Những cây rơm “nghị quyết” ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2013 | 8:56:33 AM

YBĐT - Có những năm, chỉ trong tuần đại hàn giá rét, huyện Trạm Tấu đã thiệt hại hàng nghìn con trâu bò, người dân vừa mất đi "đầu cơ nghiệp" vừa thiệt hại về kinh tế lại không chủ động được sức kéo.

Những cây rơm này đã góp phần giúp đồng bào vùng cao phòng, chống đói, rét tốt hơn cho trâu, bò trong mùa đông.
(Ảnh: Tô Anh Hải)
Những cây rơm này đã góp phần giúp đồng bào vùng cao phòng, chống đói, rét tốt hơn cho trâu, bò trong mùa đông. (Ảnh: Tô Anh Hải)

Hàng năm, khi cái rét cắt da cắt thịt về với vùng cao thì cũng là lúc hàng trăm nỗi lo  về với người dân miền núi. Do tập quán chăn thả gia súc trên rừng, chuồng trại không đảm bảo nên đây là thời điểm đàn đại gia súc khó chống chọi với giá rét.

Có những năm, chỉ trong tuần đại hàn giá rét, huyện Trạm Tấu đã thiệt hại hàng nghìn con trâu bò, người dân vừa mất đi "đầu cơ nghiệp" vừa thiệt hại về kinh tế lại không chủ động được sức kéo.

Trước tình hình ấy, năm 2010, Nghị quyết về làm cây rơm dự trữ thức ăn cho đàn gia súc được Huyện ủy Trạm Tấu ban hành. Nghị quyết này đã "cứu" hàng ngàn con trâu, bò khỏe mạnh trong mùa giá rét, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Vàng A Chu ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu có 2 con trâu và 3 con bò. Thực hiện chủ trương của huyện về làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông và có sự vận động của già làng, trưởng bản, anh Chu đã làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc từ năm 2011. Vậy là 2 năm trôi qua, bò nhà anh đã sinh thêm 1 bê con và đàn gia súc đã “bình thản” bước qua mùa giá rét.

Anh Vàng A Chu nói: "Trước đây, do nhà mình chủ quan nên hay thả rông gia súc trên rừng, lúc nhiệt độ xuống thấp 5oC - 7oC, trâu của gia đình và mấy người trong bản đã bị chết rét, vừa mất hơn chục triệu đồng lại mất sức cày kéo trong vụ lúa xuân chỉ trong mấy ngày rét. Được sự vận động của huyện, của già làng, trưởng thôn cùng sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp về làm cây rơm, nhà mình đã làm chuồng nuôi nhốt gia súc, làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc 2 năm nay. Thế là mình tận dụng được sản phẩm nông nghiệp, mùa đông không phải thường xuyên đi lấy thức ăn cho trâu, bò và trâu, bò cũng không bị chết rét".

 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu vận động đồng bào Mông xã Trạm Tấu làm cây rơm.

Cũng giống như nhiều hành trình khác, hành trình vận động nhân dân làm cây rơm dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông ở xã Trạm Tấu gặp rất nhiều gian nan, vất vả. Không phải cứ nói là dân làm theo ngay mà phải mất nhiều cuộc họp đêm với nỗ lực của cán bộ huyện, cán bộ xã và trưởng các thôn, bản.

Đồng chí Mùa A Páo - Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Thả rông gia súc là một tập tục đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào. Cái gì đã ăn sâu, bén rễ thì thay đổi lại gặp rất nhiều khó khăn. Bằng cách làm rất truyền thống là cán bộ xã gương mẫu đi đầu, sau đó là đảng viên các chi bộ thôn bản, tiếp đó là các già làng, trưởng họ thì việc làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc ở xã đã thành công tốt đẹp. Từ năm 2011, nhân dân trong xã đã làm cây rơm và năm 2012 làm được trên 230 cây rơm ở 5 thôn bản. Nhờ vậy, nếu như năm 2010, xã bị thiệt hại 147 con trâu, bò do rét đậm, rét hại thì hai năm nay không có trâu, bò bị chết rét".

Hiện nay, đàn đại gia súc của xã Trạm Tấu có hơn 700 con. Cùng với vận động nhân dân chủ động làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn đại gia súc, việc làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông được xã coi là một tiêu chí quan trọng để phát triển đàn đại gia súc.

Đồng chí Mùa A Páo - Phó chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phát triển đàn đại gia súc đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, xã xác định, cùng với phát triển các diện tích trồng cỏ đảm bảo thức ăn có chất lượng cho đàn gia súc, việc vận động tất cả các hộ dân có gia súc làm cây rơm cũng là một mục tiêu quan trọng mà nhất định xã phải làm. Thực tế, nhờ những cây rơm này mà đàn đại gia súc của xã được giữ vững qua thời tiết đại hàn giá rét, người dân cũng không phải vất vả đi cắt cỏ giữa lúc mưa rét cho gia súc".

Cũng giống như ở xã Trạm Tấu, ngay khi có nghị quyết về làm cây rơm, xã Bản Mù đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân dự trữ rơm khô cho gia súc trong mùa đông.

Đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mới đầu vận động, đồng bào trong xã cứ bảo là rơm khô để lâu thối ra, trâu nhìn cũng chạy chứ làm gì thèm ăn. Nhờ đội ngũ cán bộ khuyến nông cùng trưởng, thôn bản làm cùng với dân và hướng dẫn cách bảo quản cây rơm, mới đầu chỉ có vài hộ tham gia, sau đó thấy hiệu quả mà cây rơm mang lại là giúp tiết kiệm thời gian lao động, giữ được sức khỏe cho trâu, bò trong mùa giá rét thì năm sau mới có nhiều hộ làm theo.

Năm 2012, Bản Mù đã làm được 131 cây rơm, không có trâu, bò bị chết rét, giữ vững đầu đàn gia súc hơn 500 con, không như mùa rét 2007 - 2008 bị thiệt hại hơn 100 con. Năm 2013, xã sẽ đăng ký làm cây rơm và tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để hướng tới mục tiêu, mỗi hộ gia đình có gia súc đều có cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông".

Bà Giàng Thị Dở năm nay đã gần 60 tuổi ở xã Bản Mù chia sẻ: "Trước đây không biết, cứ gặt xong là vứt rơm bừa ở ruộng hoặc đốt lấy tro, gia súc thì thả rông trên rừng nên chúng bị chết rét, tiếc của lắm mà không biết phải làm thế nào... Nay nghe theo cán bộ khuyến nông, gia đình tôi đã làm cây rơm này cũng không tốn bao nhiêu thời gian mà mùa đông năm nay không phải lên rừng cắt cỏ, trâu bò cũng không bị chết rét nữa. Mùa tới, gặt lúa xong, tôi sẽ lại bảo con cháu làm cây rơm để nuôi trâu, bò cho tốt".

 

Người dân xã Bản Mù thu gom rơm làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Hiện nay, huyện Trạm Tấu có 23.178 con gia súc, trong đó có 5.895 con trâu, 3.051 con bò. Huyện xác định, chăn nuôi đại gia súc có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bởi địa hình đồi núi dốc như ở Trạm Tấu thì trâu, bò là phương tiện không thể thiếu trong sản xuất, có giá trị kinh tế lớn, mỗi con trâu, bò hiện nay có giá trên 10.000.000 đồng

. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc được huyện đặc biệt quan tâm. Điều này sẽ khắc phục được hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn thả rông gia súc - nguyên nhân chính gây tổn thất hơn 1.000 con gia súc bị chết trong mùa đông năm 2010.

Đồng chí Giàng A Câu - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Năm 2012, huyện đã làm được 1.361 cây rơm cho gia súc. Thực tế, những cây rơm ở Trạm Tấu đã giúp đàn gia súc của huyện tăng trưởng ổn định, ngăn chặn tối đa tình trạng trâu bò chết rét và thực tế là năm 2012 không có trâu, bò bị chết rét.

Chủ trương của huyện là tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tốt việc làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc, coi đây là một tiêu chí thi đua của các xã". Trải qua hai mùa giá rét, những cây rơm "nghị quyết " đã là lời giải cho việc giữ vững và phát triển đầu đàn gia súc ở Trạm Tấu. Vấn đề còn lại là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động những hộ gia đình có gia súc xã hội hóa việc làm cây rơm dự trữ thức ăn để đảm bảo giúp đàn gia súc tiếp tục "kiên cường" bước qua mùa đói rét của những năm tiếp theo.

Hiện nay, huyện Trạm Tấu có 23.178 con gia súc, trong đó có 5.895 con trâu, 3.051 con bò. Huyện xác định, chăn nuôi đại gia súc có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bởi địa hình đồi núi dốc như ở Trạm Tấu thì trâu, bò là phương tiện không thể thiếu trong sản xuất, có giá trị kinh tế lớn, mỗi con trâu, bò hiện nay có giá trên 10.000.000 đồng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc được huyện đặc biệt quan tâm.

Phương Thùy

Các tin khác

YBĐT - Mới đây, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị gặp mặt với giám đốc và kế toán trưởng của 78 doanh nghiệp đã có nhiều thành tích đóng góp nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.

YBĐT - Nhằm tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Lục Yên vừa tiến hành triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại 3 xã điểm của huyện gồm: Minh Xuân, Tân Lĩnh và Liễu Đô.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tham gia trồng cây trong lễ phát động.

YBĐT - Sáng 18/2 (tức mồng 9 Tết Quý Tỵ) tại thị trấn Yên Thế, UBND huyện Lục Yên tổ chức lễ ra quân Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Tỵ 2013 với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo huyện và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong huyện và thị trấn Yên Thế.

Tại Thông báo 75/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trước ngày 30/6/2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục