôi gà để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 20/1/2013, nhiều khu vực thuộc 14 tỉnh, thành trên cả nước đã nhiều ngày không có mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm và cấp nguy hiểm.
YBĐT - Để thực hiện việc điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 1.000 điều tra viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị.