Cần những giải pháp đồng bộ trong chăn nuôi thủy sản ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2013 | 3:57:59 PM
YBĐT - Năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 6.500 tấn các loại, giá trị thu nhập đạt trên 200 tỷ đồng. Đó là một con số không hề nhỏ nhưng so với lợi thế và tiềm năng thì quả là khiêm tốn.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã và đang phát huy hiệu quả.
|
Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái lại có nhiều lợi thế phát triển thủy sản với 26.000ha mặt nước, hàng trăm sông suối, ao hồ và có trên 5.000ha mặt nước đủ điều kiện nuôi thâm canh tốt. Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với hàng trăm giống loài và có những giống loài quý hiếm như cá anh vũ, cá chiên, cá bống, ba ba gai…
Phong trào phát triển chăn nuôi thủy sản rộng khắp từ nuôi cá ao, cá ruộng, cá bè, cá lồng và cũng đã có nhiều mô hình phát triển theo làng, theo trang trại với những loài đặc sản, quý hiếm.
Nhưng nhìn một cách tổng thể, việc phát triển chăn nuôi vẫn tự phát và chưa có sự đầu tư thỏa đáng từ nguồn vốn, giống đến thú y nên vẫn chưa thành hàng hóa và thị trường. Hiện cả tỉnh chỉ có trên dưới 800 lồng nuôi cá trên các hồ đập, sông suối, còn chủ yếu nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình và đánh bắt tự nhiên.
Trong số hơn 6.000 tấn sản lượng đánh bắt, có tới gần nửa là đánh bắt tự nhiên nên chất lượng cá, tôm thấp. Tình trạng đánh bắt bằng mìn cơ bản không còn nhưng dọc vùng hồ Thác Bà, vó bè, kích điện vẫn chưa hết. Chăn nuôi, khai thác còn bất cập, khâu chế biến gần như không có mà hoàn toàn nội tiêu.
Sản xuất tự cung tự cấp, không có khả năng biến đổi linh hoạt trước sự thay đổi của thị trường nên cá, tôm từ Trung Quốc, từ các tỉnh lân cận đã chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh. Thiếu quy hoạch, thiếu định hướng và nguồn lực đầu tư nên phát triển không bền vững. Do phát triển theo phong trào, sản lượng lớn nhưng giá trị không cao, người chăn nuôi chưa có thể giàu nhờ nghề.
Muốn phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản cần đầu tư đồng bộ chứ không thể chỉ đánh bắt khai thác tự nhiên.
Để chăn nuôi thủy sản phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ. Tiềm năng có, lợi thế lớn nhưng trong thời gian vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp hàng năm rất lớn nhưng tập trung chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm mà chưa chú trọng, chưa coi chăn nuôi thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, rõ ràng là một ngành có giá trị kinh tế cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nhưng mức đầu tư cũng như cơ chế, chính sách chưa bằng với các ngành khác.
Bên cạnh đó, ngoài việc phát huy lợi thế nguồn nước từ các địa phương, ngành nông nghiệp cũng cần làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt nên chọn Yên Bình, nhất là các địa phương ven hồ Thác Bà để xây dựng thành trung tâm nghề cá, phát triển theo hướng năng động, bền vững, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Các địa phương còn lại phát triển và hình thành các cụm vệ tinh, trong đó chú trọng chăn nuôi thâm canh. Từng bước xây dựng các mô hình làng cá trên hồ Thác Bà, hiện nay đã có khá nhiều hộ dân ở thị trấn Thác Bà, xã Phú Thịnh, Cảm Nhân, Vũ Linh (Yên Bình) phát triển và nuôi cá bè khá thành công với quy mô tương đối lớn.
Mặt khác cần chú trọng nguồn cá giống đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh có hai trại ươm cá giống, mỗi năm cung cấp trên 16 triệu con cá giống, chủ yếu là cá chép, cá trắm nhưng lại thiếu trầm trọng cá đặc sản. Vì vậy, các hộ chăn nuôi chủ yếu phải nhập giống từ các địa phương khác về nuôi, giá thành vừa cao, giống lại không sạch bệnh dẫn đến rủi ro cao.
Một vấn đề nữa là người nuôi cá rất thiếu kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như cách phòng bệnh cho cá nên phát triển thiếu tính bền vững. Xã Vân Hội đã một thời “ăn nên làm ra” với nghề nuôi cá lồng nhưng nay cũng mai một bởi sự phát triển tự phát, thiếu kiến thức khoa học, hàng loạt cá lồng bị nhiễm bệnh, nhiều người đã phá sản.
Giải quyết tốt những tồn tại và làm tốt công tác quy hoạch cùng những giải pháp đồng bộ thì nghề nuôi cá sẽ phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Xác định được ý nghĩa quan trọng của việc thu thuế môn bài nên ngay từ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2012, Chi cục thuế Mù Cang Chải đã chỉ đạo các đội thuế vùng miền báo cáo UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách các đối tượng sẽ nộp thuế môn bài.
YBĐT - Để Dự án xóa nghèo bền vững thực hiện tốt hơn, các hộ nghèo phải thay đổi nhận thức, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với yếu tố thị trường, chủ động vươn lên thoát nghèo, có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết theo quy chế dự án.
YBĐT - Để thực hiện được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD năm 2013 đòi hỏi các cấp, các ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bộ NN&PTNT vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013.