Những nông dân năng động của thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2013 | 9:09:15 AM
YBĐT - Để các hội viên nông dân có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Nông dân thành phố Yên Bái đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động các hộ nông dân tham gia vào các dự án được sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố.
Mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu với trên 3.000 bịch của gia đình hội viên Trần Thu Hà, xã Giới Phiên.
|
Với sự năng động, nhạy bén trong nắm bắt cơ chế thị trường của nông dân cùng sự "trợ lực" về vốn, kỹ thuật của các cấp hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố Yên Bái ngày càng phát triển mạnh. Đây là động lực thúc đẩy nông dân thành phố phát huy năng lực và sự sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.
Năm 2012, thành phố đã có trên 2.100 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương có 6 hộ cấp, cấp tỉnh 73 hộ, còn lại là các hộ đạt danh hiệu cấp cơ sở. Đó là một tín hiệu đáng mừng khi người dân ngày càng nâng cao ý thức vươn lên trong phát triển sản xuất, phát huy tính sáng tạo, chủ động tìm tòi học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để các hội viên có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động các hộ nông dân tham gia vào các dự án được sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố như: vận động 98 hộ nông dân tham gia dự án nuôi trồng nấm, mộc nhĩ; 105 hộ tham gia dự án chăn nuôi, trong đó có 27 dự án lợn thịt, 35 dự án lợn nái, 12 dự án gà, 5 dự án ba ba, đóng mới 26 lồng cá.
Cùng với đó, Hội vận động 212 hộ nông dân xã Tuy Lộc trồng 8,7ha ớt xuất khẩu theo dự án đầu tư của Công ty Hương Cảnh. Hiệu quả từ các dự án mang lại nhìn thấy rõ nhất chính là đời sống của người nông dân đang từng bước được cải thiện, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu.
Xuất phát từ hộ nông dân nghèo của xã nhưng với sự mạnh dạn học hỏi và được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung - hội viên Hội Nông dân Giới Phiên đã trở thành nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã.
Chị cho biết: "Lúc đầu, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng để phát triển nghề miến. Sau một thời gian được đi tập huấn kỹ thuật, gia đình đã mở rộng mô hình và được tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ cho máy bánh răng chuyền để ép miến, nhờ đó năng suất, hiệu quả sản xuất miến ngày càng cao. Nếu thời tiết nắng ráo thì mỗi tháng gia đình cũng thu nhập khoảng 20 triệu đồng".
Để nâng cao kiến thức phát triển kinh tế cho hội viên, Hội còn phối hợp với các ngành tổ chức 62 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; hỗ trợ vốn, giống, vật tư và là cầu nối thực hiện tốt chương trình liên kết "4 nhà" giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.
Nhằm giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên vay trên 1 tỷ đồng; giải ngân cho 20 hội viên nông dân sản xuất miến đao ở hai xã Giới Phiên, Phúc Lộc vay 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội theo Dự án của Hội Nông dân thành phố.
Cùng với đó, Hội tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giới thiệu những mô hình hay, cách làm mới để nông dân học hỏi, áp dụng trong sản xuất.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao còn tạo việc làm cho lao động địa phương và giúp nhiều hộ nông dân khác vươn lên phát triển như: hội viên Nguyễn Huy Tâm, thôn Liên Phúc, xã Văn Phú với mô hình chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần 20 lao động; mô hình chế biến gỗ rừng trồng cho thu nhập 160 triệu đồng/năm của hội viên Vũ Đông Anh, thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc; mô hình sản xuất vật liệu xây dựng của hội viên Hà Việt Phúc, thôn Nhà Giát, xã Văn Tiến cho thu nhập 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương…
Bà Hà Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: "Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tập trung xây dựng mô hình điểm về sản xuất hàng hóa cả về cây trồng, vật nuôi với quy mô đảm bảo sức cạnh tranh trong thị trường; phát triển sản xuất gắn liền với giữ gìn, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp sạch; tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nông dân tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân".
Trong năm qua, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức khai giảng 22 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 650 lao động nông nghiệp; thăm hỏi, giúp đỡ 37 hộ hội viên nông dân thoát nghèo và 37 hộ hội viên được xóa nhà tạm… Những việc làm đó đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các gia đình hội viên nông dân khó khăn, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Nếu như những năm trước đây, cây ngô vẫn là chủ lực thì năm nay, ngoài cây ngô, bà con còn đưa khoai tây, bí, rau, cà chua, hành, ớt... vào trồng với diện tích khá lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt nhiều kết quả khả quan.
Chiều 31/1, ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas của Saigon Petro cho biết: “Kể từ 7h30 sáng nay 1/2, giá bán gas SP giảm 1.083 đồng/kg (đã VAT), tương đương 13.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 1/2013”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực; chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; quy định mới về đào tạo liên thông; chỉ thành lập Phòng công chứng nếu không phát triển được Văn phòng công chứng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2013.
YBĐT - Ngay tháng 11 của năm 2012, huyện Mù Cang Chải đã tiến hành tổng kết công tác phòng chống cháy rừng 2011 - 2012 và triển khai nhiệm vụ phòng chống cháy rừng niên vụ 2012 – 2013; kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR của huyện.