“Bà đỡ” của hộ nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/3/2013 | 2:34:09 PM

YBĐT - Những năm qua, nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), không ít hộ gia đình ở huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vươn lên thoát nghèo. Vốn vay ưu đãi đã thực sự là “bà đỡ” để người nghèo thêm vững tin vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình chị Mông Thị Hát thoát nghèo nhờ nuôi trâu sinh sản.
Gia đình chị Mông Thị Hát thoát nghèo nhờ nuôi trâu sinh sản.

Vốn nhỏ cứu 3 bà cháu

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Triệu Thị Oanh ở thôn Tân Quang, xã Liễu Đô là một hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2004, chồng bà không may bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì vài năm sau, con trai và con dâu cũng mắc bệnh và qua đời sớm, để lại cho bà Oanh 2 đứa cháu nội thơ dại, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Gánh nặng nuôi hai cháu ăn học đổ dồn lên đôi vai bà. Hàng ngày, để có tiền nuôi các cháu ăn học, bà phải đi làm thuê kiếm sống nhưng đồng tiền kiếm được cũng không đủ các cháu đèn sách.

Cuộc đời của 3 bà cháu tưởng chừng như không lối thoát bởi nhà chỉ có vẻn vẹn 2 sào ruộng, trâu bò không có, của cải trong nhà cũng đã bán hết để chữa chạy cho những năm tháng người thân bị bệnh. Như một phép màu, năm 2012, gia đình bà may mắn được xét cho vay vốn hộ nghèo với số tiền 25 triệu đồng. Số tiền này bà đã đầu tư xây 5 ngăn chuồng lợn. Lúc đầu ít vốn, bà chỉ mua một lợn nái sinh sản về nuôi.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, ngay trong năm 2012, lợn nái đẻ được 2 lứa lợn con, bán đi thu về 16 triệu đồng, trừ chi phí lãi 8 triệu đồng. Số tiền này bà tiếp tục mua thêm 2 lợn nái về nuôi. Dẫn chúng tôi thăm chuồng lợn, bà khoe, đến tháng 6, lợn lại đẻ lứa nữa sẽ giữ lại nuôi.

Không giấu được niềm xúc động, bà Oanh cho biết: “Đồng vốn ưu đãi của NHCSXH thật sự đã cứu 3 bà cháu tôi. Nếu chăn nuôi thuận buồm xuôi gió, tôi sẽ trả nợ hết và có tiền cho các cháu ăn học nên người”.

Anh Lý Thông Kỳ, thôn Kha Bán, xã Liêu Đô lập gia đình và ra ở riêng từ năm 2002 với 2 bàn tay trắng. Cuộc sống chỉ trông vào 3 sào ruộng và mảnh vườn nhỏ quanh nhà, mỗi năm thiếu đói từ 3 - 4 tháng. Không có vốn để làm ăn nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình, cuộc sống chưa bao giờ dư giả bởi đủ thứ phải lo.

Năm 2008, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, gia đình anh được NHCSXH huyện cho vay 5 triệu đồng với lãi suất thấp. Từ nguồn vốn ấy, anh mua một trâu cái sinh sản về nuôi, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, trâu cái được nuôi dưỡng tốt nên sinh sản đều, sau một năm đã đẻ ra nghé.

Năm 2011, anh bán một con được 12 triệu đồng. Năm 2012, trâu nhà anh cũng đã đẻ thêm một con nghé, thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình không bán mà để nuôi. Cơ hội thoát nghèo lại được nhân đôi bởi năm 2009, gia đình được vay thêm 10 triệu đồng. Anh bắt tay xây chuồng nuôi 1 lợn nái sinh sản.

Đến nay, lợn nái đã sinh sản 3 lứa lợn con, bán đi được gần 30 triệu đồng, chưa kể trong chuồng còn 9 con lợn con, cân nặng từ 12 - 15kg, gia đình không bán để lại nuôi lợn thịt. Từ một hộ gia đình nghèo khó, nhờ được vay vốn và chí thú làm ăn, năm 2011, gia đình anh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo và có thu nhập ổn định.

Chị Mông Thị Hát, vợ anh Kỳ phấn khởi nói: “Đồng vốn ưu đãi thật sự là “bà đỡ” cho những hộ nghèo như gia đình tôi. Không có vốn vay ưu đãi thì chắc nhà mình nghèo mãi thôi. Thời gian tới, gia đình tôi quyết tâm phát triển đàn lợn, đặc biệt là trâu để có tiền trả gốc và nuôi các con ăn học. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hộ nghèo trong thôn, trong xã được tiếp cận nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo”.

 

Bà Triệu Thị Oanh bên con lợn nái mua từ vốn vay của NHCSXH.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả

Là một huyện miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân Lục Yên còn nhiều khó khăn do thiếu vốn phát triển sản xuất. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Yên đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các nguồn vốn vay đối với người dân. Đảm bảo đồng vốn đến tận tay người vay và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay trong quá trình giao dịch, NHCSXH huyện đã xây dựng hệ thống các điểm giao dịch tại 24/24 xã, thị trấn; các thôn đều có tổ vay vốn hoạt động.

Nhờ việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đã thật sự đến tay người nghèo. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị đã lồng ghép việc cho vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ, giúp cho hộ nghèo nâng cao hiểu biết, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự kết hợp này hàng năm có nhiều mô hình áp dụng để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình vay vốn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện (2003 - 2013), Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho trên 18.650 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi, tổng dư nợ đạt 74.698 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 1,8% so với năm 2003. Từ nguồn vốn này đã giúp cho 5.630 hộ nghèo thoát nghèo.

Ông Hoàng Ngọc Giang - Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Yên cho biết: “Công tác cho vay hộ nghèo trên địa bàn huyện Lục Yên đã được chúng tôi triển khai nghiêm túc, hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu rất ít. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, chúng tôi tổ chức kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay chặt chẽ đối với từng hộ gia đình”.

Với sự trợ giúp về vốn của NHCSXH huyện Lục Yên không chỉ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo mà còn chắp cánh khát vọng đổi đời cho những nông dân chí thú làm ăn.

Văn Thông

Các tin khác
Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Dự báo, doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó rất cần sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ.

Nhóm hàng xuất khẩu tăng nhiều nhất là nhóm công nghiệp và khoáng sản tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 125,49 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục