Yên Bái khôi phục chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh sau tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/3/2013 | 2:59:53 PM

YBĐT - Hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau tết, gia đình bà Hà Thị Thùy Dương thực hiện dự án nuôi 50 con lợn thịt.
Ngay sau tết, gia đình bà Hà Thị Thùy Dương thực hiện dự án nuôi 50 con lợn thịt.

Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, một số lượng lớn gia súc, gia cầm đã được giết mổ, chế biến thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Do đó, hiện nay, các địa phương đang vận động, tuyên truyền người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, khôi phục phát triển chăn nuôi và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Để việc tái đàn và phát triển chăn nuôi của người dân sau tết Nguyên đán đảm bảo an toàn dịch bệnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát, thống kê đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch phát triển quy mô và cơ cấu đàn phù hợp với tiềm năng sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Dự báo năm 2013, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng cao. Ngay từ những tháng đầu năm, ngành đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo người chăn nuôi cẩn trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt; chú trọng khâu tuyển chọn con giống và phòng chống dịch bệnh, xây dựng các khu chăn nuôi an toàn…".

Toàn tỉnh hiện có 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái trên 300 con, 5 cơ sở trên 200 con, 277 cơ sở từ 10 - 20 con và hầu hết các hộ chăn nuôi có từ 1 - 3 con nái… Các cơ sở chăn nuôi lợn nái chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu con giống cho người dân. Do vậy, khi tuyển chọn con giống, người dân cần xem nguồn gốc rõ ràng; khi mua về cần nuôi tách đàn 15 ngày để theo dõi dịch bệnh, sau đó mới cho nhập đàn.

Hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong tháng 2, ngành nông nghiệp tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng đàn để chuẩn bị công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… trên địa bàn toàn tỉnh và tiêm phòng dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh ở các địa phương bị dịch vào năm 2012, dự kiến trong tháng 3 này sẽ tiêm phòng xong cho đàn gia súc, gia cầm.

Phun thuốc khử trùng trước khi chăn nuôi lứa mới.

Là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi hàng hóa phát triển, những năm qua, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, huyện Yên Bình không bị thiệt hại lớn khi có dịch bệnh xảy ra. Với tổng đàn gần 80.000 con lợn và trên 400.000 con gia cầm, chăn nuôi đã giúp cho hàng nghìn hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn, gà của anh Bùi Minh Hoàng, tổ 12, thị trấn Yên Bình vào lúc gia đình đang phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại để chuẩn bị cho vụ chăn nuôi mới. Gia đình anh Hoàng chăn nuôi đã được 4 năm, trong chuồng lúc nào cũng có gần 30 con lợn thịt, 3 con lợn nái và 1.500 con gà Ai Cập đẻ trứng.

Tết Nguyên đán vừa qua, anh đã cung cấp cho thị trường một khối lượng lớn thịt lợn hơi và gia cầm. Ngay sau tết, để đảm bảo nguồn thu nhập, gia đình đã vệ sinh chuồng trại và tiến hành chăn nuôi. Anh Hoàng cho biết: "Do gia đình chủ động được con giống nên không lo về vấn đề dịch bệnh.

Từ khi chăn nuôi đến nay, gia đình tôi không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn gia súc, gia cầm phát triển nhanh, hàng năm sau khi trừ các khoản chi phí cũng để ra trên 80 triệu đồng". Là một trong số những hộ chăn nuôi lớn trong xã, gia đình bà Hà Thị Thùy Dương, thôn Đồng Tha, xã Phúc An mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 6 tấn lợn hơi và 6,5 tạ gà thịt.

Bà Dương cho biết: "Để mở rộng chăn nuôi, ngay sau tết Nguyên đán, gia đình thực hiện dự án 50 con lợn thịt và vừa cho nhập đàn, hiện nay đàn lợn phát triển tốt. Gia đình đang vệ sinh chuồng gà và chuẩn bị vào một lứa 200 con. Chúng tôi hy vọng chăn nuôi năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái".

Năm 2013, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ cho 164 cơ sở chăn nuôi mới, trong đó có 71 cơ sở chăn nuôi lợn nái, 56 cơ sở chăn nuôi lợn thịt và 37 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Đây là cơ hội cho người chăn nuôi mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đàn gia súc chính đạt 3% trở lên so với năm 2012, trong đó đàn lợn đạt trên 468.000 con, đàn gia cầm đạt 3,8 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 26.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động trong việc tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường, các trang trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học, khép kín; nhập con giống ở các cơ sở bảo đảm chất lượng để kiểm soát được nguồn bệnh, tránh gây thiệt hại cho người dân khi vào vụ nuôi mới…               

H.D

Các tin khác
Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Dự báo, doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó rất cần sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ.

Nhóm hàng xuất khẩu tăng nhiều nhất là nhóm công nghiệp và khoáng sản tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 125,49 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục