Ngân hàng thu phí rút tiền ATM nội mạng: Không khéo “tham bát, bỏ mâm”!

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2013 | 8:59:14 AM

YBĐT - Kể từ ngày 1/3/2013, các ngân hàng thương mại được phép thu phí rút tiền mặt nội mạng từ thẻ ATM theo Thông tư số 35/2012 của Ngân hàng Nhà nước.

Xin lỗi khách hàng là hình ảnh khá quen thuộc của máy ATM.
Xin lỗi khách hàng là hình ảnh khá quen thuộc của máy ATM.

Trước hết có thể khẳng định, việc các ngân hàng thương mại triển khai việc thu phí rút tiền nội mạng là đúng quy định nhưng động thái này vẫn khiến dư luận, nhất là những người sử dụng thẻ không khỏi băn khoăn. Cảm giác “bị móc ví” sẽ xuất hiện khi mỗi lần rút tiền tại các cây ATM cùng tỉnh, thành, cùng hệ thống lại bị trừ 1.000 đồng, càng thấm thía hơn khi mà đại bộ phận người sử dụng thẻ ATM ở Yên Bái là công chức, viên chức hoặc học sinh, sinh viên - những đối tượng còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi mà lương chưa bao giờ “đuổi kịp” giá hoặc vẫn phải phụ thuộc vào gia đình.

Lý do mà các ngân hàng thương mại đưa ra đề nghị triển khai việc thu phí là đầu tư dịch vụ ATM rất kém hiệu quả, giá mỗi chiếc máy cả tỷ đồng, phải duy trì lượng quỹ cỡ từng đó trong mỗi máy.

Bên cạnh đó là việc bảo trì, thuê đường truyền, tiền điện, tiền thuê đất… vì thế cần phải thu phí để bù lỗ! Câu hỏi đặt ra là việc các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ ATM nhằm mục đích kinh doanh (thông qua thu phí) hay đó chỉ là một khoản đầu tư trang thiết bị nhằm hỗ trợ dịch vụ bán hàng của mình? Câu trả lời có lẽ ở khía cạnh thứ hai, tức hỗ trợ dịch vụ bán hàng và như vậy thì rất khó để “kêu lỗ” vì mọi chi phí đó đều là chi phí bán hàng hoặc chi phí quản lý.

Những người hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng sẽ nhận thấy, các ngân hàng thương mại hưởng lợi rất nhiều từ việc triển khai dịch vụ ATM như: họ - tức các ngân hàng - có được một khoản vốn rất lớn hằng tháng cứ đều đặn “chảy” vào kho quỹ của mình mà chỉ cần ký hợp đồng “đổ lương” với các cơ quan, đơn vị duy nhất một lần cho cả năm.

Một cán bộ ngân hàng (đề nghị không nêu tên) thừa nhận, bình quân mỗi thẻ ATM mà ngân hàng của anh phát hành có số dư trên 2 triệu đồng, nếu đem nhân với gần 200.000 thẻ mà ngân hàng đã phát hành thì số vốn đó không hề nhỏ, trong khi ngân hàng chỉ phải trả mức lãi suất rất nhỏ mang tính chất khuyến khích khách hàng. Ai cũng biết huy động vốn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đối với các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

Khi một cá nhân A nào đó được cơ quan đổ lương vào tài khoản ngân hàng X thì gần như toàn bộ mọi giao dịch tiền tệ, tín dụng của người đó như: chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn… sẽ được thực hiện tại ngân hàng X và như thế, thông qua tấm thẻ ATM nhỏ gọn, hình ảnh của ngân hàng sẽ đến với công chúng như một lẽ đương nhiên.

Chắc chắn, có rất nhiều lợi ích khác nữa như thu hộ tiền điện, nước… bởi nếu không vậy thì tại sao các ngân hàng thương mại cứ phải đua nhau đầu tư dịch vụ ATM, nhất là áp dụng mọi biện pháp nhằm ký được hợp đồng với các cơ quan, đơn vị để họ đổ lương vào tài khoản tại ngân hàng mình!

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn bàn luận khá sôi nổi về vấn đề thu phí dịch vụ ATM. Có nhiều ý kiến rất xác thực mà các nhà quản lý, các ngân hàng thương mại không thể không suy nghĩ như: ngân hàng sử dụng dịch vụ ATM là để “câu” khách. Nếu ATM là cái cần câu thì phần lớn “cá” đã bị buộc phải cắn câu vì Chính phủ đã có quy định bắt buộc các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở những nơi có điều kiện phải chuyển lương cho người lao động qua tài khoản.

Đã bị ép “cắn câu”, giờ nộp thêm khoản phí thì chẳng khác nào “cá phải dâng mồi cho ngư ông đắc lợi”! Chất lượng dịch vụ ATM ở Việt Nam không thể nói là tốt, hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ rút tiền khá phổ biến ở các thành phố lớn. Tuy không có cảnh xếp hàng như vậy nhưng tình trạng máy ATM ngưng hoạt động không phải là hiếm gặp ở Yên Bái.

Nhiều cây ATM đặt ngay tại ngân hàng chủ quản cũng “Sorry” khách hàng như ở Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái (cả cơ sở 1 và 2); cây ATM tại trụ sở chính của BIDV Yên Bái, cây ATM tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trấn Yên…

Người viết bài này đã có lần đến cây ATM của Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái tại hội sở chính để rút tiền nhưng máy không hoạt động, vào phòng giao dịch đề nghị thì được nhân viên lịch sự hướng dẫn... ra cây ATM ở ngã tư Nam Cường để rút vì cây đó hiện giờ đã hoạt động. Mỗi người sử dụng thẻ ATM chắc hẳn cũng đã vài lần đi rút tiền không thành công vì máy “Sorry”. Khi ấy, nhìn hàng chữ trang trọng trên cửa kính “Văn minh, tiện lợi, hoạt động 24/24h” mà các quý khách không khỏi ngán ngẩm!

Khi mà dịch vụ ATM mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, khi mà chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo thì việc triển khai thu phí nội mạng là điều chưa nên làm hoặc cần phải đưa ra các tiêu chí như: có số dư trên 2 triệu đồng hoặc có hợp đồng mỗi năm nhập vào tài khoản 40 - 50 triệu đồng thì miễn phí… Nếu cứ triển khai thu phí rút tiền nội mạng như hiện nay thì nhiều người sẽ áp dụng “chiến thuật”: mỗi tháng rút một lần bằng toàn bộ số tiền của mình về nhà tiêu dần cho đỡ mất phí và như thế, sự văn minh, những tiện ích của ATM sẽ không còn tác dụng.

Bên cạnh đó cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất đắn đo trước lời mời chào của nhân viên ngân hàng đổ lương qua tài khoản… Rốt cuộc, thiệt hại sẽ thuộc về phía các ngân hàng!     

Ngày 28/12/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Theo đó, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch.

Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp 2 lần và gấp 3 lần vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch và quy định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2013.

Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng/giao dịch. Chủ tài khoản muốn in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 đồng đến 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.

Mọi giao dịch nội mạng đều mất phí từ 0 - 15.000 đồng một giao dịch. Ngoài ra, phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng, còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm.

Ngân hàng Nhà nước quy định, trước khi áp dụng biểu phí mới ít nhất 15 ngày, các ngân hàng phải gửi biểu phí dịch vụ thẻ cho Ngân hàng Nhà nước để báo cáo và giám sát cũng như niêm yết công khai cho khách hàng.

     

L.P

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục