Để Dự án xóa nghèo bền vững thêm hiệu quả ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2013 | 9:20:51 AM

YBĐT - Để Dự án xóa nghèo bền vững thực hiện tốt hơn, các hộ nghèo phải thay đổi nhận thức, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với yếu tố thị trường, chủ động vươn lên thoát nghèo, có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết theo quy chế dự án.

Cán bộ quản lý Dự án kiểm tra việc thực hiện Dự án tại gia đình anh Lò Văn Hóa, bản Pá Làng, Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ.
Cán bộ quản lý Dự án kiểm tra việc thực hiện Dự án tại gia đình anh Lò Văn Hóa, bản Pá Làng, Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 32%. Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo đã luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, đã có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Một trong số đó là mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Trong hai năm 2011 - 2012, mô hình giảm nghèo về phát triển đàn lợn sinh sản đã được triển khai tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho 528 hộ gia đình thuộc diện nghèo tại các xã của 6 huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ. Mục tiêu hỗ trợ các hộ nghèo trong vùng Dự án có điều kiện chăn nuôi gia súc nhưng chưa đủ vốn để mua lợn giống chăn nuôi.

Dự án đã hỗ trợ tiền mặt trên 3 triệu đồng/con cái/hộ, sau chu kỳ 4 - 6 tháng lợn giống sinh sản khoảng 7 đến 8 con, trong đó chọn một con giống tốt nhất để luân chuyển cho các hộ nghèo khác chăm sóc, hưởng lợi.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Lộc - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Tổ chức thực hiện Dự án xã Liễu Đô, huyện Lục Yên cho biết: Trên địa bàn xã, chúng tôi có 4 thôn được hưởng lợi là Kha Bán, Nà Nọi, Tiền Phong, Ngòi Tàu.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đã có 13/21 con lợn nái sinh sản và luân phiên cho các hộ nghèo khác. Nhiều gia đình trong xã thuộc diện hộ nghèo nay đã thoát nghèo, cải thiện thu nhập, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hơn thế, nhờ dự án, tổng đàn lợn của xã đã có trên 6 nghìn con.

Tới đây, xã sẽ nhân rộng mô hình tới 5 thôn còn lại. Những hộ nghèo được hưởng lợi từ Dự án, ngoài tiền hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh... còn được hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc - ông Lộc khẳng định thêm.

Trong năm 2012, ngành lao động thương binh và xã hội đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 11 lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn nái cho 276 hộ nghèo, trung bình mỗi xã tổ chức 1 lớp. Qua đó, các hộ nghèo đã nắm và nhận thức được vai trò quan trọng của Dự án, đồng thời biết được kiến thức để áp dụng vào thực tế tại gia đình.

Anh Lò Văn Hóa ở bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước gia đình tôi được tham gia Dự án. Tôi đã nhận đầy đủ tiền hỗ trợ và được đi tập huấn kỹ thuật. Đến nay, gia đình đã có 6 con lợn từ lứa đầu tiên và chọn con giống luân chuyển cho hộ nghèo khác. Nhờ Dự án, tôi có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo".

Mặt khác, trong quá trình thực hiện Dự án từ khi bắt đầu nuôi lợn nái giống đến khi xuất bán lợn con chu kỳ thứ nhất, các hộ tham gia được sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ phụ trách kỹ thuật của Ban tổ chức thực hiện Dự án xã, như: hướng dẫn kiểm tra kỹ thuật chăn nuôi, trực tiếp điều trị các trường hợp phát sinh dịch bệnh và phối giống.

Để có kết quả giảm nghèo bền vững, ngành lao động thương binh và xã hội đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp thực hiện xóa đói giảm nghèo, đồng thời qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm những cách làm mới, những mô hình giảm nghèo có hiệu quả, thiết thực và tranh thủ được nguồn lực của Bộ chủ quản để xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.

Ông Trịnh Xuân Trượng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Dự án đã có 528 hộ nghèo thụ hưởng với những kết quả đáng mừng. Ước tính sau hai năm triển khai đã giảm 10% hộ nghèo.

Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ các hộ gia đình tham gia còn hạn chế, giá cả thị trường tăng cao; 100% các hộ tham gia dự án chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên vẫn còn những tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại... dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện còn chậm yêu cầu tiến độ.

Để Dự án thực hiện tốt hơn, các hộ nghèo phải thay đổi nhận thức, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với yếu tố thị trường, chủ động vươn lên thoát nghèo, có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết theo quy chế Dự án. Có như vậy, mô hình giảm nghèo mới thực sự đạt hiệu quả và có tính bền vững.  

Trần Minh

Các tin khác
Năm 2012, nhiều doanh nghiệp sản xuất ván bóc gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

YBĐT - Để thực hiện được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD năm 2013 đòi hỏi các cấp, các ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bộ NN&PTNT vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ (chiều ngày 29/1), Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong tháng 1/2013, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao; Tổng mức bán lẻ tăng thấp; Tăng trưởng tín dụng chậm được cải thiện

Nuôi thỏ - một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

YBĐT - Năm 2012, hoạt động KH&CN của các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến toàn diện, nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục